Nghi án 'giả vương nhập cận': Tiếp chiếu phong vương ở Thăng Long

03/11/2017 07:21 GMT+7

Năm 2012, Báo Thanh Niên trong loạt bà i Theo dấu tích vương triều Tây Sơn đã đề cập thông tin phát hiện tông tích một vị giả vương của vua Quang Trung, có tước Trị an hầu, tên là Phạm Công Trị.

Theo ông Lê Nguyễn Lưu (nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa Huế), tháng 1.1988 khi ông Hoàng Công Đà (ở thôn Phò Ninh, xã Phong An, H.Phong Điền, Thừa Thiên-Huế) qua đời, dân làng đào huyệt mộ cho ông ở xứ Cồn Nẫy phát hiện 2 tấm đá Thanh hình chữ nhật ghép khít vào nhau. Anh Trần Chơn, một người dân gỡ xem thấy đó là 2 tấm bia khắc chữ Hán, đem về nhà dùng kê đồ.
Năm 1992, anh Đỗ Văn Tri, cộng tác viên Nhà bảo tàng Huế ra thăm quê, có ghé nhà anh Chơn lấy bản dập đem về. Sau đó, Nhà bảo tàng Huế tổ chức chuyến điền dã tiếp cận 2 tấm bia đá cổ. Nhà nghiên cứu Lê Nguyễn Lưu "giải mã" đó là bia mộ bà Hoàng Thị Nghĩa, vợ chính của ông Phạm Công Hưng - em ruột bà Phạm Thị Liên, Chính cung hoàng hậu của vua Quang Trung - làm chức Thái úy hàm đặc tiến Phụ quốc thượng tướng quân tước Quận công, được tặng chức Thái sư hàm đặc tiến Dực vận công thần thượng trụ quốc tước Quốc công. Bà Hoàng Thị Nghĩa có cha là ông Hoàng Văn Vũ, mẹ là Nguyễn Thị Chí ở thôn An Khang, huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn. Bà Nghĩa sinh được con trai là Đại đô đốc Phạm Công Trị.
Phạm công trị tiếp chiếu
Việc đoàn ngự đạo với giả vương Phạm Công Trị từ kinh đô Phú Xuân ra Thăng Long tiếp chiếu phong An Nam quốc vương vào tháng 11 năm Kỷ Dậu (1789) thì nhiều người biết, trong đó có tình báo của Nguyễn vương Phúc Ánh đang ở Phú Xuân và tai mắt của cựu thần nhà Lê ở Thăng Long. Chưa kể các võ tướng cao cấp của Tây Sơn về hàng Nguyễn vương Phúc Ánh là những nhân chứng sống.
Vì thế, các sử quan của Quốc sử quán triều Nguyễn sau này viết trong Đại Nam chính biên liệt truyện về chuyện “giả vương” Phạm Công Trị ra Thăng Long tiếp chiếu là khả tín.
Bồi thần giúp “giả vương” dâng biểu tạ ơn và hứa sẽ “nhập cận” vào đầu năm sau. Giả vương tiếp chiếu ở Thăng Long, không diện kiến Càn Long cùng các thân vương đại thần triều Thanh nên triều Tây Sơn chỉ cần chọn người hao hao dáng vóc vua Quang Trung là được. Vả lại, chọn người thân ruột cũng không lo tình huống xấu như bị giữ lại làm con tin. Vì thế Phạm Công Trị dễ dàng được chọn để đảm trách việc trên.
Giả thuyết "2 trong 1"
Theo nhà nghiên cứu Trần Viết Điền, dòng họ Nguyễn Cửu là thân tộc với họ Nguyễn Phúc ở Đàng Trong, nhiều người là đại công thần của triều chúa Nguyễn. Vì thế, sau này khi quân Lê - Trịnh chiếm Phú Xuân, nhà Tây Sơn đánh giết con cháu họ Nguyễn và con cháu các đại công thần... nên gia đình Nguyễn Cửu ly tán, người theo chúa Nguyễn xuôi nam, lớp tử trận, lớp mai danh ẩn tích. Có khả năng Nội đội trưởng Trị an hầu Nguyễn Cửu Trị (đã mai danh ẩn tích) khoảng năm 1774 từ dinh Quảng Bình chạy ra Nghệ An, trốn ở làng Mặc Điền, Nam Đàn, Nghệ An dưới vỏ bọc là một nông dân có tên Nguyễn Quang Trực.
Khi vua Quang Trung kéo quân ra bắc đánh quân Thanh, có thể Nguyễn Quang Trực (tức Nguyễn Cửu Trị) “vì nước quên thù nhà” đã tòng quân. Vì ông có dung mạo tốt và tài cầm quân nên sớm trở thành võ quan Tây Sơn dưới trướng Đại tư mã Ngô Văn Sở, dễ “lọt mắt xanh” của Ngô Thì Nhậm khi đang tìm người “giả vương nhập cận”.
Tác giả Hoàng Lê nhất thống chí là Ngô Thì Chí (1753 - 1788) viết chính biên và Ngô Thì Du (1772 - 1840) viết tục biên. Nhiều dữ kiện để viết sách do các vị trong họ Ngô cung cấp, trong đó có Ngô Thì Nhậm, người từng tổ chức sứ bộ có giả vương Quang Trung nhập Thanh năm 1790. Chú ruột của Ngô Thì Nhậm là Ngô Thì Đạo, bố Ngô Thì Du sống ở Nghệ An, người viết hồi 15 (có sự kiện giả vương) nên dữ liệu do Hoàng Lê nhất thống chí cung cấp có độ tin cậy nhất định, khó bỏ qua. Ngô Thì Du năm 19 tuổi thường trú Nghệ An có biết việc Ngô Thì Nhậm chọn võ quan Nguyễn Quang Trực làm “giả vương”.
Sau khi về nước, tất nhiên triều Tây Sơn phải bố trí Nguyễn Quang Trực (giả thuyết Nguyễn Cửu Trị và Nguyễn Quang Trực là một) ở Thăng Long để tiện bề “quản lý” nhằm giữ bí mật.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.