|
Zehaf-Bibeau là con trai của Bulgasem Zehaf, một doanh nhân từng tham chiến ở Libya hồi năm 2011 và có mẹ là Susan Bibeau, Phó chủ tịch Ban Người Tị nạn và Nhập cư Canada. Cả hai đã ly dị hồi năm 1999, khi anh này 17 tuổi.
The Globe and Mail đã email cho bà Bibeau vào hôm 22.10 nhưng không được hồi âm và nhân viên tại phòng ban của bà từ chối bình luận. Còn ông Zehaf thì không liên lạc được, tờ báo Canada cho hay.
Zehaf-Bibeau lớn lên tại miền đông Canada, bao gồm ở Ottawa và Montreal, và đã có thời gian sống ở Libya trước khi sang miền tây Canada để hành nghề thợ mỏ và công nhân lao động, theo lời một người bạn tên Dave Bathurst.
Bathurst cho biết đã gặp Zehaf-Bibeau tại một ngôi đền Hồi giáo ở Burnaby, thành phố miền nam Canada, khoảng 3 năm trước đây.
Anh này cho biết ban đầu Zehaf-Bibeau không tỏ ra không có những quan điểm quá khích hoặc thiên về bạo lực, nhưng cũng có lúc bộc lộ những mặt khó chịu.
“Đang trò chuyện trong nhà bếp, thì tự nhiên anh ta nói quỷ dữ đang theo đuổi mình”, Bathurst kể lại.
Anh này còn cho biết thêm, bạn mình thường xuyên nói về sự hiện diện của Shaytan, tiếng Ả Rập chỉ ma quỷ, trên thế giới này. “Tôi nghĩ anh ta bị tâm thần”, Bathurst nhận xét.
Lần cuối Bathurst thấy Zehaf-Bibeau là lúc đang cầu nguyện tại một đền thờ ở Vancouver cách đây 6 tuần. Lúc đó anh này nói về ý định muốn đi Trung Đông.
“Anh ta muốn trở lại Libya để học tập”, Bathurst cho biết, đồng thời nói đã thúc giục bạn mình đảm bảo rằng chỉ chú tâm vào học tập nghiên cứu “chứ không phải điều gì khác”.
Zehaf-Bibeau đáp lại rằng anh ta chỉ muốn đi nước ngoài để nghiên cứu về đạo Hồi và để học tiếng Ả Rập.
|
Tuy nhiên, Zehaf-Bibeau đã không thực hiện được điều này và các nguồn tin của The Globe and Mail cho biết anh này đã không thể xin được giấy tờ du lịch từ các quan chức Canada chịu trách nhiệm ngăn cản công dân Canada gia nhập các nhóm cực đoan ở nước ngoài.
Bathurst nhớ lại rằng Zehaf-Bibeau từng bị bắt tại đền thờ vài năm trước đây sau khi tự gọi điện cho cảnh sát để thú nhận về một tội mà anh này đã phạm nhiều năm trước đó.
Ông Brian Anderson, luật sư bào chữa cho Zehaf-Bibeau sau khi anh này bị truy tố hồi năm 2011, nói: "Anh ta bị truy tố vì tội ăn cướp và anh ta nhận tội có buông lời đe dọa nạn nhân. Đây là một chuyện khá nhỏ nhặt nhưng khá lạ lùng”.
Zehaf-Bibeau cũng từng phải đi kiểm tra tâm lý và được bác sĩ đánh giá là "ổn - nhưng không đủ kết luận chỉ qua đánh giá một đêm”.
Hoàng Uy
>> Diễn biến vụ xả súng như phim hành động tại Canada theo lời nhân chứng
>> Phút kinh hoàng trong toà nhà Quốc hội Canada khi súng nổ
>> Nổ súng bên trong tòa nhà Quốc hội Canada, 2 người chết
>> NORAD trong tình trạng báo động sau vụ nổ súng ở Quốc hội Canada
>> Chùm ảnh vụ xả súng ở Quốc hội Canada
Bình luận (0)