Nghị quyết trung ương 5: Liên kết theo chuỗi giá trị

03/07/2017 06:34 GMT+7

Tái cơ cấu nông nghiệp được triển khai từ năm 2014, chưa đạt được tiến độ mục tiêu đề ra. Giai đoạn 2006 - 2011, ngành nông nghiệp VN tăng trưởng 3,4%.

Tới năm 2013 là 2,7%, xuống 2,41% vào năm 2015 và chỉ còn 1,2% năm 2016.
Sự suy giảm này không chỉ ảnh hưởng tới mục tiêu kinh tế cho riêng ngành nông nghiệp mà còn tác động tiêu cực đối với bình ổn kinh tế VN.

tin liên quan

Nghị quyết trung ương 5: Quy hoạch vùng nông nghiệp
Hiện nay, nhu cầu tối thiểu và rất cấp bách của con người nói chung và người VN nói riêng đối với sản phẩm nông nghiệp là an toàn và có thể truy xuất được nguồn gốc sản phẩm khi cần thiết (xảy ra sự cố).
Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp nhằm tăng cường hiệu quả của khoa học công nghệ, có thể đóng góp vào tốc độ phát triển nông nghiệp từ 30%/năm hiện nay, lên 40% rồi 60% vào năm 2025 theo lộ trình của Bộ NN-PTNT (ở các nước công nghiệp, con số này thường lớn hơn 80 - 90%).
Từ “cầu” mới tính toán “cung”
Thủ tướng rất quyết tâm đối với phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC), thông qua gói đầu tư 100.000 tỉ đồng. Theo mục tiêu quốc gia, trước năm 2020, VN sẽ có 10 khu NNCNC với khoảng 200 doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, hiện chỉ có hơn 20 DN tham gia trong một số lĩnh vực hạn chế như nuôi tôm thâm canh Bạc Liêu; chuối xuất khẩu Long An; rau thủy canh hoặc khí canh; phong lan Lâm Đồng, nấm mỡ Lâm Đồng... Có 3 thách thức mà các DN phải đối diện: kế hoạch vốn đầu tư bao nhiêu trong chặng đường trước mắt hoặc lâu dài; thị trường ở đâu và ai là đối tác trong phối hợp tổ chức, quản lý.
Gói đầu tư 100.000 tỉ đồng đặt ra một câu hỏi lớn là tiêu chí thế nào để được vay vốn có lãi suất ưu đãi thấp hơn vay bình thường (0,5 - 1,5%). Vấn đề là, NNCNC cần đầu tư theo hình thức quỹ đầu tư mạo hiểm nhưng ở đây lại là quỹ đầu tư phát triển. Đó là nguyên nhân mà người vay và người cho vay đều e ngại vì các điều kiện đảm bảo an toàn vốn. Bộ NN-PTNT đang soạn thảo, và xây dựng các tiêu chí để DN có thể tiếp cận với nguồn vốn hấp dẫn này, trên cơ sở chuỗi giá trị, có nghĩa là liên kết giữa những DN có liên quan.
Về mặt khoa học công nghệ, các DN và khoa học VN có đầy đủ khả năng tiếp cận với nội dung “áp dụng công nghệ cao” vào nông nghiệp nước nhà. Một cảm biến đặt tại ruộng lúa, cộng thêm bộ vi điều khiển gắn với máy bơm nước, người nông dân có thể kết nối chiếc điện thoại thông minh để cài đặt chế độ tưới tiêu tự động cho mảnh ruộng hoặc trang trại từ xa dựa vào internet vạn vật (IoT).
Khó khăn lớn nhất là vốn đầu tư cho nông trại công nghệ cao không hề nhỏ, mà thị trường đầu ra không chắc chắn. Khi sang thăm VN vào năm 2015, ông Nuriel Sayag, chuyên gia nông nghiệp Israel, đã nói về bài học số một của Israel là: chúng ta phải xuất phát từ “cầu” rồi mới tính toán “cung”. Có nghĩa là đầu ra sản phẩm phải biết chắc chắn, có cơ sở nghiên cứu thị trường một cách khoa học. Thực tế năm 2016, sản lượng rau VN đạt 16 triệu tấn, có nghĩa cung đã vượt cầu gần 3 triệu tấn (tính theo tiêu chuẩn quốc tế 90 kg rau xanh/người/năm và tính theo độ hao hụt sau thu hoạch là 30%). Như vậy, khi đầu tư công nghệ cao cho sản xuất rau, năng suất còn tăng lên rất nhiều. Nếu không có thị trường xuất khẩu, không biết đầu ra ở đâu một cách rõ ràng, chắc chắn kế hoạch sẽ phá sản.
Nội dung phổ biến cho NNCNC là đưa công nghệ thông tin vào nhằm dễ dàng truy xuất nguồn gốc nông sản với phần mềm quản lý lưu trữ dữ liệu tin cậy. Tại TP.HCM, HTX Phước An (Bình Chánh) và HTX Phú Lộc (Củ Chi) đã xây dựng thí điểm dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm rau củ quả, sản xuất được 10 tấn nông sản/ngày, 18 loại rau, với sự tham gia của 168 nông dân. Đây là sự kiện đáng lưu ý sau sự kiện nông trại RASA (Mộc Châu) có gắn mã số riêng, giúp người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc bằng phần mềm quản lý lưu trữ đầy đủ thông tin của từng loại rau, với trên 40 loại rau, củ, quả. Đây là cách tiếp cận mới, phù hợp với chuẩn mực quốc tế ở châu Âu và Nhật Bản - những thị trường khó tính, nhưng số lượng nhập khẩu rau sạch rất lớn mỗi năm.
Bài học Hà Lan
Các dự án liên doanh là nội dung có tính quyết định đến sự phát triển NNCNC, tranh thủ nguồn vốn đầu tư bên ngoài. Ví dụ như Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) đã tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các DN nước ngoài đầu tư vào VN theo hướng nói trên. Đây là cách thu hút vốn đầu tư có chủ đích, thí dụ như xuất khẩu rau “spinach” (cải bó xôi) sang Nhật theo quy trình công nghệ cao từ sản xuất đến chế biến.
Bài học về sản xuất hoa cắt cành ở Hà Lan cũng rất đáng học tập. Nông nghiệp Hà Lan có diện tích canh tác 0,058 ha/người (thấp nhất thế giới), nhưng kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 82,4 tỉ euro năm 2015, với hoa cắt cành chiếm 52% thị phần xuất khẩu của thế giới thông qua hệ thống nhà kính công nghệ cao rất hiện đại. Đứng sau lưng câu chuyện này là các công trình nghiên cứu R&D của Công ty KeyGen, trực thuộc Đại học Wageningen và Quỹ khoa học NWO của nhà nước. Liên kết giữa nhà khoa học và DN theo mô hình này rất hiệu quả, là bài học cho VN trong tương lai.
Năm 2013, ngành rau quả có thị trường xuất khẩu trên thế giới đạt trên 100 tỉ USD/năm bao gồm 68 tỉ USD cho quả và 35,5 tỉ USD cho rau lớn hơn gấp 10 lần lúa gạo. Câu hỏi rất lớn: Tại sao nhiều năm qua, VN chỉ tập trung cho xuất khẩu gạo để đứng tốp đầu thế giới? Tại sao DN chưa mặn mà với việc đầu tư vùng chuyên canh nông sản đạt chuẩn GAP (như chuối, xoài cát, bưởi da xanh...) để xuất khẩu theo hướng này?

