Nghĩ về Bảo tàng Chiến tranh

02/09/2016 20:32 GMT+7

Trong số hàng trăm bảo tàng lớn nhỏ đang hiện hữu tại VN, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh thu hút du khách nước ngoài đông hơn cả. Điều đó cho thấy dạng bảo tàng này khá lợi hại, tuy nhiên quy mô như hiện nay là chưa đủ.

Sự “nổi tiếng” không mong đợi
Nói đến VN, có thể nhiều người trên hành tinh này không biết rằng đó là quốc gia xuất khẩu gạo, hạt điều, hạt tiêu, mủ cao su… hàng đầu thế giới. Vậy mà khi đề cập đến chiến tranh khốc liệt thời hiện đại, sau Thế chiến 2, VN lại trở thành tâm điểm, nói ra ai cũng biết, báo chí quốc tế ngày nào cũng đưa tin.
Trước Thế chiến 2, hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản chẳng có chút “tiếng tăm” gì trên bản đồ du lịch cho đến khi bị không quân Mỹ thả 2 quả bom nguyên tử xuống. Kể từ ngày tăm tối ấy, hai thành phố này “nổi tiếng” luôn mặc dù bị hủy diệt. Dĩ nhiên, chẳng ai muốn “nổi tiếng” theo kiểu này.
Lịch sử đã trôi qua, quá khứ tang thương bởi chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng nhưng không biến mất. Người đời đã gom góp những chứng tích của các cuộc chiến tranh đặt vào bảo tàng, với mục đích giáo dục cho thế hệ sau thấy sự khủng khiếp mà con người phải gánh chịu do chiến tranh gây ra, đồng thời gửi đi thông điệp: Đừng để chiến tranh xảy ra, hãy sống trong hòa bình. Hơn ai hết trên cõi trần gian này, người Nhật “thấm thía” biết dường nào khi mình là nước duy nhất trên thế giới, tính đến thời điểm hiện nay, biết thế nào là “mùi vị” của bom nguyên tử. Đó là lý do giải thích vì sao họ thành lập Bảo tàng Chiến tranh tại Hiroshima và Nagasaki.
Thậm chí trong bảo tàng ấy, người Nhật còn “chế tạo” lại quả bom nguyên tử đúng kích thước thật của người Mỹ để trưng bày cho du khách tham quan. Dĩ nhiên đó chỉ là quả bom nguyên tử mô phỏng, vô hại, nhưng rất có lợi về mặt hiệu quả trưng bày cho bảo tàng, tạo nên một cảm xúc khó tả cho những ai nhìn thấy nó.
Tái hiện lịch sử
Nếu tính từ thời Hai Bà Trưng (năm 40) đến nay, VN đã trải qua giai đoạn lịch sử gần 2.000 năm, thế nhưng hơn quá nửa thời gian ấy là triền miên khói lửa chiến tranh... Với bề dày “đáng nể” như vậy, thiết nghĩ phải xây dựng vài cái bảo tàng chiến tranh hoành tráng mới có thể lột tả hết chiều dài lịch sử đau thương nhưng hào hùng ấy.
Rải rác đây đó trên toàn cõi VN, chúng ta có trưng bày trong bảo tàng những hiện vật qua từng thời kỳ, có cả những chiếc cọc gỗ Bạch Đằng giang thời Trung cổ cho đến vô số vũ khí quân dụng, xe tăng, chiến đấu cơ… thời hiện đại. Có lẽ phải tính đến chuyện gom hết các chứng tích ấy vào chung một bảo tàng và chắc chắn cái bảo tàng ấy phải rộng hơn gấp nhiều lần so với các bảo tàng chứng tích chiến tranh hiện hữu.
Tại sao phải rộng? Vì riêng trưng bày các loại chiến đấu cơ thôi, nó đã “ngốn” khá nhiều diện tích. Chỉ tính dòng máy bay quân sự từ thời Pháp đến kết thúc chiến tranh năm 1975 thôi, đã có khá nhiều chủng loại không tài nào nhớ nổi. Nhưng như thế vẫn chưa đủ, cần phải bổ sung, ví dụ máy bay ném bom B52 chẳng hạn. Về chuyện này, nếu quyết tâm thực hiện thành lập Bảo tàng Chiến tranh, chúng ta có thể đàm phán với người Mỹ để mua lại vài chiếc B52 dạng “ve chai” đang nằm chờ ngày “xẻ thịt” bán sắt vụn ở các nghĩa địa phi cơ trên đất Mỹ. Nếu tìm mua được đúng chiếc B52 đã từng tham chiến tại VN thì càng tốt.
Những chiếc “pháo đài bay” to đùng này chắc chắn sẽ gây ấn tượng mạnh đối với du khách trong và ngoài nước, vì sao thì chắc ai cũng hiểu, nhất là với người dân thủ đô Hà Nội thời điểm tháng 12.1972. Bên cạnh chiếc B52 “ve chai” còn nguyên, chúng ta có thể đặt những gì còn sót lại của chiếc B52 bị bắn rơi trên vùng trời miền Bắc thời trước.
Bài viết này chỉ là một gợi ý với mong muốn góp phần “lôi kéo” du khách tứ xứ đến với các bảo tàng đông đảo hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.