Theo một báo cáo của LHQ mới đây, Taliban mỗi năm vẫn thu về khoảng 300 triệu USD đến 1,6 tỉ USD từ việc buôn lậu thuốc phiện, khai thác khoáng sản và đánh thuế ở các khu vực lãnh thổ mà lực lượng này kiểm soát. Năm 2020, chỉ tính các khoản bán đá quý, vàng, đồng, đất hiếm và khoáng sản khác, Taliban đã kiếm được 464 triệu USD, theo The Wall Street Journal dẫn báo cáo trên. Giờ đây, Taliban không chỉ trỗi dậy thần tốc trên bàn cờ địa chính trị khu vực mà còn được cho là đang ngồi trên kho báu “khủng” sau khi giành quyền kiểm soát Afghanistan.
Tiềm năng siêu lớn
Những nguồn khoáng sản phong phú như sắt, đồng và vàng nằm rải rác khắp các tỉnh của Afghanistan. Đáng nói hơn, nước này còn có đất hiếm và trữ lượng lithium thuộc hàng lớn nhất thế giới mà chưa được khai thác, theo CNN. Đất hiếm gồm những khoáng sản quan trọng được dùng trong chế tạo đồ điện tử và thiết bị quân sự, trong khi lithium là thành phần thiết yếu nhưng lại khan hiếm trong sản xuất pin sạc và các công nghệ khác.
Hồi năm 2010, giới chức quân sự Mỹ và các chuyên gia địa chất học tiết lộ Afghanistan sở hữu kho báu khoáng sản có giá trị tới 1.000 tỉ USD. Thậm chí một báo cáo của chính phủ Afghanistan năm 2017 còn đưa ra con số 3.000 tỉ USD, tính cả nhiên liệu hóa thạch, theo Đài DW. Nhà khoa học và chuyên gia an ninh Mỹ Rod Schoonover đánh giá: “Afghanistan là một trong những khu vực giàu có nhất về kim loại quý truyền thống và cũng là những kim loại cần thiết cho nền kinh tế của thế kỷ 21”. Trong khi đó, ông Said Mirzad thuộc Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ từng cho rằng nếu Afghanistan có một vài năm yên bình và tập trung vào phát triển nguồn tài nguyên khoáng sản, nước này sẽ trở thành một trong những quốc gia giàu nhất khu vực trong vòng một thập niên.
Nhu cầu về các kim loại mà Afghanistan sở hữu ngày càng tăng cao trong thời gian qua khi các nước đầu tư vào mặt hàng điện tử và tập trung phát triển các sản phẩm từ công nghệ sạch để giảm lượng khí thải carbon. Hồi tháng 5, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết nguồn cung toàn cầu với các nguyên tố như lithium, đồng, cobalt, niken và đất hiếm cần phải được bổ sung rất nhiều nếu không thế giới sẽ thất bại trong nỗ lực ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu. Cụ thể, một chiếc xe hơi chạy bằng điện cần lượng khoáng sản nhiều gấp 6 lần xe thông thường. Các mạng lưới điện cũng sử dụng lượng lớn đồng và nhôm, trong khi đất hiếm rất quan trọng để chế tạo nam châm trong hoạt động điện gió.
Không dễ
Với lợi thế khổng lồ như vậy, về lý thuyết Afghanistan có thể thay đổi đáng kể triển vọng kinh tế quốc gia. Thế nhưng, điều đó dường như vẫn là một bài toán khó. Theo CNN, tình trạng mất an ninh và bất ổn chính trị cùng với nạn tham nhũng phổ biến và môi trường kinh doanh khó khăn khiến nền kinh tế Afghanistan vẫn kém phát triển. Nước này chủ yếu trông chờ vào viện trợ nước ngoài và 90% dân số sống dưới mức nghèo đói vào năm 2020. Các nỗ lực khai thác tài nguyên thiên nhiên của Afghanistan còn quá khiêm tốn so với tiềm năng, những kim loại đang được thế giới săn lùng thì vẫn nằm dưới lòng đất. Mỗi năm, nước này chỉ mới thu được khoảng 1 tỉ USD từ khoáng sản.
