Nghe và nhìn về Việt Nam

18/12/2005 14:39 GMT+7

Bộ trưởng Nông nghiệp mỏ năng lượng của Campuchia và đồng thời cũng là Chủ tịch Tổ chức Thanh niên FUNCINPEC của Campuchia, ông Nhep Bunchin, nói rằng lần đầu tiên đến Việt Nam ông thấy khác với những gì đã đọc, đã được thông tin ở nước ngoài về Việt Nam. Ông tưởng rằng xã hội Việt Nam ảm đạm lắm, không ngờ nó sinh động như bất cứ nơi nào sinh động trên thế giới này, bởi vì ông từng học ở Mỹ 19 năm và từng đi làm việc trên 30 nước.

Trong buổi làm việc với Hội LHTN Việt Nam, giữa đoàn của ông và chúng tôi đều cảm thấy rằng những khoảng cách mà khi ở xa nhìn tưởng là xa ghê gớm lắm, nhưng ngược lại nó cũng không phải như vậy. Hai bên đều có những nhu cầu gặp gỡ, trao đổi hiểu biết và giúp đỡ lẫn nhau.

Một trường hợp khác, cô Thân Thanh Hà, Á hậu 1 Áo dài của Philadelphia (Mỹ) năm 1999, khi xin được về tham gia chương trình Duyên dáng Việt Nam 8 - theo cô đó là một vinh dự lớn trong đời làm người mẫu và thiết kế thời trang của cô - cô nói rằng cô xa Việt Nam đã rất lâu, gia đình, bà con đều ở Mỹ. Bất ngờ năm 1998, cô về thăm Việt Nam được bạn bè dẫn đi xem chương trình Duyên dáng Việt Nam 6. Cô cảm thấy tại sao ở Việt Nam của cô cũng có chương trình ca nhạc thời trang được đạo diễn dàn dựng chẳng kém gì những show lớn ở những nước như Mỹ và châu u. Nó còn buộc nhà thiết kế trẻ này tìm đến nhà may Liên Hương (người có bộ sưu tập áo dài nổi tiếng trong chương trình Duyên dáng Việt Nam 6) để may một loạt áo dài đưa về Mỹ. Và cũng chính chiếc áo dài đó đã làm cho cô đăng quang chức Á hậu 1 Áo dài Việt Nam tại Philadelphia. Cô Hà nhìn nhận rằng chỉ trong lĩnh vực thiết kế thời trang, người mẫu, dàn dựng chương trình, đến làm tóc, trang điểm thôi thì đã thấy nhiều người Việt Nam rất giỏi và cô dùng đến chữ "tài ba".

 Những ngày về Việt Nam lần này, cô có điều kiện đọc báo và tìm hiểu lĩnh vực khác của đời sống trong nước, cô phát hiện những việc mới lạ và cô cho rằng ở đây chính là nơi có rất nhiều mảnh đất tốt cho những ai chịu làm việc. Tất nhiên, nói một cách công bằng rằng, có cả những mặt trái khác chứ không bằng phẳng hết ở mọi việc như ý nghĩ nồng nhiệt của cô Thân Thanh Hà đâu, song nó gợi cho chúng ta nhiều suy nghĩ về những gì chúng ta đang có và chúng ta đã dễ dàng để lãng phí, không biết tận dụng hết "nội lực" và những gì mình có.

Con người, nhãn hiệu hàng hóa cao cấp, chất lượng lao động, sự sáng tạo trong xã hội Việt Nam không thiếu, nó rất phong phú và sinh động, chỉ có vấn đề ta khai thác nó tới đâu, ta tạo điều kiện bằng các chính sách cho nó ra sao, các chính sách thông tin ra bên ngoài như thế nào để người ta biết rằng có một Việt Nam, một đất nước đang sinh động, đang có mặt, đang góp phần vào cộng đồng nhân loại một cách xứng đáng nhất, chứ không phải để cho một vị Bộ trưởng của một nước láng giềng gần gũi như ông Nhep Buchin lại có ý nghĩ rất khác biệt giữa khi ông nghe và nhìn thấy về Việt Nam.

Nguyễn Công Khế
(Thanh Niên 21/10/1999)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.