Nghệ thuật minh họa áo mũ thời Nguyễn đầu thế kỷ 20

24/03/2023 07:25 GMT+7

Nghệ thuật minh họa áo mũ thời Nguyễn đầu thế kỷ XX (do Omega và NXB Dân Trí vừa ấn hành) chứng minh và ghi nhận những đóng góp của họa sĩ tài hoa Nguyễn Văn Nhân cho dòng nghệ thuật minh họa VN, đồng thời khẳng định những giá trị lịch sử, văn hóa cũng như mỹ thuật trang phục của người Việt thời kỳ này.

Cuốn sách của tác giả Trần Minh Nhựt là công trình nghiên cứu với trọng tâm là khảo cứu bộ tác phẩm nghệ thuật công phu Grande Tenue de la Cour d'Annam (tạm dịch: Đại lễ phục triều đình An Nam) của họa sĩ Nguyễn Văn Nhân. Qua đó, tôn vinh tài năng vẽ tranh điêu luyện của họa sĩ, củng cố và đánh giá những giá trị nghệ thuật của bộ tranh khi soi chiếu đến trang phục triều Nguyễn và đề cao những đóng góp của họa sĩ cho nền mỹ thuật nước nhà.

Tác phẩm còn góp phần làm sáng tỏ hoàn cảnh ra đời và hành trình lưu lạc xứ người của bộ tranh, cũng như quá trình tác giả Trần Minh Nhựt tiếp cận bộ tranh quý giá hiện đang được lưu giữ ở National Gallery Singapore, giới thiệu đến công chúng trọn vẹn các bức ảnh chụp kỹ thuật số từ nguyên bản bộ tranh quý do National Gallery Singapore cung cấp.

Nghệ thuật minh họa áo mũ thời Nguyên đầu thế kỷ 20 - Ảnh 1.

Bức vẽ Đại Nam hoàng đế sắc phục tại vị của Nguyễn Văn Nhân

Tác giả Trần Minh Nhựt còn tập trung phân tích mỹ thuật học (đường nét, mảng, hình, màu sắc, nhịp điệu) của ngôn ngữ đồ họa trong tạo hình minh họa áo mũ, cũng như diễn giải kỹ càng về nghệ thuật minh họa và cuộc gặp gỡ phong cách tạo hình phương Tây ở khía cạnh khoa học màu sắc, ánh sáng và tỷ lệ nhân thể. Ngoài ra còn là sự giải mã ngôn ngữ tạo hình nghệ thuật đặc trưng, hay sự tác động của nghệ thuật phương Tây trong giai đoạn giao thoa văn hóa Đông - Tây đầu thế kỷ 20 thông qua trường hợp Nguyễn Văn Nhân.

N BẢN DUY NHẤT CÒN TỒN TẠI

Bộ tranh được khảo sát Grande Tenue de la Cour d'Annam do Nguyễn Văn Nhân vẽ dưới triều vua Thành Thái, gồm 54 bức vẽ minh họa bằng màu nước trên giấy khổ 23,1 x 31,8 cm đóng thành một cuốn album. Đến thời điểm này, bộ tranh hiện đang thuộc quyền sở hữu của National Gallery Singapore và được cho là ấn bản duy nhất tồn tại, được công chúng biết đến.

Nghệ thuật minh họa áo mũ thời Nguyên đầu thế kỷ 20 - Ảnh 2.

Bức vẽ [Triều phục] Hoàng tử [đứng giữa] - [Lễ phục] Công chúa - [Triều phục] Phò mã của Nguyễn Văn Nhân

QUANG DIỆU

Ngay trang bìa đầu tiên của bộ tranh có nhãn dán đề dòng chữ Hán 皇派色服自天子至尊室 (Hoàng phái sắc phục tự thiên tử chí tôn thất) cùng dòng chữ Pháp phía dưới với nội dung: "Grande tenue de la Cour d'Annam par Nguyễn Văn Nhân, Biên tu du Hàn-lâm en disponibilité. Hué, Décembre 1902" (Đại lễ phục triều An Nam, [do] Nguyễn Văn Nhân, chức Biên tu Viện Hàn lâm hưu trí [vẽ]. Huế, tháng 12 năm 1902). Các nội dung trên mang đến thông tin cơ bản rằng những bức vẽ trong bộ tranh Grande Tenue de la Cour d'Annam do nguyên Biên tu Hàn lâm viện của triều Nguyễn là Nguyễn Văn Nhân vẽ tại Huế vào tháng 12.1902, về chủ đề Đại lễ phục của triều đình An Nam (Huế).

