Cơ quan tố tụng đình chỉ vụ án vì chưa mời được ông anh rể hờ lên lấy lời khai (?!).
Theo đơn tố cáo và lời trình bày từ gia đình, chị P.T.T (23 tuổi) là du học sinh tại Mỹ từ năm 2010. Nhân dịp nghỉ hè năm 2015, T. về VN thăm gia đình và ở lại nhà chị ruột tại P.Phú Mỹ, Q.7, TP.HCM. Lúc này, chị của T. đang sống như vợ chồng với ông Lê Phú Cự (48 tuổi, thường trú P.Bến Nghé, Q.1) nhưng không đăng ký kết hôn.
|
|
Khoảng 10 giờ ngày 6.7.2015, khi T. đang nằm ngủ trong phòng thì ông Cự trong tình trạng trên người không mảnh vải bất ngờ tấn công và giở trò đồi bại. T. ra sức chống cự, đạp ông Cự ra rồi chạy đến cửa sổ kêu cứu. Đúng lúc một người em họ của T. đến bên ngoài kêu cửa, ông Cự nhanh chóng kéo T. vào, đe dọa không được nói cho ai biết. Đồng thời ông Cự nói vọng xuống với người em họ của T. là nhà đang cúp điện, kêu chờ.
Linh tính chuyện chẳng lành, người em họ của T. leo tường rào vào nhà và nhìn thấy T. đang khóc. Ngay lúc đó, T. thu dọn hành lý bay về Mỹ. Đến nơi, T. nhắn tin về, kể hết cho cha nghe mọi chuyện. Sau khi được cha thuyết phục, T. đã làm đơn trình báo sự việc lên Công an Q.7.
Công an khởi tố, Viện kiểm sát hủy bỏ
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, ông Cự bỏ đi và không liên lạc được. Đến ngày 1.9.2015, ông này bỗng nhắn tin về cho chị gái của T., trần tình rằng khi ông vừa tắm xong, mặc áo thun và quần lót đi ra thì thấy T. đang ngủ với tư thế khá thoải mái trên giường nên nảy sinh ý định dâm ô. Ông Cự lấy điện thoại ra định chụp ảnh vùng mông của T. nhưng do lóng ngóng và hồi hộp thế nào lại làm rớt điện thoại trên người T. nên dùng tay chụp lại thì bị té úp mặt vào... mông của T., khiến T. giật mình dậy, hiểu lầm và la hét.
Sau khi vào cuộc xem xét, tháng 11.2015, Công an Q.7 ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam Lê Phú Cự về tội “hiếp dâm”. Hồ sơ được chuyển đến Viện KSND Q.7 để xem xét phê chuẩn.
Tuy nhiên, ngày 31.12.2015, Viện KSND Q.7 cho rằng ngoài lời khai của T. không còn chứng cứ trực tiếp nào khác; lời khai của nhân chứng là em họ của T. không nhìn thấy sự việc; hậu quả sự việc giao cấu cũng không xảy ra; từ khi có lời khai của T., cơ quan điều tra chưa lấy lời khai của Lê Phú Cự để làm rõ. Hơn nữa, theo xác minh, hiện Lê Phú Cự đã bỏ đi khỏi nơi cư trú nên “để việc phê chuẩn có căn cứ, đúng pháp luật thì Viện KSND Q.7 yêu cầu cơ quan điều tra nhanh chóng truy tìm, lấy lời khai của ông Cự để đấu tranh làm rõ hành vi của Cự có phù hợp với lời khai của T. hay không”.
Đến ngày 12.1.2016, Viện KSND Q.7 cho rằng cơ quan điều tra không bổ sung thêm chứng cứ chứng minh tội phạm nên ra quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố bị can của Cơ quan CSĐT Công an Q.7; đồng thời yêu cầu cơ quan điều tra đình chỉ các hoạt động tố tụng đối với Lê Phú Cự.
Đến ngày 27.1.2016, Công an Q.7 đã ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án với lý do “hết thời hạn điều tra nhưng không đủ căn cứ xác định hành vi phạm tội”.
