Không ít người băn khoăn về vị trí chính xác của ngôi mộ Ama Thuột, vị tù trưởng nổi tiếng có tên xuất xứ của địa danh Buôn Ma Thuột (BMT).
Cồn đất cao phía sau gốc cổ thụ được cho là mộ Ama Thuột ở 70-Nguyễn Tất Thành, TP.BMT - Ảnh: Ngọc Quyền
|
Từ dự án công viên Ama Thuột
Công ty TNHH MTV Quản lý đô thị và môi trường Đắk Lắk vừa lập dự án công trình Công viên Ama Thuột, tọa lạc tại khuôn viên 70-Nguyễn Tất Thành, P.Tự An, TP.BMT, với diện tích gần 3 ha. Theo dự án, bên cạnh những công trình được xây dựng có kiến trúc truyền thống Tây nguyên, điểm nhấn trong công viên là “khu mộ của Ama Thuột” được tôn tạo lại theo hướng kiên cố. Theo mô tả của dự án, “mộ Ama Thuột hiện trạng là một cồn đất lớn, cao 4 m, đường kính cồn đất 20,6 m, trên cồn cây cối mọc um tùm, cạnh mộ phía tây nam là cây cổ thụ to lớn”.
Dự án xây dựng công viên Ama Thuột được UBND tỉnh Đắk Lắk đồng ý về chủ trương từ năm 2008, theo đó cũng yêu cầu “tôn tạo và bảo tồn khu mộ cụ Ama Thuột”. Như vậy, về phía các cơ quan quản lý, mộ Ama Thuột mặc nhiên được công nhận nằm tại địa chỉ trên.
Tuy nhiên, khá nhiều ý kiến cho rằng vẫn chưa xác định chính xác mộ của Ama Thuột. Ông Y Ben Byă, nguyên giám đốc Trung tâm Quản lý di tích - Sở VH-TT-DL Đắk Lắk, cho biết trước khi nghỉ hưu cách đây hai tháng, ông cùng cán bộ Trung tâm đã tìm hiểu, phỏng vấn nhiều già làng, người cao tuổi ở các buôn nội thành BMT nhưng không ai khắng định mộ Ama Thuột tại vị trí chuẩn bị làm công viên Ama Thuột. “Nhiều người cho rằng cồn đất cao ở 70-Nguyễn Tất Thành là mộ của cụ Y Blơi, cha vợ của Ama Thuột. Còn mộ Ama Thuột ở một nơi khác, có người nói ở khu vực phường Tân Thành, nhưng chúng tôi chưa xác minh”, ông Y Ben nói.
Ông Đoàn Văn Thống, Trưởng phòng VH-TT TP.BMT, cũng băn khoăn: “Tôi cũng nghe một số thông tin về mộ Ama Thuột ở vị trí khác, thậm chí ở tận H.Cư Kuin, cách BMT khoảng 20 km”.
Cần minh định
Theo tài liệu lịch sử, năm 1904, người Pháp chuyển Đại lý hành chính từ Bản Đôn (H.Buôn Đôn ngày nay) về khu vực buôn của Ama Thuột cai quản, lấy tên là Đại lý hành chính BMT. Ngày 22.11.1904, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định thành lập tỉnh Đắk Lắk, tỉnh lỵ là BMT.
Cho đến nay, thông tin về Ama Thuột chủ yếu là những lời truyền tụng trong dân gian về một tù trưởng hùng mạnh, giàu có; ông có hai vợ nhưng không có con đẻ và có tới 5 người con nuôi. Ghi chép được biết đến nhiều nhất là của một người Pháp tên Roland Dorgeles (Viện Hàn lâm Goncuort) đăng trên tạp chí Les Aunales số ra ngày 15.5.1930 về đám tang Ama Thuột. Trong mô tả của R.Dorgeles, đám tang vị tù trưởng có rất đông người dân BMT, các buôn lân cận và cả thợ săn voi vùng Bản Đôn đến đưa tang. Huyệt mộ nằm trong một khoảnh rừng thưa, phải dùng đàn voi giày, làm ngã cây mới có lối vào…
Theo TS Lương Thanh Sơn, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk, trong bài viết của R.Dorgeles, có những chi tiết đáng lưu ý như đoàn người đưa tang cùng voi, ngựa đi chặng đường dài mới đến nơi chôn cất. Điều này đặt nghi vấn liệu có phải mộ Ama Thuột ở một nơi rất xa, ngoài khu vực BMT ngày nay? Gần 20 năm trước, TS Sơn đã cất công tìm hiểu gia phả của Ama Thuột, nhưng phải ngừng công việc do có những ý kiến không đồng tình; sau này vẫn không có ai tiếp tục nghiên cứu về thân thế Ama Thuôt.
Trao đổi với Thanh Niên, TS Sơn nhận định: “Xây dựng công viên Ama Thuột là việc nên làm nhằm tôn vinh vị tù trưởng nổi tiếng đem lại địa danh BMT. Tuy nhiên, trước hết cần thận trọng tìm hiểu, xác định chính xác vị trí ngôi mộ của Ama Thuột để lập thành di tích. Theo tôi, thậm chí còn phải sang Pháp tra cứu các tư liệu lưu trữ ngày trước nói về Ama Thuột vì ở VN tư liệu rất ít, nếu không nói là không có”.
Bình luận (0)