* Thưa thứ trưởng, hiện nay vấn đề khúc mắc chính mà các doanh nghiệp (DN) kinh doanh địa ốc và người dân đặc biệt quan tâm là gì?
- Hiện nay, rất nhiều ý kiến mà tôi nghe được, từ báo chí cũng như dư luận xã hội chính là vấn đề không cho chuyển nhượng nền đất tại các dự án; còn các ý kiến khác, sau khi nghiên cứu khá kỹ NĐ, các sở Tài nguyên - Môi trường đã phản hồi cho Bộ trên tinh thần đồng thuận với NĐ 181. Về Điều 101 trong NĐ quy định không cho chuyển nhượng nền đất, tôi xin khẳng định là không hồi tố. Trước đây, Nhà nước có những cơ chế cho các DN xây dựng hạ tầng và bán nền, sau đó, để người dân tự xây dựng theo kiến trúc quy hoạch đã được duyệt; đây là vấn đề luật pháp đã cho phép và theo tôi được biết thì số lượng dự án dạng này cũng rất nhiều, cho nên những dự án nào đã được phê duyệt như vậy thì các DN và người dân vẫn cứ tiếp tục thực hiện.
* Với các khách hàng đã mua nền đất trong các dự án trước đây thì họ có được tiếp tục chuyển nhượng nền đất khi không có đủ điều kiện xây nhà hoặc không có nhu cầu xây nhà nữa, hay họ phải xây nhà trên nền đất đó rồi mới được chuyển nhượng?
- Đối với những trường hợp như vậy thì người dân vẫn được quyền chuyển nhượng nền đất mình đã mua, trên nguyên tắc những gì thuộc về quá khứ trước khi văn bản pháp luật ban hành thì người dân vẫn cứ thế thực hiện. Có rất nhiều dự án được duyệt theo cơ chế chỉ xây dựng hạ tầng và bán nền. Đối với những dự án này, người dân vẫn cứ tiếp tục thực hiện theo những gì đã được duyệt. Với những người đã mua nền nhưng chưa nhận được sổ đỏ thì vẫn tiếp tục chờ được cấp sổ đỏ.
* Thực tế tại TP Hồ Chí Minh thời gian qua, có nhiều dự án đang trong quá trình tiến hành các thủ tục pháp lý thì các DN đã phân nền đem bán. Người dân đã lỡ mua những nền đất này thì bây giờ phải giải quyết ra sao?
- Với những dự án trong quá trình thực hiện có vi phạm pháp luật thì phải xử lý theo từng hoàn cảnh cụ thể, đối tượng cụ thể. Nếu những dự án không được phép bán nền mà vẫn phân nền bán thì nhất định phải xử lý. Đối với các dự án đang ở giai đoạn trình UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ký giao đất thì phải được xem xét lại cho phù hợp với bối cảnh NĐ 181 vừa được ban hành. Nhưng dù sao đi nữa thì chúng ta cũng phải khẳng định với nhau cơ chế chia nền rao bán là cơ chế không hay, mà TP Hồ Chí Minh cũng đã từng có quy định cấm cách đây vài năm.
Nếu dự án phê duyệt một đằng mà DN làm một nẻo hoặc nếu DN nói không đúng về dự án nhằm tập trung tiền của dân để làm dự án thì phải xử lý. Nhưng cũng tùy từng trường hợp mà xử lý khác nhau. Ví dụ, người dân đã có nhiều nhà rồi thì phải xử lý khác, còn người dân cả đời chỉ mua được nền đất đó thì phải cư xử khác.
* Hiện tại, nhiều người dân chưa đủ khả năng để mua một lúc cả nhà lẫn đất, tại sao không cho họ mua đất rồi xây nhà theo kiến trúc quy hoạch đã được duyệt để tạo điều kiện cho họ có nhà ở?
