Nghi vấn công nghệ gieo mưa nhân tạo gây ra trận lụt lịch sử ở Dubai?

Bảo Hoàng
Bảo Hoàng
18/04/2024 12:32 GMT+7

Trận mưa lụt lịch sử tại thành phố Dubai đã đặt ra những dấu hỏi về khả năng công nghệ gieo mưa nhân tạo có thể gây ra thiên tai kỷ lục như lần này.

Lũ lụt nghiêm trọng đã làm ngập Dubai và nhiều khu vực khác tại Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) hồi đầu tuần này. Cơn bão đã gây ra trận mưa lớn nhất từng được ghi nhận tại UAE trong 75 năm, với lượng mưa trong 24 tiếng đã cao gần bằng lượng mưa trung bình của nước này trong hai năm. Sau trận mưa lớn, có những tuyên bố rằng việc sử dụng công nghệ gieo mưa nhân tạo (cloud seeding) có thể "đứng sau" thiên tai lần này.

Gieo mưa nhân tạo là gì?

Để "gieo mưa" cho một đám mây, người ta sẽ phun lên đó những hạt muối siêu nhỏ như bạc iodide, calcium chloride hay potassium chloride. Tất cả các hạt này đều có cấu trúc tinh thể tương tự băng, giúp các giọt nước có thể bám vào. Khi nước hội tụ, nó tạo thành một tinh thể băng và cuối cùng rơi xuống dưới dạng tuyết hoặc mưa, theo trang Business Insider ngày 18.4.

Mưa nhân tạo có gây ra bão lớn, ngập lụt ở Dubai?

UAE đã bắt đầu chương trình gieo mưa nhân tạo từ thập niên 1990, sử dụng 1 kg các thành phần nguyên liệu muối để đốt hoặc thả vào mây bằng máy bay chuyên dụng. “Máy bay của chúng tôi chỉ sử dụng muối tự nhiên và không có hóa chất độc hại”, Trung tâm Khí tượng Quốc gia UAE (NCM) nói với kênh CNBC hồi tháng 3. Một số nơi khác sử dụng máy phóng từ mặt đất để bắn các hạt muối vào mây.

Gieo mưa nhân tạo là giải pháp đã được UAE hay một số bang tại Mỹ sử dụng để giải quyết tình trạng hạn hán. Những quốc gia khác, bao gồm Trung Quốc và Úc, cũng đã thử nghiệm công nghệ này. Phương pháp này được cho là có thể tăng lượng mưa khoảng 5 - 15%. Một quan chức của UAE cho biết nó có thể tăng lượng mưa đến 30%.

Các bao muối được sử dụng để gieo mưa nhân tạo tại căn cứ không quân ở Subang, Malaysia

Các bao muối được sử dụng để gieo mưa nhân tạo tại căn cứ không quân ở Subang, Malaysia

REUTERS

Bà Friederike Otto, giảng viên cao cấp về khoa học khí hậu tại Đại học Hoàng gia London (Anh), cho biết: "Gieo mưa nhân tạo không thể tạo ra mây từ hư không. Nó giúp nước sẵn có trên trời ngưng tụ nhanh hơn và tạo mưa ở một số nơi nhất định. Vì vậy, trước tiên bạn cần độ ẩm. Không có độ ẩm sẽ không có mây”.

Do đâu UAE có trận mưa lụt lịch sử?

Trong tuyên bố, NCM cho biết không có hoạt động gieo mưa nhân tạo nào được thực hiện trước hoặc trong khi bão ập đến UAE, tờ The Guardian ngày 17.4 cho hay. Omar Al Yazeedi, Phó tổng giám đốc của NCM, nói rằng gieo mưa nhân tạo sẽ phải nhắm vào các đám mây ở giai đoạn trước khi có mưa. Sử dụng công nghệ này trong tình huống giông bão sẽ vô ích.

Xứ cát UAE ngập lụt vì lượng mưa lớn nhất trong 75 năm

Các nhà khoa học đã loại trừ quan điểm gieo mưa nhân tạo là nguyên nhân khiến UAE trải qua trận mưa lụt lịch sử. Ông Maarten Ambaum, giáo sư vật lý và động lực học khí quyển tại Đại học Reading, nói rằng công nghệ này thường không gây ra những cơn bão nghiêm trọng như trường hợp ở UAE.

“Từ thập niên 1950 và 1960, mọi người vẫn nghĩ việc sử dụng kỹ thuật gieo mưa nhân tạo có thể tạo ra hoặc thay đổi những hiện tượng thời tiết quy mô lớn. Điều này từ lâu đã được công nhận là không thực tế”, ông nói.

Nhà khoa học khí quyển tại Đại học Leeds (Anh) John Marsham nhận định bất kỳ tác động nào có thể xảy ra đến từ quá trình gieo mưa nhân tạo trong trường hợp này là rất nhỏ.

Người đàn ông băng qua đường ngập do mưa lớn ở UAE ngày 17.4

Người đàn ông băng qua đường ngập do mưa lớn ở UAE ngày 17.4

AFP

Các nhà khoa học cho rằng nhiệt độ toàn cầu tăng đang dẫn đến tình trạng những cơn mưa lớn xuất hiện trên khắp thế giới, bao gồm những khu vực thường khô hạn hay đang giữa đợt hạn hán. Điều này đến từ thực tế là không khí ấm hơn sẽ có khả năng tích trữ nhiều nước hơn.

Bà Esraa Alnaqbi, nhà dự báo cấp cao tại NCM, giải thích áp suất thấp ở tầng cao khí quyển của trái đất kết hợp với áp suất thấp từ bề mặt đã hoạt động như một “lực ép” lên không khí. Hiện tượng này, càng được tăng cường khi nhiệt độ mặt đất ấm lên tương phản với nhiệt độ lạnh ở tầng cao khí quyển, sẽ tạo ra những trận giông bão với cường độ lớn.

Trên thực tế, UAE không phải khu vực sa mạc hay hạn hán duy nhất bị tàn phá bởi mưa lũ trong nhiều năm gần đây. Công viên quốc gia Thung lũng Chết ở bang California (Mỹ) cũng đã ghi nhận những trận lụt lịch sử, gây thiệt hại nặng nề vào năm 2022, 2023 và tháng 2.2024.

Bà Friederike Otto cảnh báo: "Nếu con người tiếp tục đốt dầu, khí đốt và than đá, khí hậu sẽ tiếp tục nóng lên, lượng mưa sẽ ngày càng lớn hơn và người dân sẽ tiếp tục thiệt mạng vì lũ lụt".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.