Trong căn nhà lá được dựng lên tạm bợ để ở, cô học trò Trần Thị Ngọc Bích, học sinh lớp 12A2 Trường THPT Cần Thạnh (H.Cần Giờ, TP.HCM) ngày đêm lo sợ cho chặng đường phía trước, sợ phải đứt gánh giữa đường vì gia cảnh quá khó khăn.
Những ngày này, ngoài nỗi lo áp lực kỳ thi tốt nghiệp THPT như bao bạn bè đồng trang lứa, Bích lúc nào cũng đau đáu câu hỏi: “Tiền đâu để tiếp tục việc học?”. Chính vì thế, đến thời điểm hiện tại, mặc dù rất thích ngành du lịch nhưng Bích chưa dám nghĩ sẽ chọn trường đại học nào, vì cuộc sống gia đình còn phải lo chạy bữa ăn hằng ngày nên giấc mơ đến giảng đường đại học của cô học trò 12 năm liền học sinh giỏi lại trở nên xa vời vợi.
Nỗi lo lớn nhất của cô học trò nhỏ là tiền đâu để thực hiện ước mơ học đại học |
Nữ Vương |
Tài sản lớn nhất là thành tích học tập của các con
Về đến TT.Cần Thạnh (H.Cần Giờ) khi đã gần trưa nhưng tôi không tìm được nhà của Bích như đã hẹn. Bích cũng không thể ra đón vì gia đình không có phương tiện gì để đi lại (trước đây nhà em có chiếc xe gắn máy cũ nhưng hơn 1 tháng trước gia đình em cũng phải mang đi cầm để có tiền trang trải cuộc sống). Sau một hồi lâu tôi mới tìm đến được căn nhà lá của gia đình Bích ở sát mé sông Hòa Hiệp (ấp Hòa Hiệp, xã Long Hòa, H.Cần Giờ).
Thấy tôi ngơ ngác nhìn quanh căn nhà lá đã nhiều chỗ mục nát và xiêu vẹo, anh Trần Văn Giàu (bố của Bích) phân trần: “Nhà vậy nhưng vẫn còn ở được, chỉ sợ lúc trời mưa gió là khổ thôi. Tối qua mới mưa, con bé nhỏ nhà tôi ngủ dậy ướt hết áo quần do nước mưa dột. Mưa nhỏ thì chỉ bị dột, còn mưa có gió là nhà không có chỗ nào không ướt vì nước trên mái nhà dột xuống, bên vách tường lá thì mưa xối vào”.
Nói là căn nhà nhưng thật ra là được bên ngoại cho ké một vách tường rồi anh Giàu tìm cây, lá về dựng lên ở tạm, tôn lợp mái cũng được hàng xóm thương tình cho, vì là tôn cũ nên loang lổ khắp nơi, nắng cũng có thể chiếu vào mà mưa thì dột.
Nhìn quanh căn nhà mọi thứ đều cũ kỹ và mục nát, dường như chẳng có gì quý giá ngoại trừ thành tích học tập của các con là tài sản lớn nhất của vợ chồng anh Giàu. Những miếng bạt nhựa chắp vá khắp vách tường lá để đỡ tạt nước mưa, gạch lát nền hay cái bếp gas cũ cũng là của người khác cho, chỉ thấy cái bàn học là mới, nhưng chị Nguyễn Thị Kim Thi (mẹ của Bích) nói: “Cũng vừa được nhà trường mua tặng cách đây 1 tuần để 2 đứa nhỏ có bàn ngồi học bài, còn Bích thì thường chạy qua nhà ngoại để ngồi học ké”.
Anh Giàu mang trong mình căn bệnh u gan, trước đây cứ mỗi tháng là bắt xe buýt lên bệnh viện ở trung tâm thành phố để chữa bệnh nhưng từ khi dịch bệnh đến giờ, vì không có tiền nên cũng đành phó mặc bệnh tật cho ông trời.
Mỗi ngày vợ chồng anh Giàu đi đánh dậm bắt cá, bắt ốc nhưng tùy theo con nước, có lúc làm được lúc không. “Làm được ngày nào chạy bữa ăn ngày đó, hôm nào nước kém không làm được gì thì coi như hôm đó cả nhà cũng phải nhịn. Cuộc sống cứ ăn đong từng ngày, nên bệnh tật cũng không có tiền để chữa trị. Nhưng cũng phải ráng nuôi cho mấy đứa con ăn học, thấy tụi nhỏ đứa nào cũng học giỏi mà lòng người làm cha làm mẹ không đặng cho nghỉ học, nên phải ráng thôi”, anh Giàu chia sẻ.
