Ý kiến của ông Thiên, theo tôi là có nhiều nội dung mới cần các tỉnh, thành nghiên cứu rộng rãi. Tuy vậy, sau năm năm, tình hình vẫn chưa thấy có những thay đổi lớn.
Đối với hợp tác “kinh tế hướng biển”, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng: “Vùng biển duyên hải miền Trung là vùng biển rộng và hợp tác của 7 tỉnh trong khu vực chưa có tính chất biển xa. Trước mắt, nên ưu tiên hợp tác phát triển du lịch dọc biển vì tính khả thi cao...”.
Du lịch duyên hải miền Trung từ lâu được các nhà nghiên cứu khuyến nghị là nên theo hướng du lịch cấp cao, “tốn ít tài nguyên mà doanh thu cao”. Tư duy về du lịch hiện nay của vùng duyên hải miền Trung chỉ tập trung các nỗ lực tăng trưởng ở số lượng khách đến một cách thông thường. Ví dụ bao nhiêu triệu lượt khách mỗi năm mà ít quan tâm đến doanh thu và môi trường cũng như các dịch vụ lưu giữ khách.
Cần thay đổi tư duy về du lịch, thì đó là hướng đến du lịch có đẳng cấp cao để xứng tầm với đẳng cấp biển đẹp tầm thế giới của miền Trung. Gắn liền với du lịch đẳng cấp cao phải là dịch vụ chất lượng cao, trong đó phải kể đến các ngành dịch vụ có chất lượng, doanh thu lớn như du lịch - chữa bệnh - dưỡng sinh, du lịch hội thảo ( MICE)....
Lượng du khách tăng như du khách Trung Quốc gần đây với nhiều hệ lụy về môi trường, văn hóa ứng xử, trật tự… thì thà không tăng còn hơn. Tôi từng được nghe GS John Quelch, Hiệu trưởng Trường Thương mại Harvard khuyến nghị chính quyền Quảng Nam phát triển du lịch biển, du lịch Hội An với chất lượng cao, hướng đến du khách sang trọng, có văn hóa, cũng là theo chiều hướng đó! Ông còn nhấn mạnh đến các thủ thuật tiếp thị để phát triển du lịch cao cấp…
Về việc xây dựng cảng biển ào ạt và tư duy chạy theo thành tích nhiều triệu tấn hiện nay, PGS.TS Trần Đình Thiên có một đánh giá và gợi ý đáng xem xét. Theo ông: “Miền Trung không nên phát triển cảng công nghiệp nặng với sản lượng vận tải nhiều triệu tấn, mà cần phát triển cảng biển theo hướng phục vụ công nghiệp công nghệ cao. Cảng công nghệ cao là cảng được chia theo chức năng, gắn liền với những đô thị cảng lớn, hiện đại, văn minh.
Riêng đối với Đà Nẵng, nên chia chức năng cho những cảng khác ở các tỉnh lân cận, để Cảng Tiên Sa Đà Nẵng tập trung vào chức năng công nghệ du lịch cao. Cảng sản lượng cao (công suất nhiều triệu tấn tấn/năm) đang là mong mỏi của nhiều người, nhất là những người theo chủ nghĩa thành tích kiểu cũ...”.
Phân tích đà tăng lượng hàng hóa thông qua Cảng Đà Nẵng qua các năm ta thấy thành tích 5 rồi 6 triệu tấn mỗi năm. Tuy gần đây đã làm dịch vụ logistic, tăng khối lượng vận chuyển container, nhưng vẫn là nhập nguyên liệu xuất thành phẩm các loại hàng dệt may, giày da. Cả Cảng Đà Nẵng và các cảng khác - tuy mức độ có khác nhau - vẫn còn xuất hàng hóa thô, bán tài nguyên (gỗ, cát, nông sản...) và các sản phẩm công nghệ có giá trị gia tăng chiểm tỷ trọng không đáng kể. Hàng nhập thì bao gồm xe, máy, thiết bị và nguyên liệu nhập khẩu cho gia công.
Trong khi đó, việc tăng khối lượng container xuất khẩu cũng chỉ là hàng dệt may, nông lâm sản và chưa có nhiều sản phẩm công nghệ đặc trưng sản xuất tại khu vực như máy móc, thiết bị… Mặt khác, các bến cảng dành riêng cho tàu du lịch cũng chưa được đầu tư hạ tầng, dịch vụ, còn chạy theo thời vụ và đa số là làm dịch vụ cho các hãng lữ hành nước ngoài. Chưa có các hãng lữ hành nội địa tổ chức các tour tuyến đường biển trọn gói mà chỉ làm dịch vụ trên bờ là chính.
Đã vậy, theo quan sát của chúng tôi, tình trạng cạnh tranh, thiếu liên kết trong kinh doanh du lịch và tổ chức các lễ hội, các sự kiện văn hóa - du lịch vẫn chưa có gì thay đổi so với 5, 10 năm trước. Ý niệm chia sẻ giá trị về một chuỗi sản phẩm du lịch dọc biển, theo sắc thái văn hóa riêng tránh sự cạnh tranh đơn thuần về giá giữa các sản phẩm cùng loại, cùng đẳng cấp, tạo cho duyên hải miền Trung thành một trung tâm du lịch lớn, có đẳng cấp, có sự phối hợp liên hoàn vẫn chỉ là trên giấy hoặc trong các báo cáo hội thảo.
Các lễ hội vừa thưa thớt, ít tính sáng tạo vừa thiếu kết nối chuỗi từ Quảng Trị, đến festival Huế, biển Đà Nẵng hay Hành trình di sản Quảng Nam…Vẫn còn tình trạng mạnh ai nấy làm, chưa tính đến sự liên kết về thời điểm tổ chức. Ngay trong các hoạt động Thể thao biển châu Á ( ABG 5) sắp tổ chức ở Đà Nẵng, nhưng vẫn ít thấy các công ty lữ hành trong khu vực có những chương trình khai thác cơ hội hiếm có này. Việc quảng bá của các cơ quan hữu quan và địa phương tổ chức đến thị trường các quốc gia tham dự vẫn còn manh mún.
Để thay đổi thực trạng này nhanh chóng, không thể không có vai trò của quản lý Nhà nước trong khu vực bằng những bước đi, bằng công tác tổ chức và các chính sách khuyến khích cụ thể, thay vì khoán trắng cho doanh nghiệp.
Ý niệm chia sẻ giá trị về một chuỗi sản phẩm du lịch dọc biển, theo sắc thái văn hóa riêng tránh sự cạnh tranh đơn thuần về giá giữa các sản phẩm cùng loại, cùng đẳng cấp, tạo cho duyên hải miền Trung thành một trung tâm du lịch lớn, có đẳng cấp, có sự phối hợp liên hoàn vẫn chỉ là trên giấy hoặc trong các báo cáo hội thảo”
|
Bình luận (0)