Nghẽn lệnh: HOSE nói hoạt động bình thường, nhà đầu tư nói bị ảnh hưởng

Mai Phương
Mai Phương
07/03/2024 15:37 GMT+7

Các nhà đầu tư bất ngờ gặp tình trạng nghẽn lệnh giao dịch chứng khoán chiều 6.3 khiến tâm lý lo lắng lại xuất hiện.

Giao dịch có chập chờn nữa không?

Mở cửa phiên giao dịch chứng khoán sáng nay (7.3), một số nhà đầu tư có tâm lý "nghe ngóng" không biết thị trường sẽ ra sao sau đợt nghẽn lệnh giao dịch đầy bất ngờ trong ngày 6.3. Trên các diễn đàn chứng khoán, một số lời nhắn hỏi kiểu "Anh em đặt thử lệnh có bị sao không?"; "Không biết nay có hiện tượng chập chờn nữa không?"...

Nghẽn lệnh: HOSE nói hoạt động bình thường, nhà đầu tư nói bị ảnh hưởng- Ảnh 1.

Tình trạng nghẽn lệnh giao dịch lại xảy ra tại HOSE chiều 6.3 khiến nhà đầu tư lo lắng

NGỌC THẮNG

Trước đó, nhiều nhà đầu tư cho hay các lệnh giao dịch lúc đầu phiên chiều 6.3 bị treo thì đến chiều tối cùng ngày đều bị hủy. Đã rất lâu rồi sàn giao dịch chứng khoán lại diễn ra cảnh bị nghẽn lệnh. Đến chiều tối cùng ngày, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã thông tin cho biết: "Vào đầu phiên giao dịch chiều 6.3, kết nối từ hệ thống của một số công ty chứng khoán đến hệ thống của HOSE có hiện tượng chập chờn. Qua phiên giao dịch ATC, việc kết nối đã ổn định". Tuy nhiên, thông báo này cũng cho rằng: "Hệ thống giao dịch trong phiên giao dịch ngày 6.3 hoạt động bình thường. Theo thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, tổng số lệnh của toàn thị trường phiên giao dịch là 1.177.809 lệnh (bình quân của 10 phiên giao dịch liền trước: 1.142.638 lệnh). Sở hiện đang phối hợp với nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ vận hành hệ thống (Công ty TNHH Hệ thống Thông tin FPT) để kiểm tra, xác định nguyên nhân".

Như vậy, nguyên nhân cụ thể cho đợt nghẽn lệnh bất ngờ này vẫn chưa rõ. Tổng giám đốc một công ty chứng khoán tại TP.HCM cho hay các công ty chứng khoán là "khổ nhất". Đến nay ông vẫn chưa rõ có phải tình trạng nghẽn lệnh đó diễn ra đồng loạt ở tất cả công ty chứng khoán hay chỉ bị diễn ra ở một vài đơn vị? Bởi trên thực tế trong đợt mở cửa giao dịch phiên chiều 6.3, bảng điện tử vẫn hiển thị các chỉ số có sự thay đổi. Chính vì vậy, ông và các nhân viên môi giới bị nhà đầu tư chất vấn liên tục do lệnh giao dịch của nhà đầu tư thì không hiển thị nhưng bảng giá của sàn HOSE vẫn hoạt động.

"Các nhà đầu tư đặt dấu hỏi liệu có phải chỉ có công ty mình bị nghẽn lệnh hay không? Vì nếu bảng giá có thay đổi chỉ số là phải có lệnh được thực hiện? Có người đặt lệnh bán cổ phiếu giá 37.000 đồng không thấy khớp đến chiều bị rớt xuống còn 36.000 thì "la" quá trời. Tôi cũng chỉ hỏi thăm ở những công ty quen thì tình trạng chập chờn là có nhưng cũng không phải có phải tất cả như nhau không? Hay có đơn vị bị nghẽn nhiều rồi đơn vị bị ít... Nói chung khi hệ thống kết nối từ công ty chứng khoán đến các sở giao dịch có sự cố thì công ty chứng khoán là khổ nhất vì có thể bị nhà đầu tư chất vấn, nghi hệ thống công ty có vấn đề? Uy tín của mình có thể giảm mạnh...", vị tổng giám đốc này nói.

Ảnh hưởng đến nhà đầu tư

Tình trạng chập chờn trong việc kết nối hay gọi chung là nghẽn lệnh trên HOSE chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Trong khi đó, thanh khoản của sàn TP.HCM lại tăng cao nên trong thông báo phát đi, HOSE nhấn mạnh đến việc tổng số lệnh giao dịch cao hơn bình quân của 10 phiên giao dịch liền trước. Thế nhưng, với nhiều nhà đầu tư thì nếu không có hiện tượng nghẽn lệnh giao dịch, thanh khoản của thị trường có thể sẽ lên cao hơn nữa. Hay thậm chí, phiên 6.3 chỉ số VN-Index sẽ đóng cửa trong sắc xanh mà không phải bị giảm 0,57% và chìm trong sắc đỏ... "Không có chuyện giá như nhưng mọi chuyện có thể xảy ra nếu như giao dịch vẫn thông suốt", một nhà đầu tư tại TP.HCM nhấn mạnh.

Nghẽn lệnh: HOSE nói hoạt động bình thường, nhà đầu tư nói bị ảnh hưởng- Ảnh 2.

Nghẽn lệnh giao dịch ảnh hưởng đến tất cả nhà đầu tư và niềm tin vào thị trường chứng khoán

NGỌC THẮNG

Ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam - cho rằng việc nghẽn lệnh giao dịch là ảnh hưởng lớn đến tất cả nhà đầu tư, nhất là với những người đang giao dịch trong thời điểm đó. Mặc dù không thống kê được mức độ ảnh hưởng cụ thể nhưng rõ ràng người bán không được, người mua không xong thì chỉ tích tắc sau giá cổ phiếu đã thay đổi thì họ có thể đang từ lãi chuyển sang lỗ. Do đó không thể nói là hệ thống hoạt động bình thường.

Câu chuyện này lại khiến nhà đầu tư nhớ lại giai đoạn tồi tệ của sàn HOSE từ tháng 12.2020 và diễn ra liên tục trong năm 2021 khiến nhiều phiên phải ngừng hoạt động. Ông Hải nhấn mạnh: Các sở giao dịch chứng khoán thu phí hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm nên hoàn toàn có tiền để đầu tư hạ tầng, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin hiện đại cũng như đảm bảo nhiệm vụ giao dịch thông suốt. Hệ thống KRX đã gần 12 năm nhưng chưa được đưa vào vận hành đã trở thành một dấu hỏi lớn về quản lý, vận hành tại HOSE. Nhà đầu tư có thể vẫn nghi ngờ liệu đến khi hệ thống KRX được đưa vào hoạt động thì có bị trục trặc như vậy hay không? Chúng ta mua phần mềm của nước ngoài thì có làm chủ được công nghệ để dễ dàng nâng cấp, sửa chữa khi giao dịch bị chập chờn hay không? Ngoài công nghệ thì con người vận hành rất quan trọng, cần phải chuẩn bị kỹ lực lượng nhân sự để cho thị trường chứng khoán vận hành liên tục, tạo niềm tin cho nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang quyết tâm thực hiện nâng hạng thị trường chứng khoán trong năm tới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.