Nghi án nội bộ Taliban xung đột khốc liệt

16/09/2021 06:00 GMT+7

Việc biến mất trong nhiều ngày cộng với những tiết lộ về xung đột nội bộ làm dấy lên nhiều đồn đoán về tình hình của 2 thủ lĩnh Taliban .

Phó thủ tướng biến mất đột ngột

BBC mới đây dẫn nguồn tin nội bộ Taliban tiết lộ mâu thuẫn xảy ra giữa Phó thủ tướng Abdul Ghani Baradar và Bộ trưởng Tị nạn Khalil Haqqani trong cuộc họp vào tuần trước. Ông Baradar là một trong những người lập ra Taliban, là chỉ huy đầu tiên của Taliban liên lạc trực tiếp với một tổng thống Mỹ khi có cuộc điện đàm với Tổng thống Donald Trump hồi năm 2020.
Ông cũng là người ký thỏa thuận lịch sử với đại diện Mỹ tại Doha (Qatar) hồi tháng 2.2020 cho việc rút quân của Mỹ khỏi Afghanistan. Một số ý kiến dự đoán rằng ông Baradar sẽ được bầu làm thủ tướng nhưng sau thời gian thảo luận, Taliban xếp ông vào vị trí phó thủ tướng trong khi một nhân vật ít được nhắc đến hơn là ông Mohammad Hassan Akhund trở thành thủ tướng.
Theo các nguồn tin, ông Baradar cho rằng công trạng phải được trao cho những người thực hiện công tác ngoại giao như ông trong khi ông Khalil - chỉ huy cấp cao của mạng lưới Haqqani, và những người ủng hộ cho rằng Taliban có được chính quyền là nhờ chiến đấu trên chiến trường.

Bộ trưởng nội vụ Taliban nằm trong danh sách 'khủng bố' đang bị truy nã FBI

Cuộc tranh cãi căng thẳng đến mức hai phe lao vào nhau và ông Baradar được cho là bị thương hoặc đã thiệt mạng. Từ đó, ông Baradar không còn xuất hiện công khai và cũng không có mặt trong đoàn bộ trưởng tiếp đón Ngoại trưởng Qatar Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani tại Kabul cuối tuần qua.
Ông Suhail Shaheen, người phát ngôn của Taliban, ngày 13.9 bác bỏ tin đồn về tình trạng của phó thủ tướng. Taliban thông báo rằng ông Baradar đã đến tỉnh Kandahar để gặp lãnh đạo tối cao Haibatullah Akhundzada và tung một đoạn ghi âm được cho là lời của ông Baradar để bác bỏ tin đồn. Các đoạn video và hình ảnh của ông Baradar cũng được công bố, nhưng hiện chưa rõ mức độ xác thực, theo Reuters.

Bức ảnh hiếm hoi của lãnh đạo tối cao Haibatullah Akhundzada

Ảnh: Reuters

Lãnh đạo chưa lộ diện

Bên cạnh trường hợp của ông Baradar, những tin đồn còn được lan truyền về tình hình của Lãnh tụ tối cao Akhundzada. Từ khi Taliban chiếm được Kabul cách đây một tháng, ông Akhundzada chưa từng xuất hiện công khai và chỉ một lần đưa ra tuyên bố viết tay vào ngày 7.9, đảm bảo rằng Taliban sẽ cố gắng duy trì quy tắc và luật Hồi giáo, tái xây dựng Afghanistan.

Bộ trưởng còn bị truy nã

Theo CNN, những đấu đá nội bộ Taliban nếu được xác minh, có thể bắt nguồn từ cuộc họp phân chia quyền lực năm 2016. Các bên khi đó thỏa hiệp để ông Haibatullah Akhundzada làm lãnh đạo tối cao, trong khi Mohammed Yaqoob Mujahid - con trai của ông Omar, và Sirajuddin Haqqani - chỉ huy mạng lưới Haqqani, được bầu làm cấp phó. Ông Yaqoob giữ chức bộ trưởng quốc phòng, còn ông Sirajuddin làm bộ trưởng nội vụ trong nội các mới tại Afghanistan. Mạng lưới Haqqani là lực lượng thực hiện nhiều cuộc tấn công đẫm máu nhất chống lại lực lượng chính quyền cũ của Afghanistan và phương Tây.
Mỹ vẫn còn coi mạng lưới Haqqani là tổ chức khủng bố và treo thưởng 10 triệu USD cho cái đầu của ông Sirajuddin, 5 triệu USD cho ông Khalil Haqqani.
Theo CNN, một số thành viên khác của nội các Afghanistan còn nằm trong danh sách cấm vận của LHQ như Thủ tướng Mohammad Hassan Akhund, Phó thủ tướng Abdul Salam Hanafi, Thứ trưởng Ngoại giao Mohammad Abbas Stanekzai.
Ông Akhundzada được bầu làm lãnh đạo tối cao trong cuộc họp hội đồng lãnh đạo lưu vong của Taliban tại TP.Quetta (Pakistan) hồi năm 2016. Trong suốt 5 năm sau đó, ông chưa từng xuất hiện công khai. Chuyên san Foreign Policy từng dẫn lời ông Moulawi Muhammad Ali Jan Ahmed, thành viên cấp cao của Taliban, hồi tháng 6.2020 tiết lộ ông Akhundzada bị nhiễm Covid-19 và đang hồi phục.

Lính Taliban "tìm lại tuổi thơ" trong công viên giải trí

Dù các lãnh đạo Taliban hiếm khi lộ diện vì lý do an ninh, việc ông Akhundzada chưa ra mặt dù Taliban đã kiểm soát đất nước được một tháng không khỏi làm nảy sinh nghi vấn. Trường hợp của cựu lãnh đạo Taliban trước đây được lấy ra để củng cố cho giả thuyết này. Hồi năm 2015, Taliban thừa nhận đã che giấu cái chết của người thành lập tổ chức là ông Mohammed Omar trong hơn 2 năm. Trong thời gian đó, Taliban vẫn đưa ra những tuyên bố dưới tên của ông Omar như thể ông này còn sống và đang lãnh đạo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.