Nghĩ về Hà Nội, nhớ một người

19/10/2014 03:00 GMT+7

Nhà văn Triệu Xuân có lần kể rằng: Một người bạn thân, trong lúc đàm đạo văn chương có hỏi "Sang thế kỷ 21, nếu chỉ được phép mang 10 cuốn sách văn học vào thế kỷ mới, ông mang những cuốn nào?", tôi trả lời ngay:

"Một trong những cuốn tôi mang theo là Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng! Bởi viết về Hà Nội (HN), viết về đất nước quê hương, mấy ai có thể hơn Vũ Bằng. Vũ Bằng yêu HN, yêu đất nước quê hương khi mà ông đang sống ở Sài Gòn, cách HN chưa đầy hai giờ máy bay mà vời vợi ngàn trùng. Nỗi nhớ niềm yêu ấy là tuyệt vọng! Hơn thế nữa, bà Nguyễn Thị Quỳ, vợ hiền của ông trên đất bắc, người đã góp phần quyết định làm nên một Vũ Bằng nhà văn, nhà báo, là nguồn cảm hứng văn chương của ông".

Nói thế, anh Triệu Xuân dẫu hơi quá, vẫn có cái lý của mình. Vũ Bằng mang một phần hồn cốt của HN. Nhắc đến Vũ Bằng là người ta nhớ tới một HN nao lòng cùng những gì tao nhã dịu dàng nhất. Vũ Bằng làm cho người ta bỗng thấy thêm yêu một Thăng Long - HN nghìn năm thâm trầm, lãng mạn và tinh tế trong cái cách sống, cách sinh hoạt ứng xử không nơi nào có được... Nói tới Vũ Bằng là người ta nhắc tới Miếng ngon Hà Nội và Thương nhớ mười hai ngoài hồi ức Bốn mươi năm nói láo vẽ chân dung mình và các nhà báo thế hệ mình nửa đầu thế kỷ 20.

Còn nhớ trong lời giới thiệu cuốn Thương nhớ mười hai với lời tựa (Tự ngôn), Vũ Bằng khắc khoải: "Con tim của người khác tương tư cố lý cũng đau ốm y như là gỗ mục... Ấy vậy mà một buổi chiều trở gió kia, ngồi cúi xuống lòng để hỏi chuyện tim mình, ta cảm như có hàng ngàn vạn con mọt nhỏ li ti vừa rụng cánh o o vừa đục khoét con tim bệnh tật... Tôi yêu HN quá, tôi nhớ Bắc Việt nhiều nên bao nhiêu cái đẹp, cái hay ở trước mắt, tôi thấy mất cả ý nghĩa đi. Có lẽ đó là sự bất công to lớn, nhưng yêu, bao giờ mà lại chẳng bất công như thế?... Tôi cảm ơn sự bất công đã cho tôi nhìn rõ lòng tôi yêu thương HN đến chừng nào, HN ạ!". Điều lạ là người trai HN ấy vì nhiệm vụ phải xa HN đến hết đời, từng nhớ thương HN đến đớn đau như vậy nhưng cho đến hôm nay chỉ được công nhận là chiến sĩ điệp báo và được truy tặng Huân chương kháng chiến, sau khi ông đã mất… Vấn đề Vũ Bằng đã được Hội Nhà văn VN cử người xác minh, không phải ông "dinh tê, di cư, phản bội", mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952. Vào Sài Gòn sau khi hòa bình lập lại trên miền Bắc, ông tiếp tục tham gia hoạt động nội tuyến cho đến ngày giải phóng miền Nam…

Vâng! Khắc khoải quá. Đến nỗi 9 năm sau ngày đất nước sum họp cho đến lúc đi xa ông đành đoạn không về HN. Bí ẩn ấy giờ ông mang cả sang thế giới bên kia. Có lẽ ông muốn mãi mãi giữ lại cho mình một nỗi nhớ thương man mác.

Tân Linh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.