Nghẹn ngào sinh viên chỉ mong được về quê đón tết

17/01/2020 07:07 GMT+7

2 năm ở lại thành phố mưu sinh trong ngày tết để kiếm tiền gửi về lo cho em gái sắp thi đại học và bố bệnh tật, nam sinh Phạm Quang Tiến chỉ có một ước mơ là được về quê đón tết cùng gia đình.

Những giọt nước mắt của Tiến đã rơi khi nghe giai điệu của những bản nhạc xuân trong chương trình Họp mặt sinh viên đón tết xa nhà do Trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM tổ chức chiều 15.1.
Với những sinh viên không về quê đón tết như Tiến, mỗi bạn là một câu chuyện khác nhau, nhưng đa phần đều vì kinh tế gia đình không cho phép, các bạn đành ngậm ngùi ở lại để làm thêm kiếm tiền trang trải cuộc sống và học phí cho kỳ học mới.

Sợ nhất là đêm giao thừa

Mẹ ở nhà kiếm sống bằng nghề nhặt ve chai, ba Tiến lại bệnh tật không làm được gì, 2 năm đầu Tiến làm thêm còn dành dụm được ít tiền về quê ăn tết, nhưng từ năm 3, lúc đó em gái Tiến đang học lớp 11 và cần thêm tiền để học thêm, vì thế Tiến quyết định ở lại tết đi làm kiếm tiền gửi về lo cho em ăn học.
Hiện Tiến là sinh viên năm cuối của Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, nhưng suốt 4 năm ĐH, Tiến không những tự lo cho cuộc sống ăn học ở thành phố mà còn gửi tiền hằng tháng về nhà để phụ mẹ lo việc học cho em và bệnh tật của bố.
“Em là anh cả trong gia đình, phải mạnh mẽ để làm chỗ dựa cho em út. Sau này, em gái thi vào đây học ĐH, lúc đó em cũng sẽ cố gắng làm để lo cho em, không để mẹ phải tần tảo sớm hôm nữa”, Tiến chia sẻ ra dáng của một người đàn ông trưởng thành. Thế nhưng, khi tiếng nhạc xuân cất lên, đôi mắt Tiến lại ngấn lệ: “Em nhớ nhà lắm, mà ba mẹ ở nhà cũng nhớ em nữa. Nhưng phải cố thôi, chứ biết sao giờ”.
Ngoài việc làm thêm để kiếm tiền trang trải, Tiến còn sắp xếp thời gian để tham gia rất nhiều hoạt động thiện nguyện, vì Tiến biết ở ngoài xã hội kia còn rất nhiều mảnh đời kém may mắn hơn mình và đang cần được giúp đỡ. Chính vì tấm lòng và sự nhiệt tình, nên Tiến được rất nhiều người thương.
“Hằng tháng em không phải tốn tiền mua gạo, mà được các cô chú ở chùa thương nên cho, nhờ thế em tiết kiệm được khoản tiền. Có số gạo đó em tự đi chợ nấu ăn, một ngày đi chợ chỉ khoảng mười mấy ngàn thay vì ăn quán cũng mất ít nhất 40.000 đồng. Ở thành phố đắt đỏ này, nói đi chợ mười mấy ngàn chẳng ai tin, nhưng 4 năm qua em toàn vậy thôi à, em phải tiết kiệm vì còn nhiều thứ phải lo”, Tiến bộc bạch.
Năm trước Tiến ở lại tết và làm công việc bốc vác hàng, nặng nhọc nhưng tiền thù lao sẽ cao hơn các công việc khác. Năm nay Tiến đã xin và đi làm như một công nhân thời vụ cho xưởng giao hàng nhanh. Tiến chọn làm ca đêm vì sợ nhất là đêm giao thừa ở phòng một mình sẽ tủi thân.
“Em sợ và buồn nhất là đêm giao thừa, thời khắc đoàn viên của hầu hết các gia đình, nên phải đi làm ca đêm. Bên cạnh đó, vì năm nay em đăng ký khung đồ án tốt nghiệp loại giỏi nên chỉ chọn làm thêm ban đêm để ban ngày ở phòng đầu tư cho đồ án. Em muốn có tấm bằng giỏi để mang về tặng ba. Ngày xưa, vì gia cảnh khó khăn, em đã định học cao đẳng ở quê nhưng ba khuyên em vào thành phố học để có tương lai”, Tiến ngậm ngùi kể.

Ra trường đi làm chắc chắn sẽ về quê ăn tết

Hoàn cảnh cũng ngặt nghèo giống Tiến, Nguyễn Văn Trung, sinh viên Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, ngậm ngùi đón tết xa nhà 2 năm nay.
Ngày Trung chuẩn bị thi vào ĐH, mẹ đột ngột phát bệnh não, mọi gánh nặng của gia đình đè nặng lên đôi vai của bố. Nhưng vì làm việc quá sức, bố của Trung cũng bị thoát vị đĩa đệm và mất sức lao động nhiều năm nay. Là anh cả trong gia đình, Trung phải gồng mình lên để vừa lo ăn học, vừa kiếm tiền phụ giúp gia đình.
Mỗi cái tết ở lại, Trung tìm nhiều việc khác nhau để kiếm được nhiều tiền hơn. Năm nay Trung đã xin được làm bảo vệ và phục vụ quán.
Có lẽ cũng giống Tiến, dù cố tỏ ra mình rắn rỏi cỡ nào, nhưng chỉ cần nhắc đến tết là Trung cũng lại chạnh lòng.
“Dù buồn và tủi thân nhưng em sẽ cố gắng, chỉ sợ mỗi lần nghe điện thoại của gia đình điện vào báo về tình hình bệnh của mẹ, của ba. Em rất sợ điều này”, Trung nghẹn ngào.
3 năm sinh viên là 3 năm Phạm Thị Hà, sinh viên Trường CĐ Kỹ thuật Vinatex, không được đón tết cùng gia đình. Nhiều sinh viên thường không về tết vì vé xe quá đắt đỏ nên sẽ về vào dịp hè, nhưng với Hà thì đã 3 năm tròn kể từ ngày xách ba lô vào thành phố nhập học đến giờ, Hà chưa một lần được về nhà.
“Tết thì vé xe khá đắt đỏ, còn hè là thời gian mà em đi làm thêm nhiều nhất. Vì ở nhà cả bố mẹ đều làm nông mà nhà lại đông anh em nên em phải cố gắng vừa học vừa làm để lo trang trải”, cô sinh viên quê Quảng Bình tâm sự.
Những ngày trước tết Hà đã đi trẩy lá mai thuê cho các nhà vườn, làm từ 7 - 17 giờ mỗi ngày và Hà sẽ nhận được tiền công là 200.000 đồng. Còn hiện tại thì Hà xin làm phục vụ. “Bình thường phục vụ một tiếng được trả từ 10.000 - 15.000 đồng, ngày tết sẽ tăng lên được 25.000 đồng. Nếu chịu khó làm nhiều việc thì cũng kiếm được tiền để trang trải cho học kỳ tới”, Hà nói.
3 năm không về quê, nên điều mong ước lớn nhất của Hà là được về ăn tết cùng gia đình: “Hết năm này em ra trường, đi làm sẽ đỡ chật vật hơn, chắc chắn điều đầu tiên em làm là về quê đón tết với bố mẹ”.
Cũng giống Hà, khi người viết hỏi: “Nếu có một điều ước ngay tại thời điểm hiện tại, em sẽ ước gì?”, Tiến không chần chừ mà trả lời: “Em sẽ ước được về quê đón tết để ba mẹ được vui”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.