Các bức vẽ trong bộ tranh minh họa tinh xảo về phẩm phục, trang phục hoàng gia, triều thần, binh lính... theo trật tự thứ bậc của các tầng lớp xã hội, miêu tả chi tiết từ màu sắc đến họa tiết, hoa văn trang trí thuộc hệ thống áo mũ của triều đình Huế. Trên mỗi bức vẽ đều ghi chú chi tiết thông tin về địa vị, chức tước, phẩm hàm của nhân vật bằng chữ Pháp và chữ Hán.

Bộ tranh của tác giả Nguyễn Văn Nhân, thuộc thế hệ đầu tiên trong buổi đầu giao lưu và tiếp nhận, tiếp biến nghệ thuật phương Tây vào VN. Nguyễn Văn Nhân được xem là nghệ nhân hay thợ vẽ theo cách định danh của người Việt lúc bấy giờ, nhưng cũng có thể gọi ông là họa sĩ (peintre) theo nghĩa Tây căn cứ trên giá trị nghệ thuật của bộ tranh quý Grande Tenue de la Cour d'Annam do ông thể hiện qua nét cọ điêu luyện.

Nghệ thuật minh họa áo mũ thời Nguyên đầu thế kỷ 20 - Ảnh 3.

Bức vẽ Lính thượng trà và Lính thượng thiện của Nguyễn Văn Nhân

Nghệ thuật minh họa áo mũ thời Nguyên đầu thế kỷ 20 - Ảnh 4.

Bìa sách Nghệ thuật minh họa áo mũ thời Nguyễn đầu thế kỷ XX

Năm 1925 được xem là thời điểm quan trọng của nền mỹ thuật VN hiện đại, ghi dấu sự ra đời của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, với họa sư Nam Sơn (Nguyễn Vạn Thọ, 1890 - 1973) là yếu nhân làm cầu nối giữa mỹ thuật truyền thống VN và mỹ thuật hiện đại Âu châu. Trước đó nữa, đầu thập niên 1890, họa sĩ Lê Văn Miến (hay Lê Huy Miến, 1874 - 1943) đã du học Pháp (Trường Thuộc địa) đồng thời theo học vẽ sơn dầu (Trường Mỹ thuật Paris), bắt đầu sự nghiệp sáng tác nghệ thuật và dạy học sau khi về nước. Ngoài ra còn phải nhắc đến tên tuổi họa sĩ Tôn Thất Sa (1882 - 1980), được hậu thế biết đến với một số tranh màu nước và khắc gỗ, đặc biệt nổi tiếng trong vai trò họa sĩ vẽ minh họa cho tập san Đô thành hiếu cổ (Bulletin des amis du vieux Hué, tồn tại giai đoạn 1914 - 1944) do Linh mục Léopold Cadière làm chủ bút.

Xét về khung thời gian, Nguyễn Văn Nhân thuộc thế hệ tiên khởi trong buổi đầu giao lưu mỹ thuật Đông - Tây ở VN, đã kết hợp có tính thuyết phục giữa nghệ thuật tạo hình phương Đông (gợi) và phương Tây (tả thực), đạt được những thành tựu về tranh minh họa thời cận - hiện đại của mỹ thuật Việt. Tuy nhiên, hành trạng của ông vẫn chưa thực sự được minh định rõ ràng. Vì thế, cuộc đời và sự nghiệp hội họa của ông vẫn còn nhiều điều bí ẩn cần khám phá.

TS Nguyễn Đức Sơn khẳng định: "Công trình không đơn thuần giới thiệu những hình ảnh/tranh vẽ, mà còn trình bày các kết quả nghiên cứu mới của tác giả về bộ tranh dựa trên những cơ sở khoa học, các tài liệu lịch sử đa dạng và đáng tin cậy để đánh giá khách quan về chủ thể được nghiên cứu. Những sơ đồ mô phỏng của tác giả Trần Minh Nhựt còn góp phần giúp độc giả hiểu rõ hơn về cấu trúc trang phục cũng như giá trị nghệ thuật của hình minh họa trong Grande Tenue de la Cour d'Annam". 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.