Nghẹt thở vì đi lễ chùa đầu năm

22/02/2010 00:45 GMT+7

Đầu năm mới, người dân phải chen chúc nhau mới có thể vào lễ tại các ngôi chùa có tiếng ở nội thành.

Những ngày này, phủ Tây Hồ nghìn nghịt khách thập phương đến lễ bái. Ngày mùng 7 Tết, ngay từ sáng sớm, tại bãi giữ xe trước lối vào phủ, hàng trăm chiếc ô tô đã được xếp thành hàng ngay ngắn. Hai bên lối vào, la liệt hàng bán đồ lễ: từ hoa hồng, hoa cúc, hương đèn đến kim ngân vàng mã, bánh kẹo...; những bàn viết sớ lễ cũng mọc lên như nấm ở lối vào phủ.

Đến 10 giờ, bãi giữ xe gần như hết chỗ. Nhiều đoàn lễ đi xe máy đến nơi, không tìm được chỗ gửi xe đành tấp xe lên vỉa hè, ngậm ngùi “cắt cử” người ngồi trông. Mặt đỏ gay vì... tức khi phải ngồi ngoài trông xe, cô Nguyễn Thị Hoài (Sài Đồng, Long Biên) nói: “Vợ chồng con cái nhà tôi quyết định đi lễ vào hôm nay, chắc mẩm phủ sẽ vắng người đi lễ vì người ta vẫn quan niệm “chớ đi ngày Bảy, chớ về ngày Ba”, ấy thế mà vẫn đông quá. Đông thế này, có khi chen vào được tới nơi, chắc cũng khó mà đặt lễ lên ban”.

Bên trong các điện, nơi đặt ban thờ, người đi lễ phải xếp hàng để chờ đến lượt vào dâng lễ. Nhiều người không đủ kiên nhẫn, đành ngậm ngùi châm vội nén nhang, dâng lễ lên đầu rồi khấn vái để tìm đường đi ra vì không thể đợi đến lượt. Cô Minh Thái (68 Kiều Mai), mặt đỏ phừng phừng, nước mắt giàn giụa vì khói nhang, cho biết: “Tôi đi từ 7 giờ sáng mà cũng phải xếp hàng chán mới vào lễ được đấy. Khách ở các tỉnh khác đến lễ phủ cũng đông khủng khiếp. Mà họ từ xa đến, nên cứ chăm chăm phải lễ cho bằng được. Họ xếp hàng từ sớm thì làm gì có chỗ cho mình”.

Cách đó không xa, chùa Trấn Quốc cũng trong tình trạng người chen người đến lễ. Đoạn đường thông thoáng nhất là cây cầu dẫn vào khuôn viên chùa nhưng cũng phải "mòn mắt" mới tìm thấy một khoảng trống. Trong điện chính, cảnh xếp hàng chờ dâng lễ chẳng khác gì ở phủ Tây Hồ. Ai nấy mặt đỏ gay, mắt nhòe nước vì khói hương dày đặc.

Tại những ngôi chùa ở các huyện ngoại thành như chùa Trầm, chùa Trăm Gian (Chương Mỹ), chùa Thầy (Quốc Oai), chùa Hương (Mỹ Đức)..., lượng khách đổ về cũng đông không kém. Chùa Thầy khai hội vào mùng 7 nhưng trước đó 1 ngày, chùa đã đông nghịt khách đi lễ cầu và vãn cảnh. Nguyễn Thị Hiền - sinh viên ĐH Công đoàn cùng nhóm bạn đến chùa Thầy cầu phúc - kể lại: “Đi lễ về mà đau ê ẩm hết mình mẩy, tay chân vì bị chen lấn. Chắc năm sau không dám đi chùa vào ngày Tết”.

Đồ cúng đắt vẫn hút khách

Tại cổng vào phủ Tây Hồ, một bông hoa hồng được bán phổ biến với giá 5.000 - 10.000 đồng trong khi cũng với ngần đấy tiền, mua ngoài chợ được ít nhất 2- 3 bông. Kim ngân hoa giả cũng là mặt hàng bán chạy số một tại cổng phủ. Giá của loại đồ cúng này không đồng đều, dao động từ 20.000 - 50.000 đồng/cành tùy vào màu sắc và hình dạng, kích thước. “Năm nay, giá đồ cúng có phần cao hơn năm ngoái, nhưng bán chạy hơn, không bị mặc cả quá nhiều”, chị Thanh bán đồ cúng ở cổng phủ Tây Hồ cho biết. Chị Thanh cũng bày tỏ, so với năm ngoái, lượng người đổ về phủ Tây Hồ năm nay, đông hơn rất nhiều. “Vì nhiều người quan niệm rằng nếu đi cầu khấn vào dịp Tết Canh Dần - năm diễn ra đại lễ 1.000 năm Thăng Long Hà Nội sẽ có lộc và thiêng hơn so với các năm khác”, chị Thanh chia sẻ.

Bánh trái, hoa quả bán ở cổng chùa cũng được “hét” giá gấp đôi ở chợ. Tại cổng chùa Hà (Q. Cầu Giấy), xoài vàng có giá 45.000 đồng/kg, cam và thanh long đỏ đẹp có giá 50.000 đồng/kg. Trong khi nếu bán tại chợ, giá xoài, thanh long chỉ khoảng 25.000 - 35.000 đồng/kg.

Trần Lan Anh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.