Nghi án doanh nghiệp điều bị lừa 36 container

10/03/2022 07:43 GMT+7

Chiều 9.3, Hiệp hội Điều VN (Vinacas) đã tổ chức cuộc họp thông tin về vụ 5 doanh nghiệp VN được cho là bị lừa đảo nhiều container hạt điều xuất khẩu.

Nghi án lừa đảo quốc tế

Theo thông tin ban đầu, các doanh nghiệp (DN) điều của VN đã ký hợp đồng với một số khách hàng ở Ý và Thổ Nhĩ Kỳ thông qua công ty môi giới Kim Hạnh Việt với số lượng 100 container trị giá hàng trăm tỉ đồng. Các DN đã ủy nhiệm thu cho 5 ngân hàng VN thông qua phương thức nhờ thu trả tiền trao chứng từ (Documents against Payment - D/P), người nhập khẩu chỉ lấy được bộ chứng từ khi đã chuyển vào ngân hàng đủ số tiền thanh toán. Hình thức nhờ thu này được áp dụng trong trường hợp thanh toán trả ngay.

Lần đầu tiên doanh nghiệp điều VN đối mặt với vụ việc có dấu liệu lừa đảo xuyên quốc gia và được tổ chức hết sức chặt chẽ

Chí Nhân

Hiện nay, một số lô hàng đã đến cảng ở Ý, một số đang trên đường vận chuyển. Trong quá trình gửi hồ sơ nhờ thu từ ngân hàng VN tới các ngân hàng của người mua tại Ý theo hướng dẫn, thì các ngân hàng tại Ý đều khẳng định chỉ nhận được bản photocopy. Với 2 bộ hồ sơ tại Thổ Nhĩ Kỳ, ngân hàng sở tại thông báo người mua không phải khách hàng của họ và đã trả lại bộ chứng từ, nhưng không ghi rõ trả theo hình thức nào và không cung cấp số vận đơn cho ngân hàng VN dù ngân hàng VN đã liên hệ rất nhiều lần.

Hiện các DN ngành điều lo lắng vì không biết bộ chứng từ gốc ở đâu. Trong khi đó, bất cứ ai có bộ chứng từ gốc đều có thể gặp hãng vận chuyển để nhận hàng dù chưa chuyển tiền.

Ông Bạch Khánh Nhựt, Phó chủ tịch thường trực Vinacas, cho biết: “Sau khi đã xác nhận lại, số lô hàng hiện đang bị mất quyền kiểm soát bộ chứng từ gốc là 36 bộ, tương ứng với 36 container và nguy cơ DN bị mất trắng 162 tỉ đồng. Trong đó có 2 container tại Thổ Nhĩ Kỳ, còn lại là tại Ý. Những container đi sau đã kịp thời thu hồi lại được 17 bộ chứng từ”.

Theo Vinacas, tổ chức lừa đảo này hết sức tinh vi và hiểu rất rõ các DN điều ở VN. Đầu tiên, mức giá hợp đồng không quá cao, nhưng thời điểm giao hàng là từ tháng 2, đây là thời điểm sau Tết Nguyên đán, giao dịch rất hạn chế. Phía người mua đã đánh đúng tâm lý muốn bán được hàng trong lúc này. Họ đã rải ra nhiều khách hàng, người mua, thậm chí khi tra cứu thông tin người mua thì đều có thông tin chính xác trên các website, và cả hệ thống ngân hàng tại Ý.

Nhưng dấu hiệu đáng ngờ là các địa điểm giao hàng đều là những cảng nằm xa trung tâm, hệ thống chuyển phát nhanh được ủy thác là DHL chưa có mạng lưới giao nhận đến địa phương xa xôi như vậy nên phải nhờ đến đại lý giao nhận liên kết. Đây có lẽ là lỗ hổng trong quá trình chuyển giao bộ chứng từ gốc và thất lạc. Trên các bill tàu vận chuyển thì đã có 2 - 3 container nằm tại cảng. Số còn lại vài ngày nữa sẽ cập cảng và trong tháng 3 sẽ cập cảng toàn bộ tại Ý.

“Đến thời điểm hiện tại, một số container đến cảng đã có người đăng ký, đã mang hồ sơ gốc đến để nhận hàng. Do đó, Vinacas khẳng định vụ việc này có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt hàng hóa của DN VN. Sau khi Vinacas có công văn nhờ can thiệp, tạm thời container này chưa được lấy ra, nhưng về nguyên tắc, người nào đang nắm bộ chứng từ gốc đó sẽ lấy được hàng ra”, ông Bạch Khánh Nhựt cho hay.

Kim Hạnh Việt là công ty nào?

Liên quan Công ty Kim Hạnh Việt, đơn vị môi giới để thực hiện đơn hàng trên, Vinacas cho biết chủ của công ty này tên Hạnh (không rõ đầy đủ họ tên), mở công ty môi giới xuất khẩu và đã hoạt động trong lĩnh vực này 10 năm qua cả ở mặt hàng hạt điều nhân và hạt điều thô. Trong thời gian này, chưa có một thông tin nào, tố cáo nào để có thể cảnh báo cho các DN rằng cô Hạnh này có động thái tiếp tay cho lừa đảo. Khi môi giới cho khách hàng tại Ý, các DN có liên lạc được thông qua tin nhắn nhưng không gặp trực tiếp, vì cô Hạnh có chồng tại Mỹ và định cư ở Mỹ, đã mấy năm nay không về VN.

Vụ việc này cho thấy các DN điều VN đã quá chủ quan và tin tưởng vào môi giới. Bản thân các DN chưa biết phía đối tác bên Ý, nhưng lại tin tưởng giao hàng, thậm chí là số lượng giao hàng rất lớn. Trong khi đó, tổ chức có ý định lừa đảo đã nghiên cứu rất kỹ đường đi nước bước trong quá trình mua bán, giao nhận hàng hóa và thanh toán. Có một chi tiết là 5 DN nạn nhân sử dụng dịch vụ của 5 ngân hàng khác nhau, nên khó chia sẻ thông tin lẫn nhau khi thấy dấu hiệu bất thường. Đối với hình thức thanh toán D/P, mặc dù có những trường hợp rủi ro nhưng vẫn được các DN xuất nhập khẩu lựa chọn vì khả năng thanh toán nhanh hơn rất nhiều so với hình thức mở L/C.

Theo Vinacas, hiện nay với sự hỗ trợ tích cực của Đại sứ quán và Thương vụ VN tại Ý, các DN hy vọng sẽ ngăn chặn được hậu quả của vụ lừa đảo nghiêm trọng này. Tuy nhiên, trên thực tế thì các DN đã mất quyền kiểm soát 36 bộ chứng từ gốc, và trong trường hợp xấu nhất không giải quyết được thì sẽ mất hàng, mất tiền.

Trong ngày 9.3, Vinacas cũng đã có cuộc họp với đại diện 5 ngân hàng để đề nghị phối hợp chặt chẽ hơn với các DN để giải quyết. Mặc dù Vinacas đã có công điện khẩn nhờ hỗ trợ nhưng các hãng tàu thái độ rất thờ ơ, không quan tâm, chỉ có duy nhất đại diện của hãng Cosco tham dự.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.