“Yêu cầu đình chỉ điều tra là trái pháp luật”
Trả lời Thanh Niên, ông Đinh Văn Quế, nguyên Chánh tòa Hình sự TAND tối cao, phân tích: “Trong trường hợp này, đáng lẽ Viện KSND Q.7 phải phê chuẩn các quyết định của Cơ quan CSĐT Công an Q.7 và ra lệnh truy nã đối với Cự. Trường hợp truy nã không bắt được thì mới tạm đình chỉ vụ án để chờ bắt được Cự rồi phục hồi điều tra theo thủ tục tố tụng hình sự. Tuy nhiên, Viện KSND Q.7 không phê chuẩn mà hủy các quyết định của Cơ quan CSĐT Công an Q.7 và yêu cầu đình chỉ các hoạt động tố tụng đối với Cự là trái pháp luật”.
Cũng theo ông Quế, quyết định đình chỉ điều tra vụ án vì “đã hết thời hạn điều tra nhưng không đủ căn cứ xác định hành vi phạm tội của Cự” là hoàn toàn sai. Bởi, bộ luật Tố tụng hình sự quy định “trong trường hợp cần gia hạn điều tra do tính chất phức tạp của vụ án thì cơ quan điều tra có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn điều tra”. Nhưng trong trường hợp này cơ quan điều tra chưa hề gia hạn mà vội vã đình chỉ điều tra là vi phạm thủ tục tố tụng nghiêm trọng. “Cách xử lý của Cơ quan CSĐT Công an Q.7 và Viện KSND Q.7 đã làm cho chị T. và gia đình bức xúc; dư luận không đồng tình và đặt nhiều nghi ngờ vào các quyết định trên”, ông Quế thẳng thắn.
Trong khi đó, luật sư Trần Hải Đức (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng các nhận định của Viện KSND Q.7 về lý do hủy bỏ quyết định khởi tố bị can là không có căn cứ. Lời khai của nạn nhân T. phù hợp với lời khai của nhân chứng, phù hợp với diễn biến sau khi gây án xong Cự bỏ trốn khỏi địa phương. Trong lúc thực hiện hành vi hiếp dâm, Cự dùng vũ lực bóp, chèn cổ, đè T. nhưng T. quyết liệt chống cự dẫn đến nhiều vết thương ở cổ, tay chân, có hình ảnh chụp lại. “Ngoài ra, cấu thành tội phạm của tội hiếp dâm là cấu thành hình thức, không cần phải có hậu quả vật chất xảy ra. Việc Cự không giao cấu được với nạn nhân là ngoài ý muốn. Hành vi của Cự đã hoàn thành, đủ yếu tố cấu thành tội phạm hiếp dâm nhưng phạm tội chưa đạt theo điều 18 bộ luật Hình sự 1999”, luật sư Đức nói.
Đề nghị rút hồ sơ lên cấp thành phố điều tra
Hiện nay, cha của T. là ông Phạm Văn Tứ (68 tuổi) vẫn đang kiên trì vác đơn gõ cửa khắp nơi quyết đòi công bằng cho con gái. Ông Tứ cho rằng Lê Phú Cự vẫn đang ở TP.HCM nhưng hầu như Cơ quan CSĐT và Viện KSND Q.7 tắc trách, không muốn yêu cầu Cự lên làm việc. “Con gái tôi có thẻ thường trú do chính phủ Mỹ cấp. Vụ việc có yếu tố nước ngoài nên tôi đề nghị Công an TP.HCM và Viện KSND TP.HCM rút hồ sơ lên giải quyết theo thẩm quyền; phải truy tìm Cự để lấy lời khai làm rõ hành vi hiếp dâm đối với con gái tôi và phục hồi điều tra vụ án trở lại”, ông Tứ bức xúc.
Trong khi đó, ngày 14.4.2016, Cơ quan CSĐT gửi thông báo về việc trả lời đơn khiếu nại, trong đó có nội dung “thông báo truy tìm ông Cự vẫn có thời hiệu thi hành, nếu phát hiện ông Cự và có thêm chứng cứ, cơ quan điều tra sẽ khởi tố lại”.
|
Bình luận (0)