Những nhân vật Taliban nào sẽ lãnh đạo thực tế ở Afghanistan?

Khánh An
Khánh An
18/08/2021 10:05 GMT+7

Nhiệm vụ của những nhà lãnh đạo mới của Afghanistan sẽ thách thức hơn năm 1996, nhưng ai có thể trở thành người đứng đầu?

Khi Taliban nắm quyền tại Afghanistan vào năm 1996, chưa từng có câu hỏi được đặt ra về việc họ sẽ lập chính phủ như thế nào và ai sẽ điều hành đất nước, vì khi ấy ông Mullah Mohammed Omar sáng lập lực lượng này 2 năm trước đó đã nắm quyền.
Tuy nhiên, tình hình hiện nay đã khác, khi thủ đô Kabul trở thành một đô thị đông đúc với hơn 5 triệu người và cả đất nước Afghanistan cũng thay đổi rất nhiều. Giới quan sát cho rằng nhiệm vụ của người điều hành sẽ phức tạp và nhiều thách thức hơn.

Lãnh đạo tối cao

Theo The Guardian, ứng viên nhiều khả năng sẽ nắm vị trí này là lãnh đạo tối cao hiện nay của Taliban Haibatullah Akhundzada, một học giả 60 tuổi được thay thế sau khi lãnh đạo tiền nhiệm Akhtar Mansour thiệt mạng do Mỹ tấn công bằng máy bay không người lái gần biên giới Pakistan vào năm 2016.
Ông Akhunzada lớn lên tại Panjwai, một huyện của Kandahar và như nhiều lãnh đạo cấp cao khác của Taliban, ông là người Pashtun, cộng đồng đa số ở Afghanistan.

Taliban cam kết hòa bình, đảm bảo quyền phụ nữ trong khuôn khổ Hồi giáo

Vào thập niên 1980, ông cùng với những sinh viên và giáo sĩ trẻ chiến đấu với Liên Xô tại gần nhà và lực lượng này sau đó trở thành Taliban. Ông còn học ở các trường tôn giáo ở Afghanistan, Pakistan và trở thành cố vấn chính của ông Omar.
Trong vài thập niên qua, ông trở thành thẩm phán tôn giáo hàng đầu của Taliban, giải quyết các vấn đề hóc búa như tính hợp pháp của các vụ tấn công tự sát, hoặc có nên chiến đấu với tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hay không. Ông còn giảng dạy những phần phức tạp và cao cấp nhất trong các trường tôn giáo.
Giới quan sát còn cho rằng ông Akhunzada là ứng viên hàng đầu nhờ việc thể hiện tính thực tế hơn nhiều người tưởng, giúp ông dễ đàm phán với Mỹ. Bên cạnh đó, Taliban có nhiều khả năng sẽ bỏ Hiến pháp Afghanistan năm 2004 và tuyên bố “tiểu vương quốc”, có nghĩa là ông Akhunzada nhiều khả năng trở thành người đứng đầu tiểu vương quốc (emir) này.
Nhưng Taliban không tập trung quyền lực nên emir cũng không có quyền lực tuyệt đối và hội đồng lãnh đạo (Quetta shura) là cơ quan có nhiều quyền lực. Và dù thống nhất lý tưởng cao trong giới lãnh đạo, nhiều người có những chiến lược riêng cũng như mạng lưới người đi theo, các mối quan hệ nước ngoài và tham vọng riêng.

[VIDEO] Taliban là ai và vì sao muốn chiếm chính quyền Afghanistan?

Một số ủng hộ nỗ lực được quốc tế công nhận, trong khi số khác ưu tiên thực thi các giới hạn nghiêm khắc và kiểm soát người dân.

3 “phó tướng”

Hiện ông Akhunzada có 3 cấp phó và những người này có thể đảm nhiệm các vị trí trong chính phủ của Taliban, trong đó có thể có vai trò tương tự như thủ tướng nếu ông không phụ trách điều hành hằng ngày.
Nổi bật nhất là Mullah Abdul Ghani Baradar, một người hơn 50 tuổi và nằm trong số vài chục thành viên ban đầu của Taliban, hiện phụ trách văn phòng chính trị của lực lượng này.
Ông Baradar đã ở tù 8 năm tại Pakistan sau khi bị bắt ở Karachi vào năm 2010 nhưng sau đó được thả, dường như là do phía Mỹ đề nghị nhằm hỗ trợ đối thoại giữa Mỹ với Taliban.

Ông Mullah Abdul Ghani Baradar dẫn đầu phái đoàn Taliban đến Moscow ngày 18.3

Ảnh: Reuters

Nhân vật này sau đó trở thành đại sứ chính của Taliban, tiếp xúc trực tiếp hàng chục lần với các quan chức từ nhiều nước trong khu vực như Trung Quốc, Pakistan, lãnh đạo các phong trào Hồi giáo khác và còn điện đàm với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Cấp phó thứ 2 là Mullah Mohammad Yaqoob, con trai của ông Omar và là người gần đây phụ trách ủy ban quân sự của Taliban, được xem là kiến trúc sư đứng sau chiến dịch đưa lực lượng này trở lại nắm quyền.
Ông Yaqoob khoảng 35 tuổi từng được đề xuất làm lãnh đạo Taliban cách đây 5 năm, nhưng đã quyết định ủng hộ ông Akhundzada vì cho rằng mình còn trẻ và thiếu kinh nghiệm trên chiến trận, theo một chỉ huy ẩn danh của Taliban.
Cấp phó thứ 3 là Sirajuddin Haqqani (gần 50 tuổi), con trai của vị chỉ huy nổi tiếng từ cuộc thánh chiến chống Liên Xô là Jalaluddin Haqqani. Mạng lưới phong trào Haqqani ủng hộ Taliban vào năm 2001 và có thể đã tiến hành nhiều vụ tấn công chết người ở Kabul và những nơi khác.

Cuộc chiến Afghanistan qua những con số tổn thất

Bên cạnh việc giám sát tài chính và khí tài của Taliban, ông Haqqani có mối quan hệ gần gũi với các nhân vật cấp cao của al-Qaeda và tình báo Pakistan. Ông Haqqani nằm trong danh sách truy nã gắt gao của FBI và được mô tả là “có vũ trang, nguy hiểm”.
Cả 3 người dự kiến sẽ đóng các vai trò then chốt trong chính quyền mới của Taliban. Theo một nhà quan sát người Afghanistan, đây là những người có kinh nghiệm và sống sót qua nhiều thập niên chiến tranh, dù nhiều người chưa thể đoán chắc về vai trò cụ thể của họ trong thời gian tới.
Phía Taliban đến nay chưa công bố cụ thể người lãnh đạo Afghanistan sau khi đã giành quyền kiểm soát Kabul.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.