Nghề xuyên đêm ở Sài Thành: 'Shipper' thức ăn kể chuyện bị xù đơn hàng bạc triệu

Hoài Nhân
Hoài Nhân
21/09/2018 09:37 GMT+7

Những người giao thức ăn khuya vì mưu sinh mà phải thay đổi giờ giấc sinh hoạt, ngủ ngày làm đêm lẫn đối mặt nguy hiểm trên những con đường vắng. Đổi lại, nghề cũng cho họ những niềm vui quý giá.

Shipper đêm vui vì không gặp... kẹt xe
Không khó để bắt gặp hình ảnh nhiều người thức khuya làm việc hoặc giải trí. Kéo theo đó là nhu cầu ăn đêm và sự xuất hiện của các dịch vụ giao thức ăn nhanh. Nếu trước kia, số lượng hàng quán hỗ trợ giao hàng đêm khuya đếm trên đầu ngón tay thì khoảng 5 năm trở lại đây, dịch vụ giao thức ăn 24/24 nở rộ tại các thành phố lớn.
Rất dễ dàng để tìm được dịch vụ này trên mạng, với thực đơn đa dạng và tốc độ giao hàng nhanh chóng! Thời gian phục vụ của các dịch vụ bắt đầu khoảng 18 giờ đến 4 giờ sáng hôm sau. Cơ chế vận hành khá đơn giản, chỉ cần có một số điện thoại nóng, một vài trang cá nhân đăng tải thông tin, thực đơn, cách thức đặt hàng, là có thể hoạt động.
[VIDEO] Chuyển thức ăn khuya - nghề chuyên sống về đêm
Thực hiện: Hoài Nhân
Anh Nguyễn Hoàng Trung Hiếu (37 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM), quản lý dịch vụ giao thức ăn ngày và đêm Gà Bay (TP.HCM), cho biết: “Dịch vụ tụi mình mở ra đã được gần 4 năm. Lượng khách tăng nhiều nhất vào những đêm mưa, bão, có sự kiện thể thao lớn và giảm vào các đêm lễ, Tết. Tụi mình lên sẵn một menu, là món ăn ở các hàng ăn đêm uy tín. Khách hàng có thể dựa vào đó hoặc yêu cầu mua ở quán theo ý họ. Nhiệm vụ của tụi mình là đảm bảo thức ăn đến tay họ nhanh nhất”.
Môi trường làm việc của shipper thức ăn là... ngoài đường. Một nhóm hoạt động quy mô từ 5 – 20 người HOÀI NHÂN
Hiện tại, anh Hiếu đảm trách việc nhận đơn đặt hàng. Khách hàng đặt món trực tiếp qua các trang cá nhân hoặc số điện thoại. Anh sẽ lập tức điều động shipper (người giao hàng - PV) đang ở vị trí, tuyến đường phù hợp. Dịch vụ của anh đang có tổng cộng 13 người giao hàng ca đêm.
Khi không có đơn hàng, những người giao hàng phải trở về điểm tập trung HOÀI NHÂN
Nếu người giao hàng được chia ra các ca 17 - 1 giờ, 18 - 2 giờ, 19 - 3 giờ, thì người quản lý phải trực liên tục những thời gian đó HOÀI NHÂN
Trước khi làm quản lý, anh Hiếu cũng từng đi giao hàng nhiều năm. Anh cho biết, ban ngày, anh làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin, tan ca chiều thì chạy sang giao thức ăn. Ban đầu chỉ định “cày” kiếm tiền, sau thấy thích, nên anh nghỉ hẳn việc ở công ty. Nhiều shipper đêm tâm sự họ cũng như vậy, làm nghề vì mưu sinh và vì những niềm vui nho nhỏ khác.
Niềm vui ấy, theo anh Hoàng Bùi Minh Hảo (26 tuổi, ngụ Q.9, TP.HCM, giao thức ăn từ 18 giờ đến 2 giờ sáng hôm sau), là làm đêm không khí mát mẻ, không kẹt xe, nhìn khách vui vì có đồ ăn đúng giờ cũng thấy vui theo, hoặc nhiều lúc còn giúp được người khác giữa khuya.
Anh Hảo tức tốc lên đường khi nhận đơn hàng vào 1 giờ sáng. Mỗi người giao hàng chạy trung bình 10 chuyến/đêm HOÀI NHÂN
“Làm đêm cũng có cái hay của làm đêm. Như cách đây không lâu, 3 giờ sáng bên đường Phạm Hùng (Q.8, TP.HCM), tôi thấy một người dắt bộ vì xe hết xăng. Đường vắng teo cũng sợ lắm chứ, nhưng thấy tội quá, vậy là tôi sang xăng qua cho, họ cảm ơn rối rít. Rồi có khi chính mình hỏng xe, hay bị cảnh sát bắt giữa đêm, đến giao khách muộn, khách nghe chuyện thấy thương nên trả tiền sửa xe lại cho mình luôn”, anh Hảo nhớ lại.
Bị xù đơn hàng bạc triệu
Cánh giao hàng đêm phải đối mặt nhiều thử thách. Có lẽ vì vậy mà hầu hết họ đều là nam. Với thu nhập cho người mới vào nghề trên dưới 5 triệu đồng/tháng, họ phải đối mặt với hàng loạt những khó khăn như hỏng xe mà không ai trợ giúp hoặc nguy hiểm giữa đêm, như cướp giật, lừa đảo.
