|
Đìu hiu làng nghề
|
Khoảng hơn 15 năm trước, đến Phú Tân dễ dàng bắt gặp hình ảnh những bức tranh vẽ trên kiếng được bà con phơi đầy trước cửa nhà. Nhưng giờ đây hình ảnh ấy đã không còn, thay vào đó chỉ lác đác vài bức tranh thưa thớt của một số hộ gia đình đang cố gắng giữ nghề. Cô Mã Thị Dương (ngụ ấp Phước Thuận, người có hơn 30 năm theo nghề vẽ tranh trên kiếng) cho biết: “Hồi xưa, tranh kiếng bán đắt lắm. Một ngày vợ chồng tôi vẽ hơn 10 bức tranh mà vẫn không đủ giao cho khách trong và ngoài tỉnh. Tranh bán với giá từ 40.000 - 100.000 đồng/bức nên nhiều gia đình đã có cuộc sống ổn định từ vẽ tranh trên kiếng”.
Hơn 50 năm hình thành và phát triển, làng nghề vẽ tranh trên kiếng của xã Phú Tân nổi tiếng khắp Nam bộ. Những sản phẩm làm ra không chỉ được bán tại địa phương mà còn được khách hàng nhiều tỉnh, thành khác ưa chuộng, nhất là TP.HCM. Theo nhiều nghệ nhân, để hoàn thành một bức tranh trên kiếng phải trải qua nhiều công đoạn, đòi hỏi người vẽ phải khéo léo, có tay nghề cao và mắt thẩm mỹ trong phối màu, nét bút thật sắc sảo thì tranh mới có hồn. Đề tài vẽ tranh cũng khá phong phú, nhưng chủ đề được các nghệ nhân vẽ nhiều nhất là câu chuyện kể về cuộc đời của đức Phật Thích Ca, phong cảnh chùa hay những địa danh nổi tiếng… Cô Dương nói: “Trước đây, hơn 150 hộ tại ấp này ai cũng biết vẽ tranh trên kiếng để tiếp nối nghề truyền thống. Nhưng ngày nay, chỉ còn vài hộ vẽ. Rất nhiều chị em tay nghề cao cũng phải bỏ đi làm việc khác, còn mấy đứa trẻ thì không chịu học vẽ nên chắc chắn không bao lâu nghề này sẽ không còn người kế thừa”.
Cần có giải pháp bảo tồn
Trước đây, vào thời hưng thịnh, mỗi tháng, một nghệ nhân ở Phú Tân có thể bán được hơn 100 bức tranh. Nhưng ngày nay, một tháng người vẽ cũng chỉ bán khoảng chục bức. Chính vì nhu cầu của xã hội ngày một giảm, người vẽ tranh không có thu nhập ổn định nên họ bỏ nghề chuyển sang làm những công việc khác có thu nhập cao hơn. Cô Sơn Thị Ươl (ngụ ấp Phước Thuận, gắn bó gần cả cuộc đời với nghề vẽ tranh trên kiếng) cho biết: “Hồi đó, nguyên cả xóm ai cũng biết vẽ tranh. Còn gia đình tôi thế hệ trước truyền lại cho thế hệ sau để giữ nghề nhưng giờ chỉ có mình tôi. 3 đứa con tôi không ai chịu học vẽ vì nó nói cái nghề này học đã khó, mà vẽ xong bán cũng chẳng ai mua. Nếu tiếp tục gắn bó không giúp được cho kinh tế gia đình nên đi làm việc trong công ty kiếm tiền lo cuộc sống tốt hơn. Vì vậy, nghề này về lâu dài chắc chẳng còn ai biết đến…”.
Trên thị trường hiện nay tranh kiếng đang dần vắng bóng. Vì vậy, tại làng nghề vẽ tranh trên kiếng Phú Tân chỉ còn những người lớn tuổi như cô Dương, cô Ươl. Họ bám lấy nghề không phải vì tiền mà để giữ gìn nghề truyền thống của ông bà. Trong khi đó, lớp trẻ tại đây không ai chịu học nghề là lý do chính khiến nghề vẽ tranh trên kiếng đang mai một dần theo thời gian.
Từ một làng nghề nổi tiếng khi nhà nhà, người người cùng vẽ tranh mà giờ đây chỉ còn khoảng 10 hộ tâm huyết giữ gìn cho thấy làng truyền thống này đang dần mai một nếu không có giải pháp bảo tồn kịp thời. Ông Trương Đắt Pháp, Phó chủ tịch UBND xã Phú Tân, cho biết: “Vẽ tranh trên kiếng là nghề truyền thống, mang đậm nét văn hóa của đồng bào Khmer nên cần phải duy trì và phát triển. Hiện nay, xã đang đề nghị với huyện đầu tư phát triển điểm du lịch Giếng Tiên tại xã Phú Tân. Vì khi du lịch phát triển, khách đến tham quan nhiều sẽ tạo cơ hội cho ngành nghề truyền thống phát triển theo, trong đó có nghề vẽ tranh trên kiếng”.
Thành Đạt
>> Kỳ nhân giữa đời thường - Kỳ 5: Ngậm cọ vẽ tranh
>> Người vẽ tranh kính cuối cùng ở Lái Thiêu
>> Vẽ tranh trên thực phẩm
>> Hai đoạn phim vẽ tranh cát được yêu thích
Bình luận (0)