tin liên quan

Nghị quyết trung ương 5: Làn gió mới cho nông nghiệp
Chủ trương tích tụ ruộng đất, khuyến khích tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân của Nghị quyết T.Ư 5 đang tạo ra một làn gió mới đầy hứng khởi cho cả nông dân và cộng đồng doanh nghiệp.
VN đã và đang nỗ lực xây dựng mô hình NNCNC. Chúng ta rất cần sự liên kết giữa DN nông nghiệp và các nhà khoa học, bởi chỉ có các DN lớn mới thúc đẩy nhanh sản xuất nông nghiệp, giải quyết đầu ra cho nông dân, giải quyết vấn đề chiến lược của nông nghiệp. Rất tiếc, Quỹ đầu tư R&D cho nông nghiệp hiện rất khiêm tốn.
Xuất khẩu rau quả đạt 1,7 tỉ USD
*Gần 50% gạo VN xuất đi Trung Quốc
Theo báo cáo tháng 6.2017 của Bộ NN-PTNT, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 6 ước đạt 2,97 tỉ USD, nâng tổng giá trị xuất khẩu 6 tháng lên 17,1 tỉ USD, tăng 13,1% so cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, trong 6 tháng mặt hàng rau quả ước đạt 1,7 tỉ USD, tăng trưởng 44,6% so cùng kỳ, vượt qua gạo (1,2 tỉ USD), hạt điều (1,5 tỉ USD) và nhiều nông sản khác, trở thành mặt hàng nông sản chính có giá trị xuất khẩu lớn thứ hai, chỉ sau cà phê (1,86 tỉ USD).
Cũng trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt 2,8 triệu tấn tương đương giá trị 1,2 tỉ USD, tăng 6,3% về khối lượng và tăng 4,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của VN trong 5 tháng đầu năm 2017 với 46,5% thị phần.
H.Sương - C.Nhân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.