Nghi án trộm cát Cửa Đại bán: Xác định 4.300 m3 cát đổ ở Đà Nẵng

05/04/2017 06:15 GMT+7

Cơ quan điều tra Công an tỉnh Quảng Nam đã xác định có 4.300 m3 cát từ vùng biển Cửa Đại (Hội An) bị 5 tàu chở ra Đà Nẵng đổ và đang quyết liệt truy thu.

Thông tin này được đưa ra sáng qua (4.4), trong buổi người phát ngôn UBND tỉnh Quảng Nam gặp báo chí để thông tin về kết quả điều tra ban đầu nghi án lợi dụng nạo vét luồng Cửa Đại rồi bán ra Đà Nẵng.
Như Thanh Niên đã phản ánh, năm 2016, do tình hình thời tiết diễn biến bất thường nên luồng Cửa Đại bị bồi lấp, cùng với tình trạng biển xâm thực nghiêm trọng. Vì vậy, Cục Đường thủy nội địa (Bộ GTVT) và UBND TP.Hội An cùng triển khai 2 dự án nạo vét, với mục đích hút cát khai thông luồng lạch và bơm cát lên bờ chống sạt lở ở Cửa Đại. Thế nhưng, ngư dân Hội An bất ngờ phát hiện các tàu thay vì tập kết đổ cát vào bờ chống sạt lở ở Cửa Đại (vị trí hút đến vị trí đổ cách bờ từ 1,7 - 2,4 km) lại chạy ngược ra Đà Nẵng (cách Hội An 54 km).
Tại buổi gặp báo chí hôm qua, trung tá Hồ Song Ân, Trưởng phòng Cảnh sát môi trường (PC49) Công an tỉnh Quảng Nam, cho biết qua điều tra bước đầu xác định có 5 tàu gồm NĐ 3168, NĐ 3169, NĐ 2926, HP 4288, HP 2872 đã chở tổng cộng 4.300 m3 cát từ dự án nạo vét luồng Cửa Đại ra TP.Đà Nẵng. Lượng cát này dùng để san lấp mặt bằng cho dự án lấn biển do Công ty CP Trung Nam thi công. Ngoài ra, tàu HD 0085 (bị Đồn biên phòng Cửa Đại tạm giữ khi đang chở cát) cũng có một số sai phạm, đủ điều kiện để xử lý theo quy định của pháp luật.
Ông Nguyễn Hồng Quang, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn UBND tỉnh Quảng Nam (chủ trì cuộc gặp gỡ báo chí), thông tin thêm, dù đã có quy định tàu hút cát phải tập kết vào bờ từ 17 giờ hằng ngày nhưng một số tàu đậu ngoài khu vực dự án dẫn đến thiếu kiểm tra, giám sát; từ đó các tàu lợi dụng ban đêm hút trộm. “Các đơn vị liên quan cũng đã phát hiện một số tàu “đi nhầm đường”, nếu không kêu vào kịp thì đã chạy ra Đà Nẵng rồi”, ông Quang nói.
Về hướng xử lý các cá nhân, tổ chức sai phạm khi để xảy ra việc hút cát trộm và vận chuyển ra khỏi địa bàn, ông Nguyễn Hồng Quang nói: “Lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của chủ đầu tư cả 2 dự án nêu trên. Đồng thời yêu cầu thay tư vấn, giám sát, chấn chỉnh toàn bộ các khâu quản lý, điều hành”. Có một số tàu không đảm bảo yêu cầu, như lái tàu không có bằng lái, không đảm bảo hoạt động trên biển nhưng Đoạn quản lý đường thủy nội địa (Sở GTVT Quảng Nam) vẫn cho tàu hoạt động. Để xảy ra tình trạng này, có trách nhiệm của tư vấn, giám sát (không sâu sát) và của chủ đầu tư (khoán trắng mọi việc cho tư vấn mà không kiểm tra). Đối với lượng cát đã đổ ngoài Đà Nẵng (4.300 m3), trung tá Hồ Song Ân khẳng định sẽ truy thu toàn bộ, định giá bằng tiền để thu hồi nộp ngân sách”.
Như vậy, kết nối thông tin về lượng cát mà dự án của Cục Đường thủy nội địa (Bộ GTVT) đã hút (hơn 64.000 m3) và lượng cát đổ lên bờ tại Cửa Đại (hơn 16.000 m3, Báo Thanh Niên đã phản ánh) thì con số 4.300 m3 đã xác minh được theo công bố của PC49 Công an Quảng Nam là rất nhỏ. Theo trung tá Hồ Song Ân, cơ quan điều tra tiếp tục mở rộng điều tra, củng cố hồ sơ để làm rõ nghi vấn một số đơn vị nạo vét khác đã mang cát hút tại khu vực Cửa Đại để mang bán cho các công trình khác ở địa bàn Quảng Nam.
Vì sao không giao biên phòng điều tra ?
Tại cuộc họp báo, người phát ngôn UBND tỉnh Quảng Nam cho biết lẽ ra vụ việc này nên giao cho bộ đội biên phòng tỉnh điều tra, xử lý là hợp lý nhất. "Nhưng do có dư luận cho rằng phía bộ đội biên phòng có "dính dáng" nên UBND tỉnh cân nhắc và giao cho cơ quan công an điều tra, xử lý. Trong cuộc họp ngày 3.4, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Quang cũng đã yêu cầu Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh làm rõ trách nhiệm của mình”, ông Nguyễn Hồng Quang nói thêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.