- Việc để người dân tự xây nhà thì phải tập trung ở các khu dân cư nông thôn, trong NĐ vẫn có quy định về cơ chế cho người dân được tự xây dựng ở các khu vực nông thôn cơ mà! Dạng nhà ở xây dựng theo dự án chỉ quy định đối với khu đô thị, mà ở đô thị thì phải xây dựng xong nhà ở tại các dự án mới được bán. Làm như vậy mới có thể hình thành được diện mạo các đô thị hiện đại. Đối với những người ở đô thị mà không đủ tiền mua nhà và đất một lúc thì lại thuộc vào vấn đề khác là cơ chế nhà cho người thu nhập thấp và cho người nghèo. Tức là Nhà nước phải hỗ trợ, chẳng hạn như cho họ mua trả chậm, trả góp. Cơ chế đó như thế nào thì trong chính sách nhà chúng ta sẽ bàn sau. Tôi cũng xin nói rõ là nếu trong trường hợp cần cắt nền ra bán thì Nhà nước phải trực tiếp giao nền cho dân, chứ không thể qua một công ty rồi công ty sử dụng đất của Nhà nước để kinh doanh, mà kinh doanh với lợi nhuận rất lớn để Nhà nước và người dân cùng bị thiệt.
Thực ra, vừa rồi có dư luận cho rằng nếu để các DN xây nhà rồi bán thì người mua không yên tâm về chất lượng nên có lập luận nên để người dân mua đất rồi tự xây nhà. Theo tôi, tất cả lập luận đó là ngụy biện. Quy định như trong NĐ 181 là nhằm để nhà đầu tư phải thực chất là nhà đầu tư, nếu không có vốn thì nhà đầu tư phải đi vay ngân hàng và đồng thời phải chứng tỏ tiềm lực của mình; còn tiền tiết kiệm của dân muốn tham gia đầu tư thì phải thông qua thị trường chứng khoán, có thể là thị trường chứng khoán bất động sản, chứ không nên làm theo kiểu "du kích". Tôi cho rằng làm theo cách hiện nay vẫn là theo kiểu "du kích".
* Vậy việc quy định không cho người dân tự xây nhà trong các dự án có trái gì với Luật Đất đai?
- Tôi khẳng định là không trái với Luật Đất đai, nhưng nếu Nhà nước giao nền đất cho người dân thì người dân có quyền xây dựng, còn Nhà nước giao dự án cho DN thì vấn đề lại khác. Trường hợp thành phố có chủ trương thì hãy tạo ra một số khu vực dành cho người thu nhập thấp và trực tiếp giao nền đất cho dân chứ đừng giao cho DN, đừng cho DN có cơ hội làm ăn trên mối quan hệ giữa Nhà nước với người nghèo, người thu nhập thấp.
* Vừa rồi, TP Hồ Chí Minh có một chủ trương gây tranh cãi khi quy định xây nhà phải cách bờ sông 50m, hồi tố đối với những dự án đã triển khai. Khi báo chí lên tiếng, UBND TP sau đó đã đồng ý không hồi tố với những dự án đã được triển khai trước đó. Thế nhưng đến nay, có một số người dân trong trường hợp này vẫn chưa nhận được sổ đỏ để có thể xây nhà. Nay NĐ 181 ra đời liệu có ảnh hưởng gì đến những trường hợp nói trên?
- Theo tôi những dự án đã xét duyệt rồi, đã thực hiện rồi, đã xây nhà rồi thì chắc chắn không thể hồi tố. Nhưng xét thấy độ an toàn chưa cao thì phải có kế hoạch gia cố nền móng của công trình để khỏi bị ảnh hưởng ngay cho chính ngôi nhà của mình, gia cố bờ sông bằng việc xây kè; trường hợp có thể kịp thời thay đổi được để bảo đảm an toàn trong tương lai thì chúng ta vẫn nên thay đổi. Nếu việc phê duyệt trước đây của UBND TP chưa hoàn chỉnh lắm, chưa cân nhắc cẩn thận mà nay còn điều chỉnh được thì nên điều chỉnh. Còn những trường hợp đã xây dựng xong rồi thì chỉ còn cách chọn giải pháp gia cố để đảm bảo an toàn cho người dân mà thôi.
* Trường hợp trên chỉ là một ví dụ cho thấy các chính sách đất đai - ảnh hưởng đến xã hội - lại liên tục thay đổi, không nhất quán, gây lo lắng rất nhiều cho người dân và gây khó khăn cho DN. Khi xây dựng những chính sách như thế này, các cơ quan chức năng có tính đến quyền lợi của hai đối tượng nói trên hay không?
- Đúng là chính sách đất đai có những thay đổi lúc này, lúc khác nhưng tinh thần của Luật Đất đai 2003 và NĐ 181 là bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân và DN. Chúng tôi cũng đã cân nhắc nhiều mặt và luôn đặt quyền lợi của người dân lên hàng đầu, sau đó là quyền lợi của DN. Nhưng khi bảo vệ quyền lợi của người dân thì cũng có lúc ảnh hưởng nhất định đến quyền lợi của DN. DN làm đúng thì phải được ủng hộ, phải được bảo vệ, còn làm sai thì phải xử lý theo đúng pháp luật chứ không thể nói chung chung được.
