Nghỉ học dài tránh dịch Covid-19, sinh viên còn được nghỉ hè ?

Hà Ánh
Hà Ánh
17/02/2020 09:17 GMT+7

Để phòng tránh dịch Covid-19 , nhiều trường đại học cho sinh viên nghỉ học dài ngày. Tính cả thời gian nghỉ tết, có trường sinh viên nghỉ tới 1 tháng rưỡi.

Các trường xoay xở ra sao với kế hoạch học tập, tuyển sinh để sinh viên (SV), giảng viên còn thời gian nghỉ hè là câu hỏi được nhiều người quan tâm.

Rút ngắn nghỉ hè, không còn học kỳ hè

PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết việc nghỉ học trong 4 tuần chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tiến độ học tập của SV. Tuy nhiên, trường sẽ tính toán lại biểu đồ học tập để ít ảnh hưởng nhất, đặc biệt là những SV sẽ tham gia đợt thực tập doanh nghiệp 8 - 10 tuần trong dịp hè tới.
Theo ông Thắng, trường này sẽ bố trí lại lịch học học kỳ 2 và lùi thời gian kết thúc năm học so với dự kiến trước đó. Thay vì kết thúc vào khoảng 20.6 thì năm học kéo dài tới khoảng cuối tháng 6, đầu tháng 7. SV không đi học cải thiện, không thực tập thì nghỉ hè trong khoảng 6 - 8 tuần (thay vì 8 - 10 tuần như trước đây). Còn cán bộ giảng dạy, thời gian nghỉ hè vẫn đảm bảo khoảng 6 tuần theo quy định.
Tuy nhiên theo PGS-TS Bùi Hoài Thắng, những SV muốn tận dụng mùa hè để học tập sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều. “Một số môn nhà trường sẽ tăng tốc việc dạy học, có thể SV phải tăng thêm một vài buổi trong học kỳ. Những lớp khác có thể tích hợp đồng thời nhiều phương pháp học tập để giảm thời gian gặp mặt trên lớp nhưng vẫn tăng hiệu quả học tập như: bài giảng điện tử, bài tập lớn, tiểu luận... Nhưng chắc chắn SV sẽ không phải học bù vào cuối tuần hay buổi tối”, ông Thắng khẳng định.
Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết năm học 2019 - 2020 sẽ kết thúc muộn hơn kế hoạch khoảng 3 tuần. Tiến độ học tập sẽ không bị xáo trộn, đặc biệt SV năm cuối không bị tác động đến tiến độ nhận bằng tốt nghiệp.
Nhưng kéo theo đó, có thể trường không tổ chức được học kỳ hè trong tháng 7, tháng 8 như mọi năm. “Học kỳ hè không bắt buộc mà tổ chức thêm các môn học cho SV trả nợ, cải thiện điểm hoặc học vượt tiến độ. Thông thường SV đăng ký học kỳ hè không nhiều nên không ảnh hưởng nhiều”, tiến sĩ Hạ cho hay.
Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, thì cho biết trường đã bắt đầu học kỳ này trước khi nghỉ tết 3 tuần nên không ảnh hưởng nhiều đến thời gian học tập. Hơn nữa, trong khoảng thời gian nghỉ học, có 1 tuần sử dụng khoảng thời gian dự trữ nên có thể chỉ lấn thời gian học vào 1 tuần nghỉ hè. “Nếu việc nghỉ học không kéo dài tiếp, SV trường sẽ nghỉ hè chậm hơn 1 tuần so với dự tính, vào khoảng 17.6”, ông Nhân thông tin.
Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM hiện thông báo cho SV nghỉ hết ngày 23.2. Đầu tuần này trường sẽ tổ chức cuộc họp để bàn SV đi học hay nghỉ hết tháng 2. Theo tiến sĩ Trần Thiện Lưu, Trưởng phòng Đào tạo, bình thường trường có 8 tuần cho học kỳ hè. Nếu thời gian nghỉ kéo dài, học kỳ hè dưới 5 tuần sẽ không đủ thời gian tối thiểu để tổ chức. Do đó, tùy tình hình cụ thể trường sẽ tính rút ngắn học kỳ hè hoặc nghỉ luôn.

Chuyển qua học trực tuyến

Theo tiến sĩ Tô Văn Phương, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nha Trang, việc nghỉ học kéo dài sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch đào tạo chung của nhiều trường ĐH. Với diễn biến khó lường, phức tạp của dịch bệnh Covid-19, việc không học tập trung có thể còn kéo dài thì dạy học trực tuyến là phương án khả dĩ nhất lúc này. Vì vậy, trường sẽ bắt đầu hướng dẫn giảng viên, SV dạy và học trực tuyến bắt đầu từ tuần này. “Trường hợp khó khăn có thể xem xét phương án rút ngắn thời gian nghỉ hè và học kỳ hè”, ông Phương nói.
Tương tự, tiến sĩ Bùi Hữu Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho biết trường này đã có thông báo đến người học về việc thay đổi hình thức học tập cho phù hợp điều kiện thực tế. Theo đó, bắt đầu từ 18.2 trường sẽ tổ chức các lớp học trực tuyến cho SV. Số giờ trực tuyến sẽ chiếm khoảng 30% thời lượng từng môn học, 70% thời lượng học tập còn lại sẽ trên lớp.
“Với kế hoạch trực tuyến này, dù bị dời lịch học 3 tuần so với kế hoạch nhưng thời gian kết thúc năm học dự kiến không đổi. Không chỉ giai đoạn nghỉ học phòng dịch bệnh Covid-19, hình thức trực tuyến này sẽ tiếp tục phát huy để tăng cường việc dạy học chủ động trong nhà trường thời gian tới”, ông Toàn dự kiến.
PGS-TS Trần Hoàng Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, cũng nói trường chuyển sang hình thức SV tự học trực tuyến bằng tài liệu giảng viên cung cấp trước khi học tập trung trở lại vào ngày 1.3. Do đó, kế hoạch giảng dạy không ảnh hưởng vì chỉ thay đổi phương thức dạy và học.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.