Căn nhà lá cũ nát, không có gì đáng giá ngoại trừ thành tích học tập xuất sắc của 3 chị em Bích |
Ước mơ được học đại học
Bích là chị cả trong nhà, dưới Bích còn 2 em nhỏ cũng đang đi học. Hiểu được hoàn cảnh gia đình nên bao năm qua em luôn cố gắng học thật giỏi, những ngày biết ba mẹ không có tiền, em không dám xin tiền đi xe buýt hay ăn sáng mà lên trường ăn ké bánh với bạn bè, hoặc là nhịn luôn.
Mọi sự đóng góp, ủng hộ giúp em Trần Thị Ngọc Bích, học sinh lớp 12A2 Trường THPT Cần Thạnh (H.Cần Giờ), quý vị độc giả vui lòng gửi về: Chủ tài khoản: Báo Thanh Niên. Số tài khoản: 1471000.000.0115 - Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam - chi nhánh Ba Tháng Hai, TP.HCM. Nội dung ghi: Giúp đỡ em Trần Thị Ngọc Bích; hoặc Báo Thanh Niên sẽ nhận trực tiếp tại tòa soạn, các văn phòng đại diện trong cả nước. Chúng tôi sẽ chuyển đến em Trần Thị Ngọc Bích trong thời gian sớm nhất.
“Cũng có lúc em đã nghĩ đến việc nghỉ học. Đó là khoảng thời gian em học lớp 10, lớp 11, thấy gia đình mượn nợ nhiều quá nên em muốn nghỉ học để đi làm kiếm tiền phụ giúp ba mẹ. Nhưng rồi sau đó em nghĩ lại, nếu giờ mình nghỉ học không có bằng cấp thì làm được gì, rồi lại làm thuê làm mướn và cảnh khổ vẫn cứ thế này. Nghĩ thế nên em ráng. Lúc nào cũng chỉ biết nói với bản thân là phải ráng, không được bỏ cuộc”, cô học trò bộc bạch.
Nghe Bích nói vậy, tôi hỏi vợ chồng anh Giàu: “Gia đình mình mượn nợ nhiều lắm sao?”, anh Giàu thở dài nói: “Vay ngân hàng rồi vay mượn người thân, hàng xóm. Nói chung vay mượn đủ nơi, một tháng 30 ngày là đến 20 ngày phải chạy vạy mượn nợ lo miếng ăn hằng ngày, rồi mượn bên này để đắp bên kia”.
Mặc dù là học sinh giỏi 12 năm liền nhưng đa phần Bích tự mày mò học, những chỗ nào khó không hiểu thì hỏi thầy cô hay bạn bè được đi học thêm. Em chỉ học thêm một môn toán vì đây là môn chính và nằm trong tổ hợp mà em dự định xét tuyển. Nhưng đến nay đã 4 tháng rồi em chưa có tiền nộp cho cô.
“Cũng may cô dạy thêm biết hoàn cảnh gia đình em nên không có hối, cô bảo khi nào ba mẹ có tiền thì đóng cho cô. Hiện nay tiền ôn tập ở trên trường để thi tốt nghiệp THPT mặc dù em được giảm 500.000 đồng, chỉ phải đóng 1 triệu đồng, nhưng gia đình cũng không có tiền để đóng. Thầy cô hỏi nhưng em cũng chỉ biết nói là ba mẹ em chưa có tiền và xin được đóng muộn”, Bích kể.
Tiền ăn hằng ngày còn thiếu trước hụt sau và phải vay mượn thường xuyên nên điều lo sợ lớn nhất của Bích là ước mơ phải đứt gánh giữa đường. “Ước mơ của em là được học đại học, và học hết đại học thật nhanh để ra trường đi làm giúp ba mẹ và lo cho 2 đứa em tiếp tục việc học. Em đã ráng đi được đến ngày hôm nay rồi, 12 năm học rất khó khăn với em và gia đình, nhưng giờ học phí đại học em thấy trường nào cũng cao nên em rất lo sợ”, Bích nói.
Bình luận (0)