Đã có những câu hỏi đặt ra rằng khi Taliban giành quyền kiểm soát thì cục diện sẽ ra sao và lực lượng này có khai thác được kho báu ngàn tỉ USD đó hay không. Câu trả lời được cho là không dễ. Theo DW, việc xây dựng hệ thống khai khoáng hiệu quả ở một đất nước như Afghanistan có thể mất rất nhiều năm. Đặc biệt, việc khai thác lithium và đất hiếm đòi hỏi phải đầu tư nhiều cả về hạ tầng, công nghệ, kỹ thuật lẫn thời gian. IEA ước tính, trung bình phải tốn 16 năm từ khi phát hiện mỏ cho đến lúc bắt đầu quá trình khai thác.
Trong khi đó theo giới chuyên gia, Taliban sau khi kiểm soát đất nước còn có quá nhiều mối bận tâm khác về an ninh. Taliban giành lãnh thổ trong thời gian chóng vánh, chưa được bất kỳ nước lớn nào chính thức công nhận và vẫn chưa rõ cách cai trị mới của lực lượng này ra sao. Các tổ chức quốc tế và Mỹ cũng đã ngăn Taliban tiếp cận nguồn tài chính của chính phủ bị lật đổ.
Mối quan tâm của nước ngoài
Thượng nghị sĩ Michael McCaul thuộc Ủy ban Đối Ngoại Thượng viện Mỹ mới đây cho rằng Trung Quốc sẽ nhảy vào Afghanistan vì đất hiếm. “Trung Quốc sẽ nhảy vào. Có nhiều đất hiếm ở Afghanistan. Tôi không biết tại sao Mỹ không làm việc với phía Afghanistan để khai thác nguyên liệu đó, nhưng chúng ta chưa bao giờ làm. Và bây giờ, Trung Quốc sẽ nhảy vào những mỏ đất hiếm này”, ông McCaul nhận định với The Washington Post hôm 18.8. Đây cũng là điều được nhiều chuyên gia quốc tế nhắc đến những ngày qua. Trung Quốc lâu nay là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Afghanistan và hiện là nhà cung cấp đất hiếm hàng đầu thế giới.
Không lâu sau khi Taliban giành quyền kiểm soát Kabul, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm 16.8 đã nhấn mạnh cơ hội phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác với Afghanistan. Bà Hoa cho biết Taliban mong muốn Trung Quốc tham gia vào quá trình tái thiết và phát triển của Afghanistan. Trước đó hồi tháng 7, đại diện Taliban sang Trung Quốc gặp Ngoại trưởng Vương Nghị và cũng nêu rõ quan điểm tương tự. Tuy vậy vẫn chưa rõ bước đi cụ thể tiếp theo của Bắc Kinh như thế nào và sẽ có những điều kiện ra sao nếu hai bên bắt tay nhau khai thác.
Trong khi đó, một quốc gia láng giềng khác của Afghanistan là Pakistan cũng quan tâm đến trữ lượng khoáng sản dồi dào trên. Theo các nhà quan sát, Pakistan sẽ có thể thu lợi nếu nguồn khoáng sản từ Afghanistan vận chuyển tới Trung Quốc thông qua nước này.
IMF chặn nguồn tài chính của Afghanistan
Reuters hôm qua đưa tin Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thông báo chặn nguồn tài chính dành cho Afghanistan, bao gồm khoản tiền dự trữ 440 triệu USD, do chưa rõ về chính quyền nước này sau khi Taliban giành quyền kiểm soát. Thông báo của IMF được đưa ra theo sau sức ép từ Bộ Tài chính Mỹ, nhằm đảm bảo khoản tài chính theo quyền rút tài sản dự trữ đặc biệt (SDR) của Afghanistan sắp thông qua không rơi vào tay Taliban. Theo truyền thống, IMF luôn dựa vào quyết định của các thành viên trong việc công nhận các chính phủ nắm quyền thông qua lật đổ hay bầu cử gây tranh cãi.
Khánh An
|
Bình luận (0)