Nghĩ gần và lo xa

09/05/2014 00:22 GMT+7

Tại hội nghị mới rồi ở Rome (Ý), Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) đã thông qua kế hoạch 13 điểm về hợp tác trên lĩnh vực năng lượng để đối phó với sự lệ thuộc vào cung ứng năng lượng của Nga. G7 không ngần ngại coi đó là một dạng liên minh mới đối phó Nga trên lĩnh vực năng lượng. Cuộc khủng hoảng chính trị an ninh và xã hội ở Ukraine là lý do và cú hích quyết định đưa G7 đến bước đi này.

Vì lo Nga dùng khí đốt làm công cụ gây áp lực đối với Ukraine và EU cũng như đối phó với chính sách trừng phạt của Mỹ và EU mà G7 phải tính đến khả năng sự lệ thuộc vào cung ứng năng lượng của Nga trở thành gót chân Asin của EU và Ukraine. Cho nên G7 vì nghĩ chuyện gần mà phải lo chuyện xa.

Dự trữ khí đốt, xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt từ nơi khác sang Tây Âu, nhập khẩu khí đốt hóa lỏng từ Mỹ và chuẩn bị sẵn kế hoạch khẩn cấp cho Ukraine ứng phó với trường hợp bị Nga cắt khí đốt - đó là nội dung chính của kế hoạch nói trên. Về lý thuyết thì kế hoạch ấy thật chu toàn vì EU và Ukraine không còn phải dựa cậy và lệ thuộc gì nữa vào Nga về năng lượng.

Trên thực tế, kế hoạch ấy không khả thi chút nào. G7 chưa tìm ra nguồn cung ứng năng lượng khác có thể thay thế Nga. Việc nhập khẩu khí đốt hóa lỏng từ Mỹ không rẻ. Xây dựng các tuyến đường ống dẫn khí đốt từ nơi khác về Tây Âu cần vốn đầu tư lớn và nhiều thời gian. Trong tình trạng bối rối và bế tắc khi nghĩ gần và lo xa, G7 mới chỉ có được kế hoạch với ý nghĩa chính trị mà chưa có tác dụng thực tiễn.

Thảo Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.