Thu nhập trung bình cho một người giao thức ăn đêm từ 5 triệu - 10 triệu đồng/tháng. Các khoản phụ khác gồm tiền hỗ trợ điện thoại, tiền thưởng, tiền "boa" từ khách hàng HOÀI NHÂN
Cũng như những nghề làm việc vào ban đêm khác, giới shipper phải đối mặt với nhiều nguy hiểm giữa đêm HOÀI NHÂN
“Lần đó, một thành viên trong nhóm mình đi giao khách ở khu Trung Sơn (Q.8, TP.HCM). Tại đó, hai đối tượng xấu giả dạng cảnh sát đòi kiểm tra giấy tờ. Nhận biết được tình hình, anh ta rút chìa khóa xe vứt đi, rồi chạy ra xa tri hô, đồng thời gọi ngay về cho mình. Anh em mình lập tức chạy sang hỗ trợ thì hai đối tượng kia đã bỏ đi”, anh Hiếu kể.
Hoạt động thâu đêm, đòi hỏi mỗi người giao hàng phải là một “cú đêm” chính hiệu. Chuyện ngủ gục và gặp tai nạn xe khi mới vào nghề được xem là chuyện bình thường. Để thích nghi, họ phải ngủ ngày, làm đêm. Sức khỏe và sinh hoạt gia đình vì thế cũng bị đảo lộn.
Anh Nguyễn Văn Long (34 tuổi, ngụ Q.5, TP.HCM, thâm niên 3 năm trong nghề), cho biết sau một thời gian chạy đêm, sức khỏe của anh giảm sút rõ rệt. Từ một người chơi thể thao rất khỏe, giờ đây anh chỉ chạy vài vòng là đã thấy mệt mỏi.
“Mỗi tháng chỉ được nghỉ phép một ngày, nếu tự nghỉ sẽ mất lương. Vì vậy, nếu muốn... ôm vợ, anh em ca sáng ca tối sẽ thương lượng đổi với nhau”, anh Long cười.
Anh Long cho biết: "Làm cả lễ, Tết sẽ có lương tăng gấp ba nhưng nhiều rủi ro, như mùng 2 Tết vừa rồi, tôi bị thủng lốp trong khi làm việc nhưng người ta nghỉ Tết hết, vậy là dắt bộ hơn 5 cây số" HOÀI NHÂN
Anh Long từng nhiều lần chờ đợi mỏi mòn vì khách hàng đặt rồi... ngủ quên hoặc đổi ý không lấy HOÀI NHÂN
Những dạng tin nhắn dặn dò của khách hàng khó tính luôn khiến các shipper đau đầu vì khó nhớ HOÀI NHÂN
Khó khăn không chỉ đến từ thời gian làm việc, mà còn đến từ khách hàng. Vì người giao hàng phải tự bỏ tiền túi mua trước, nên không hiếm chuyện khách đặt xong rồi… ngủ quên, hoặc đi ra ngoài, đến nơi gọi không nghe máy.
“Các đơn hàng có khi lên đến vài trăm nghìn. Thậm chí có những đối thủ cạnh tranh giở trò, đội lốt khách đặt những món ốc lên đến cả triệu đồng, rồi cho địa chỉ “ma”, khóa số không nhận hàng. Lúc đó, anh em đành phải chia với nhau mà ăn”, anh Long trải lòng.
Mỗi người giao hàng đều tìm thấy niềm vui nhỏ trong những chuyến xe đêm để bám trụ với nghề HOÀI NHÂN
Không như những dịch vụ công nghệ khác, với những đội ngũ giao thức ăn tự do thế này, khách hàng có thể gọi món hoàn toàn theo khẩu vị mình. Vì thế, chuyện “không mỡ hành, ít giá, nhiều tiêu, rau để riêng” đôi lúc khiến người làm nghề đau đầu. “Mỗi đêm, số lượng khách đặt hàng không nhỏ. Vì thế, đôi lúc tụi mình cũng sơ sót những cái lặt vặt như thế. Khách cũng có người này người kia, có người thông cảm, có người phàn nàn hoặc chửi thẳng mặt, mình phải ra sức xin lỗi”, anh Hiếu giải thích.
Ngoài giao thức ăn, các dịch vụ này đôi khi cũng nhận chở người, chuyển tiền hoặc hàng hóa từ khách quen để kiếm thêm thu nhập. “Có khách hàng mẹ dưới quê lên khám bệnh mà bận việc không đi được mới gọi tụi mình. Vậy là shipper làm xe ôm, chở bà ấy đến viện bốc số, đợi khám rồi chở về. Lại có khách hàng say rượu không về nổi, điện gọi 2 shipper đến để chở và đưa xe anh ta về”, anh Hiếu kể.
Cứ thế, mỗi đêm, các shipper lại len lỏi khắp các cung đường để phục vụ nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Không chỉ vì mưu sinh, họ bám nghề còn bởi vì họ thích, vì những niềm vui nho nhỏ mà họ tìm thấy trong những chuyến xe đêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.