Nghĩa trang bị lãng quên

27/06/2012 03:00 GMT+7

Đó là “nghĩa trang miền Nam” với 80 ngôi mộ tại xã Lộc Ninh, TP.Đồng Hới, Quảng Bình.

Sau Hiệp định Genève 1954, cán bộ miền Nam (tính từ vĩ tuyến 17 trở vào) tập kết ra Bắc sinh sống và tiếp tục hoạt động cách mạng trên mọi mặt trận. Tại Quảng Bình, những cán bộ này tham gia công tác ở nhiều lĩnh vực. Từ đó cho đến khi đất nước thống nhất, nhiều người đã vĩnh viễn nằm lại trên đất Quảng Bình... Với những trường hợp này, chính quyền địa phương cũng như các cán bộ miền Nam khác chủ trương mai táng chung một khu vực để dễ bề hương khói và tìm kiếm sau này. Và cái tên dân gian “nghĩa trang miền Nam” có từ đó.

 Nghĩa trang bị lãng quên
Một góc nghĩa trang miền Nam tại xã Lộc Ninh - Ảnh: T.Q.N

Chúng tôi gặp ông Lê Kim Dỹ (77 tuổi, ở thôn 4, xã Lộc Ninh), quê ở Triệu Phong, Quảng Trị, là cán bộ tập kết. Ông cho biết, lúc đó nghĩa trang miền Nam có 92 ngôi mộ, phần lớn là cán bộ có quê quán ở Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Mỹ Tho, Trà Vinh, Sa Đéc... Ông Dỹ kể: “Hằng năm, Hội đồng hương miền Nam đều đóng góp tiền bạc, công sức để chăm sóc phần mộ, hương khói cho những người đã nằm xuống. Nhưng chúng tôi ngày càng già yếu, sau này sợ không còn ai giữ gìn khu nghĩa trang miền Nam nữa, đặc biệt là những ngôi mộ bia bị mờ không rõ họ tên, quê quán, địa chỉ nên rất cần sự giúp đỡ của chính quyền các cấp”.

Theo ông Hoàng Công Ạch, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Lộc Ninh, trước đây khu nghĩa trang miền Nam nằm bên QL1A, sau ngày thống nhất đất nước, chính quyền địa phương tiến hành quy tập về khu vực hiện tại.

Đến khu nghĩa trang này, chúng tôi không khỏi chạnh lòng trước sự hoang dại; tất cả đều cũ kỹ, cho thấy đã lâu ngày không có sự chăm sóc. Khu nghĩa trang nằm tách ra nhưng không hề có hàng rào bảo vệ. Các bia, phần mộ đã xuống cấp, cỏ dại mọc um tùm. Nhiều phần mộ không có tên tuổi và cũng không ít tấm bia bị mất chữ, không thể đọc được. Ví như trường hợp anh T.Q.P (ở Quy Nhơn, Bình Định) phải mất rất nhiều công sức mới tìm ra được manh mối nơi chôn cất ông nội mình là ông T.Th tại đây nhưng vẫn chưa tìm được mộ chí.

Được biết, Hội đồng hương miền Nam tại Quảng Bình cũng đã lập một danh sách các cán bộ được chôn cất tại nghĩa trang, tuy nhiên chưa được đầy đủ. Số cán bộ còn sống hiện tuổi cao sức yếu, vì vậy rất cần sự vào cuộc, quan tâm giúp đỡ của chính quyền địa phương trong việc tôn tạo, chăm sóc.

Trương Quang Nam

>> Nghĩa trang giữa khu dân cư
>> Cưới trong nghĩa trang
>> Phát hiện một thi thể cháy đen trong nghĩa trang
>> Ra mắt “Nghĩa trang liệt sĩ trực tuyến”

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.