Từ khi kiểm soát Kabul vào giữa tháng 8, Taliban liên tục đưa ra nhưng thông điệp khẳng định sẽ đảm bảo thiết lập xã hội hòa bình và đoàn kết. Tuy nhiên, đằng sau những tuyên bố đó được cho là những đấu đá quyền lực trong nội bộ Taliban, làm dấy lên lo ngại cho tương lai của Afghanistan.
Nhiều mâu thuẫn
Tờ New York Post dẫn nhiều nguồn tin tại thực địa và các cựu quan chức tình báo, quân sự cho biết sự chia rẽ giữa các phe phái trong Taliban ngày càng sâu sắc trong giai đoạn chuyển giao quyền lực khi Mỹ sắp rút quân hoàn toàn vào ngày 31.8.
“Tình hình trên thực địa ngày càng tệ. Taliban đang trở nên chia rẽ hơn và các phe phái khác nhau đã có những cuộc bàn bạc riêng. Rõ ràng là Taliban đang thiếu thống nhất trong chỉ huy và điều đó khiến chúng tôi lo sợ hơn về bạo lực”, một nguồn tin thuộc chính quyền cũ tại Kabul tiết lộ. Người này nói rằng các nhóm có nhiều ý kiến khác nhau về cách xử lý những thách thức đang nổi lên như đối phó với tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), lực lượng kháng chiến của ông Ahmad Massoud ở thung lũng Panjshir và mối quan hệ với các nước trong khu vực.
|
Một số thành viên bảo thủ của Taliban ủng hộ áp dụng nghiêm khắc luật Hồi giáo như giai đoạn nắm quyền cách đây 2 thập niên, trong khi một số lại chủ trương cởi mở hơn.
Thông tin về mâu thuẫn giữa các nhóm trong nội bộ Taliban nổi lên từ cách đây hơn một năm về việc thực thi thỏa thuận giữa Taliban và Mỹ hồi năm 2020.
Theo báo cáo của một nhóm quan sát của Liên Hiệp Quốc hồi tháng 6.2020, ít nhất một nhóm thủ lĩnh của Taliban đã tách ra để lập một nhóm mới phản đối bất cứ thỏa thuận hòa bình nào.
Báo cáo cũng chỉ ra những bất mãn từ các tay súng của Taliban đối với sự sung túc của giới chỉ huy cấp cao, xa rời sự kham khổ của các thành viên trực tiếp tham gia chiến đấu. Nhiều thành viên đã rời khỏi tổ chức vì những bất mãn này.
Bên cạnh đó, mâu thuẫn còn xảy ra về việc phân chia quyền lực giữa các nhóm thuộc những tộc người khác nhau. “Người Helmand là một nhóm lớn, cho rằng họ đã chịu gian khổ nhất và hy sinh nhiều nhất sau những cuộc không kích bằng máy bay không người lái của Mỹ trong nhiều năm”, một nguồn tin tại Kabul nói và cho hay Taliban cố gắng giảm căng thẳng bằng cách bổ nhiệm thành viên của các nhóm vào vị trí phù hợp.
Taliban và Haqqani
Trong khi Taliban là lực lượng đại diện công khai, mạng lưới Haqqani được phân công phụ trách an ninh tại Kabul được cho là đóng vai trò lớn hơn nhiều về cả quân sự lẫn chính trị đằng sau hậu trường.
Mạng lưới Haqqani nổi lên từ thập niên 1980 và liên kết với Taliban khi Taliban kiểm soát chính quyền Afghanistan năm 1996. Mạng lưới Haqqani bị cáo buộc đứng sau nhiều vụ tấn công và bắt cóc nhắm vào phương Tây và bị Mỹ liệt vào danh sách tổ chức khủng bố nước ngoài vào năm 2012. Thủ lĩnh mạng lưới Haqqani, ông Sirajuddin Haqqani được cho là một trong số những cấp phó của lãnh đạo tối cao Taliban Haibatullah Akhundzada. Haqqani được cho là hài lòng với việc hoạt động âm thầm nhưng cũng rất muốn kiểm soát quyền lực.
Những ngày qua, các thành viên của Haqqani và lực lượng tinh nhuệ của Taliban đã cùng tham gia giải tán những đám đông trên đường phố Kabul. New York Post dẫn một nguồn tin tình báo Afghanistan cho hay các thành viên Haqqani đã sẵn sàng vào trong sân bay Hamid Karzai để chuyển giao quyền lực. Một nguồn tin tình báo khác tại Mỹ tiết lộ đã có một vài cuộc đấu súng giữa các nhóm của Taliban gần sân bay.
Bình luận (0)