Nhịn ăn để nuôi cháu
Giữa cái nắng như đổ lửa của những ngày đầu hè ở thị trấn Cần Thạnh, H.Cần Giờ, bà Võ Thị Lan (bà ngoại của Thư) lọ mọ ngồi đảo những mâm cơm đang phơi ngoài sân cho khô đều để bán kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống hằng ngày.
Tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng bà Lan và ông Nguyễn Văn Mặng (71 tuổi, ông ngoại của Thư) vẫn ngày ngày cặm cụi lo từng bữa ăn, chi phí cho cháu gái đi học. Bà Lan cho biết mẹ Thư qua đời lúc cô bé mới được 2 tuổi, cha Thư cũng qua đời sau đó 1 năm, nhưng do chưa làm lễ cưới nên bên nội từ nhỏ đã không nhận Thư. Bao năm qua, ông bà ngoại tần tảo sớm hôm để nuôi đứa cháu nhỏ nên người.
Mỗi ngày có ai cho cơm nguội là 2 bà cháu lại lọ mọ mang ra phơi để bán kiếm ít tiền trang trải cuộc sống |
Nữ Vương |
Đã vậy Thư lại mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo, từ nhỏ hằng tháng hai bà cháu phải bắt xe buýt lên bệnh viện lấy thuốc trị bệnh cho Thư. Cuộc sống ngày càng khó khăn khi ông bà ngoại già yếu, không thể đi làm thuê làm mướn như trước đây, tất cả nguồn thu nhập chỉ dựa vào số tiền ít ỏi kiếm được từ quầy tạp hóa nhỏ ngay tại nhà.
“Thư bị bệnh, phải uống thuốc mỗi ngày, lại phải uống sữa thường xuyên để tăng sức đề kháng. Mà hai ông bà già yếu giờ có làm gì ra được tiền, có ngày thì bán được mấy chục ngàn, có ngày không bán được đồng nào, nên nhiều hôm đành nhịn ăn sáng để mua sữa cho cháu uống. Bao năm qua nếu không gắng sức để lo cho Thư, chắc con bé cũng không qua nổi…”, bà Lan buồn rầu nói.
Ánh mắt đượm buồn đầy âu lo, ngồi trên chiếc ghế đá ngoài hiên nhìn ra biển, ông Mặng chia sẻ: “Tôi cũng chỉ mới nghỉ cách đây mấy năm vì chân yếu quá không bước lên ghe, lên tàu được nữa. Chứ trước đây, dù có tuổi nhưng tôi chưa một ngày nào nghỉ, lễ tết gì cũng lênh đênh trên biển đi đánh cá thuê cho người ta để có tiền lo cho cháu ăn học. Giờ già yếu rồi thì đành chịu”.
Rất muốn học để lo cho ông bà, nhưng…
Bà Lan cho biết vì hiểu hoàn cảnh của gia đình nên hàng xóm láng giềng cứ có gì lại mang sang biếu. Số cơm bà Lan mỗi ngày cặm cụi dang nắng phơi khô để bán cũng là của hàng xóm cho mỗi người một ít.
“Ai giúp gì cũng quý, vì giờ vợ chồng tôi già yếu rồi, có được đồng nào hay đồng đó. Mới gom được 15 kg cơm khô bán được 75.000 đồng, cũng có tiền để lo thêm cho bữa ăn hằng ngày”, bà Lan kể. Để có được
15 kg cơm khô đó, bà Lan phải cặm cụi đi xin cơm nguội về phơi cả tháng trời.
Đồng tiền khó kiếm là thế nên chặng đường học đại học sắp tới của Thư là nỗi lo lớn nhất của hai ông bà. “Tiền ăn còn phải chạy từng bữa thì biết lấy đâu ra tiền sắp tới cho cháu đi học đại học. Vậy nhưng tôi không dám nói ra, sợ cháu suy nghĩ rồi buồn lòng”, ông Mặng vừa nói vừa nhìn vào trong nhà, sợ cháu mình vô tình nghe được.
Bà Lan kể lúc mẹ mất Thư còn quá nhỏ nên cứ bảo là mẹ ngủ trong phòng, đến khi lớn lên, biết mình không còn ba còn mẹ, lúc nào nhìn Thư cũng u buồn. Thương cháu, bà Lan và ông Mặng vừa làm ông bà, lại vừa làm cha làm mẹ để Thư không có cảm giác thiếu vắng tình cảm.
Mọi sự đóng góp, ủng hộ giúp em Nguyễn Thị Kim Thư, lớp 12A4 Trường THPT Cần Thạnh, Cần Giờ, quý vị độc giả vui lòng gửi về: Chủ tài khoản: Báo Thanh Niên. Số tài khoản: 1471000.000.0115 - Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam - chi nhánh Ba Tháng Hai; Số tài khoản: 10006868 - Ngân hàng Eximbank - chi nhánh Sài Gòn. Nội dung ghi: Giúp đỡ em Nguyễn Thị Kim Thư; hoặc Báo Thanh Niên sẽ nhận trực tiếp tại tòa soạn, các văn phòng đại diện trong cả nước. Chúng tôi sẽ chuyển đến em Nguyễn Thị Kim Thư trong thời gian sớm nhất.
“Nhưng mỗi lần đi họp phụ huynh, thấy người khác có cha có mẹ còn cháu mình thì… Mỗi lần như thế tủi thân và lo nghĩ cho cháu nhiều hơn. Lỡ sau này tôi với ổng mất đi rồi, một thân một mình thì cháu tôi biết phải làm sao. Vì thế mà bao năm qua, khó khăn kiểu gì tôi cũng ráng lo cho cháu học, đặng sau này còn có cái nghề để lo cho bản thân”, bà Lan trải lòng.
Thư bảo nhiều lúc cũng nhớ mẹ, cũng ước mình có ba có mẹ, nhưng đó chỉ là trước đây, vì giờ đây Thư đã học cách chấp nhận mọi thứ và luôn không ngừng cố gắng mỗi ngày để sau này còn lo cho ông bà ngoại. Chính vì thế, ước mơ lớn nhất của Thư bây giờ là được học đại học. “Em ước gì có tiền để được học đại học. Ông bà ngoại già yếu rồi không thể lo cho em mãi được, sau này nếu được đi học đại học, em cũng sẽ cố gắng làm thêm để tự trang trải và phụ một phần cho ông bà”, Thư nói.
Chúng tôi chia tay ra về, bà Lan còn chạy theo hỏi nhỏ: “Con ơi, học đại học tốn nhiều tiền lắm không con? Tốn khoảng bao nhiêu con có biết không, ông bà già rồi không biết được mấy cái đó”.
Bình luận (0)