Bất lực… nhìn nghêu chết
Tình trạng nghêu chết ồ ạt trong những ngày qua đẩy nhiều hộ dân ở xã Tân Thành vào cảnh khốn đốn. Ông Đặng Văn Lần, chủ hơn 8 ha nghêu, chua chát: “Hàng chục năm làm nghề nuôi nghêu nhưng chưa bao giờ nghêu chết nhiều như năm nay. Nghêu chết bất thường không theo quy luật nên ai cũng bó tay, vô phương cứu chữa”. Ông Trần Văn Vinh, một chủ sân nghêu ở bãi biển Tân Thành, than rằng gia đình ông gom hết vốn liếng để đầu tư vào nuôi nghêu. Thế nhưng chưa kịp thu hoạch thì nghêu “lăn đùng” ra chết, khiến gia đình ông bị mất trắng mấy tỉ đồng.
Theo thống kê của UBND xã Tân Thành, vụ nghêu năm nay người dân thả nuôi khoảng 1.400 - 1.500 ha; đến thời điểm này diện tích nghêu chết lên đến 1.150 - 1.200 ha, tỷ lệ thiệt hại từ 40 - 70%, có hộ bị chết 80 - 100%. Với tình hình này, coi như năm nay hàng loạt hộ nuôi nghêu trắng tay. “Chính quyền và người dân không biết nghêu chết do đâu nên chỉ biết đứng nhìn vì không cách điều trị. Chúng tôi đã báo cáo lên cấp trên và có cán bộ chuyên môn ở huyện, tỉnh, các viện, trường ở TP.HCM xuống tìm hiểu thực tế, lấy mẫu xét nghiệm… Song, vẫn chưa cơ quan nào có kết luận cuối cùng về nghêu chết. Các hộ nuôi nghêu cho biết, với năng suất bình quân đạt 20 tấn/ha, giá bán khoảng 20.000 đồng/kg thì người dân xứ biển Tân Thành bị thiệt hại từ 200 - 250 tỉ đồng do nghêu chết. Ngoài ra, nhiều hộ làm nghề cào nghêu, thu hoạch nghêu… cũng bị vạ lây vì mất việc làm”, ông Ngô Phi Trường, Chủ tịch UBND xã Tân Thành, lo lắng.
Sau khi bãi nghêu Tân Thành xảy ra dịch bệnh, các chủ sân nghêu khác ở ĐBSCL hết sức lo lắng bởi không biết tai họa ập tới lúc nào. Lãnh đạo HTX nghêu Rạng Đông (H.Bình Đại, Bến Tre) cho rằng năm nay nắng quá nóng, độ mặn cao… gây bất lợi cho nghêu. Hiện lãnh đạo HTX đang theo dõi chặt “sức khỏe” con nghêu để có cách đối phó kịp thời, tránh thiệt hại.
|
Thiếu giải pháp căn cơ
Lâu nay, con nghêu đã giúp nhiều hộ dân miệt biển Tiền Giang, Bến Tre, Bạc Liêu… vươn lên khá giả. Tuy nhiên, những năm gần đây, nghề nuôi nghêu đối mặt với nhiều rủi ro, dịch bệnh xảy ra liên tục không biết đâu mà lường. Ông Sáu Mánh, một trong những hộ khởi xướng nghề nuôi nghêu ở xứ biển Tân Thành, cho biết người dân xứ này phập phồng và bức xúc vì nạn nghêu chết trên diện rộng, gây thiệt hại lớn nhưng không cách phòng trị. Điều đáng nói là lần nào nghêu chết, các cơ quan chức năng cũng cử cán bộ đến tìm hiểu, nhưng chưa ai trả lời với dân nghêu chết do bệnh gì và đâu là giải pháp phát triển lâu bền. UBND xã Tân Thành cũng thừa nhận dù xác định con nghêu là thế mạnh kinh tế của địa phương, thế nhưng việc tìm hướng đi thế nào cho hiệu quả còn rất mù mờ.
Đồng tình với việc này, ông Lê Văn Quang, Phó chủ nhiệm HTX xã nghêu Rạng Đông, cho rằng nghề nuôi nghêu phụ thuộc toàn bộ vào thiên nhiên. Do biển rộng mênh mông nên khó có thể đề phòng dịch bệnh. Mặt khác, môi trường, nguồn nước… ở ngoài biển khi tốt, khi xấu không thể lường trước được. Vì vậy, nuôi cứ nuôi, nhưng phải chờ đến lúc thu hoạch xong, bán cho nhà máy chế biến mới có thể yên tâm.
Theo các doanh nghiệp chế biến mặt hàng nghêu xuất khẩu, sản phẩm nghêu của nước ta đang được người tiêu dùng tại nhiều nước trên thế giới ưa chuộng. Đây là một trong những mặt hàng thủy sản xuất khẩu ổn nhất về giá cả lẫn sản lượng. Tuy nhiên, thách thức lớn của con nghêu là đến nay chưa ngành nào nghiên cứu về quy trình nuôi, chăm sóc, phòng trị bệnh và hướng phát triển ổn định. Vì vậy, nuôi nghêu giống như đánh bạc với “bà thủy”, theo kiểu may nhờ rủi chịu.
An Lạc
Bình luận (0)