* Trong NĐ 181 cũng có quy định đất nông nghiệp chỉ được chuyển đổi trong phạm vi phường, xã, thị trấn để thuận tiện canh tác, điều đó có thể đúng với các vùng nông thôn. Còn ở những thành phố lớn đang đô thị hóa nhanh như Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh... thì quy định này liệu có phù hợp, có kiềm hãm quá trình đô thị hóa?
- Chuyển nhượng thì không có gì hạn chế, chỉ hạn chế đối với đất lúa thôi. Còn việc hạn chế chuyển đổi là vì sao: chuyển đổi là cơ chế hàng đổi hàng, chuyển nhượng là cơ chế hàng đổi qua tiền. Một xã hội hiện đại là hàng đổi qua tiền, còn hàng đổi hàng là hình thức của một xã hội nó hơi cũ rồi. Trong trường hợp cùng một phường, xã mà người ta dồn điền đổi thửa có lợi cho việc hiện đại hóa nông nghiệp thì phải tạo điều kiện. Còn khi không có nhu cầu canh tác nữa thì vẫn được chuyển nhượng.
* Nhưng hiện TP Hồ Chí Minh có Chỉ thị 08 không cho chuyển nhượng đất nông nghiệp ra khỏi phường, xã?
- Nếu người chuyển nhượng mà vẫn tiếp tục sản xuất nông nghiệp thì không việc gì, nhưng nếu sử dụng đất đó để chuyển thành đất phi nông nghiệp thì phải đóng tiền sử dụng đất, với điều kiện là phải phù hợp quy hoạch. Còn nếu cấm hẳn chuyển nhượng là không đúng. Nếu TP Hồ Chí Minh cấm ở điểm này thì phải sửa cho phù hợp với NĐ mới ban hành.
* Trong NĐ 181 có quy định về việc xử lý đất ở có vườn, ao khi đền bù giải tỏa đều được xem là đất ở, vậy còn quy định hạn mức đất ở đô thị có còn hiệu lực?
- Điều 87 của Luật Đất đai và trong NĐ 181 đều có quy định rõ: trước năm 1980, giấy tờ có ranh giới thửa đất rõ ràng thì đều được tính toàn bộ là đất ở. Sau năm 1980 đến 2004, tùy theo trường hợp giấy tờ sử dụng đất có ghi như thế nào, nếu đã ghi rõ diện tích rồi thì công nhận diện tích đã ghi trên giấy, chứ không tính hạn mức cụ thể nữa. Đây là điểm mới rất thoáng, để bảo đảm quyền lợi cho người dân khi áp dụng chính sách đền bù giải tỏa.
* Trong mấy ngày qua, thị trường đất nền dự án ở TP Hồ Chí Minh đóng băng, nhiều người cho rằng là do tác động của NĐ 181. Ông có ý kiến gì về động thái này?
- Tôi xin khẳng định thị trường bất động sản không chỉ chịu tác động của NĐ 181 mà còn chịu sự tác động của nhiều cơ chế chính sách khác, nhiều luật khác; phụ thuộc vào quy hoạch thị trường bất động sản như thế nào; lĩnh vực hành chính trong thủ tục chuyển nhượng; các loại thuế thu nhập từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất cũng như chuyển nhượng bất động sản...
Còn về việc đất nền dự án TP Hồ Chí Minh bị đóng băng, theo tôi không phải do NĐ 181 tác động vào, mà do chúng ta chưa xử lý rốt ráo các vấn đề liên quan, chưa đưa ra được các giải pháp xử lý cụ thể đối với trường hợp của TP Hồ Chí Minh. Vấn đề này, thành phố phải có chủ trương tháo gỡ như thế nào đó để phù hợp với khung pháp luật chung. Còn dư luận từ người dân thì do thông tin quá mới, chưa biết xử lý như thế nào nên người dân phải dừng lại để chờ đợi, nghe ngóng. Đáng lẽ thành phố phải có chủ trương sớm hoặc làm việc với Bộ để thống nhất chủ trương xử lý.
K.Trí - T.Bình - Đ.Trung
(thực hiện)
Bình luận (0)