Điều đáng nói, đây không phải lần đầu các vụ việc nghi vấn bắt cóc khi chưa biết thực hư đã bị nhiều người “hô hoán” khiến không chỉ trên mạng mà ngay ngoài đời thực nhiều nạn nhân vạ lây, có người còn nguy hiểm tính mạng vì bị vây đánh.
Tin đồn truyền miệng lan nhanh
Một trang mạng xã hội chia sẻ lại clip kèm bài viết: “Cách đây vài tiếng tại gần cầu Trần Quang Cơ, Q.12. Clip dưới ghi lại đối tượng bắt cóc trẻ con giả danh người bán vé số... Quá đáng sợ. Đã được các anh công an dẫn về phường rồi nha. Các ba mẹ canh con cái cẩn thận một chút nha”.
Clip nhanh chóng nhận được hàng ngàn chia sẻ và bình luận với sự hoang mang: bởi hành động bắt cóc trẻ em giữa ban ngày là quá manh động. Khi sự việc chưa được sáng tỏ thì chuyện bắt cóc đã được đẩy đi quá xa với các bình luận “thêm mắm, dặm muối”: “Nghe nhỏ em gái mình đi chợ về kêu là nó bắt cóc con nít, ba mẹ đang chở mà nó đi ngang giật luôn”.
|
Khi PV Thanh Niên đến cầu Trần Quang Cơ (giáp ranh P.Hiệp Thành (Q.12), xã Đông Thạnh và xã Thới Tam Thôn (H.Hóc Môn), người dân vẫn còn bàn tán và vẫn tin đây là vụ bắt cóc thật. Bà Nguyễn Thị H., bán đồ gần “hiện trường”, kể thấy mọi người tụ tập đông nên chạy lên xem.
“Lúc tôi lên thì nghe mọi người nói là bả đi cùng 2 thanh niên nữa nhưng người ta thoát được còn bả bị rớt lại. Nghe đâu bả được 2 thanh niên kia thuê với giá 45 triệu, bắt được một bé được trả 45 triệu”, bà H. nói. Một nhân chứng tên T. (nhà gần khu vực cầu) cho biết khi bị mọi người giữ lại, người bán vé số luôn chối chứ không nhận, miệng luôn nói rằng “không biết gì, không liên quan”.
“Mấy người rượt từ đầu kể rằng chị kia đang chở con gái 2 tuổi thì bà bán vé số lên chụp vai đứa bé giật, chị đó nhanh tay giật giữ được bé lại”, anh T. kể. Theo anh T., lúc đó nhiều người còn muốn vây đánh cả bà bán vé số.
Hiểu lầm nhưng bị hô hoán
Trao đổi với PV Thanh Niên, lãnh đạo Công an xã Thới Tam Thôn (H.Hóc Môn, TP.HCM) cho biết ngay khi nhận tin báo đã tới hiện trường mời những người liên quan về trụ sở làm việc. Theo đó, người bán vé số là một phụ nữ ở chùa Hang nằm trên địa bàn xã, khi đang đi bán thì người này nghi bị mất vé số nên nhờ xe ôm gần đó chạy theo tìm người vừa mua xem có lấy nhầm mà chưa trả tiền không. Chạy được một đoạn thì gặp người phụ nữ chở con nhỏ có dáng giống người vừa mua vé số nên kéo lại hỏi: “Sao chị lấy nhiều vé mà chỉ trả 20 ngàn?”. Người phụ nữ chở con đáp: “Tôi có mua vé số đâu”..., dẫn đến cự cãi qua lại.
“Thấy chị này chở theo con nít, hai bên lại đang to tiếng nên người dân la lên: “Bắt cóc con nít” chứ không có vụ bắt cóc nào ở đây. Sau khi làm việc với công an, hai bên cũng đồng ý rằng đó chỉ là hiểu lầm”, lãnh đạo công an xã nói.
|
Thực tế, trên mạng xã hội thi thoảng lại xuất hiện chia sẻ chuyện bắt cóc nhưng khi báo chí xác minh thì hoàn toàn không có. Nỗi ám ảnh chuyện bắt cóc từ mạng xã hội đi vào đời thực dẫn đến hệ lụy: nhiều vụ chưa biết rõ sự tình, chỉ mới nghe phong thanh “bắt cóc” đã vây đánh nạn nhân.
Nửa năm trước, người cha Lê Hoài Bảo (28 tuổi ở Long An) khi đưa con đến công viên chơi thì bất ngờ bị một người sinh nghi nên la lên bắt cóc trẻ em. Anh Bảo dù giải thích là cha con nhưng bị Nguyễn Ngọc Hải Điền (26 tuổi) hiểu lầm và do đã uống rượu nên Điền chạy vào quán gần đó lấy dao đâm anh Bảo tử vong.
Để không còn những chuyện đau lòng từ những “ám ảnh” bắt cóc, mong mọi người vẫn cảnh giác trông chừng con trẻ, khi xảy ra sự vụ, nếu không liên quan thì phải thật bình tĩnh, tránh bị kích động, báo cho công an và để lực lượng chức năng xử lý.
Bình luận (0)