Taliban tìm kiếm sự công nhận

Bảo Vinh
Bảo Vinh
21/08/2021 06:30 GMT+7

Taliban đang thể hiện hình ảnh ôn hòa so với trước đây nhằm tìm kiếm sự công nhận của người dân trong nước lẫn cộng đồng quốc tế.

Gần một tuần từ khi Taliban kiểm soát Kabul, tình hình thủ đô và những vùng khác ở Afghanistan đã dần trở lại trật tự dù một số cuộc biểu tình nhỏ đã nổ ra tại các thành phố trong ngày quốc khánh hôm 19.8.

Thiết lập trật tự

Tại cửa khẩu Spin Boldak/Chaman giữa Afghanistan và Pakistan, các xe tải chở đầy hàng hóa, nông sản bắt đầu lưu thông theo cả hai chiều. Taliban được cho là đã áp đặt lệnh giới nghiêm tại thủ đô Kabul, cấm người dân ra khỏi nhà sau 21 giờ đến sáng hôm sau, trừ trường hợp khẩn cấp. Reuters đưa tin tình hình tại Kabul hôm qua khá yên ắng, người dân được phép đến nhà thờ Hồi giáo cầu nguyện. Taliban phát đi tín hiệu rằng lực lượng này đang tạo điều kiện để người nước ngoài lẫn người Afghanistan sơ tán an toàn. Mặt khác, họ kêu gọi đoàn kết và vận động các lãnh đạo Hồi giáo thuyết phục người dân không rời khỏi Afghanistan.

Taliban hứa chính phủ Afghanistan sẽ có cả người ngoài lực lượng

Ông Wahidullah Hashemi, một nhân vật cấp cao của Taliban, hé lộ mô hình chính quyền mới đang được bàn bạc, nhưng khả năng sẽ không có chức tổng thống, thay vào đó là một hội đồng bộ trưởng do lãnh đạo tối cao Mullah Hibatullah Akhundzada đứng đầu, theo TASS. Trong lúc Taliban bắt đầu công việc xây dựng chính quyền mới, đã xuất hiện những thông tin gây hoài nghi về cam kết của lực lượng này. Truyền thông phương Tây hôm qua dẫn báo cáo tình báo của LHQ tiết lộ Taliban đang lên một danh sách đen những người từng làm việc cho chính quyền cũ hoặc hỗ trợ các lực lượng phương Tây và đến từng nhà để kiểm tra.
Trong cuộc phỏng vấn với mạng truyền hình CGTN ngày 20.8, người phát ngôn của Taliban, ông Suhail Shaheen tái khẳng định cam kết sẽ không gây hại đến những người từng làm việc cho lực lượng nước ngoài và đảm bảo quyền phụ nữ trong khuôn khổ luật Hồi giáo.

Quốc tế nói gì ?

Ông Shaheen tuyên bố việc Taliban nhanh chóng kiểm soát đất nước “cho thấy sự ủng hộ của người dân”. Người phát ngôn này chỉ trích việc phương Tây phong tỏa tài sản của Afghanistan là hành động “không công bằng”, đặc biệt trong thời điểm Afghanistan cần ngân sách để tái thiết đất nước. Mặt khác, ông Shaheen thúc giục cộng đồng quốc tế “tôn trọng mong muốn của nhân dân Afghanistan” và công nhận chính quyền mới.
Trước đó, Đại sứ Anh tại Mỹ Karen Pierce thông báo London hy vọng có sự phối hợp cùng các đồng minh, đối tác trong việc chấp nhận chính quyền mới tại Afghanistan nhưng nhấn mạnh ưu tiên là chống khủng bố, nhân quyền, ổn định khu vực và các vấn đề nhân đạo.

Bé sơ sinh vượt rào kẽm gai vào sân bay Kabul khi người Afghanistan tuyệt vọng di tản

Theo Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres, mối quan tâm lớn nhất của Taliban là được công nhận chính danh. Do đó, ông kêu gọi cộng đồng quốc tế đoàn kết để sử dụng điều này làm đòn bẩy thúc ép Taliban thành lập một chính quyền vì mọi người, tôn trọng nhân quyền, không để Afghanistan là nơi dung dưỡng cho khủng bố và tiếp tục đảm bảo việc sơ tán tại Kabul.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết Taliban có vẻ hợp tác khi để những người Afghanistan có thị thực Mỹ được đến sân bay và không cản trở hoạt động không vận. Từ tháng 7, Mỹ đã sơ tán 12.000 người khỏi Afghanistan, ước tính vẫn còn khoảng 10.000 công dân Mỹ tại Kabul, bên cạnh những người Afghanistan từng hỗ trợ cho quân Mỹ và đồng minh. Trong khi đó, một quan chức NATO tiết lộ đã có hơn 18.000 người được sơ tán khỏi Kabul từ ngày 15.8 đến nay. Giới chức Mỹ vẫn nhấn mạnh tập trung hoàn tất sơ tán trước hạn chót ngày 31.8.
Liệu có phải “bình mới rượu cũ” ?
Lúc này vẫn còn quá sớm để đánh giá liệu Taliban có thực sự là lực lượng tiến bộ, hài hòa hơn so với phiên bản của 20 năm trước hay không. Xét về tuyên bố và hành động những ngày qua, đã có những khác biệt lịch sử từ phía Taliban. Đơn cử như việc lần đầu tiên một nữ nhà báo Afghanistan ngồi đối diện, chỉ cách đại diện truyền thông Taliban vài bước chân, và thực hiện một cuộc phỏng vấn trên sóng truyền hình. Hình ảnh tưởng bình thường nhưng lại rất đáng chú ý, bởi suốt những năm Taliban cai trị (1996 - 2001), phụ nữ Afghanistan chịu những quy định hà khắc và phải sống dưới lớp màn che kín mặt. Phụ nữ cũng được Taliban kêu gọi đi làm trở lại, thậm chí lực lượng này còn tham vấn họ vào các vị trí trong chính quyền. Nữ sinh thì vẫn đang được đến trường.
Thế nhưng, ngờ vực cả trong và ngoài nước được cho là vẫn rất lớn. Theo các nhà quan sát, ngay cả trong những tuyên bố “tiến bộ” của Taliban vẫn luôn có thông điệp về cái được xem là “giá trị cốt lõi” - luật Hồi giáo Sharia. Do đó, cam kết của Taliban cho đến lúc này thật ra còn rất mơ hồ. Ngoài ra, những nhân vật sáng lập và thành viên cấp cao của Taliban từ 20 năm trước được cho vẫn giữ vai trò quan trọng trong bộ máy, nên chuyện “bình mới rượu cũ” là khả năng không thể loại trừ.
Ngọc Mai
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.