Nghĩa trang giữa khu dân cư

21/06/2012 09:25 GMT+7

Giữa khu dân cư Quán Sỏi, P.Dư Hàng Kênh, Q.Lê Chân, TP.Hải Phòng có một khu nghĩa trang với hàng trăm ngôi mộ, nhiều phần mộ nằm ngay đường đi, cạnh nhà dân.

Bà Nguyễn Thị Loan (47 tuổi), ở số nhà 2, khu dân cư Quán Sỏi cho biết, nhà bà liền kề với nghĩa trang, hàng ngày bà không dám mở cửa sổ để hóng gió vì sợ nhìn ra những ngôi mộ lạnh lẽo phía dưới. Đặc biệt, vào ngày rằm, mùng một hay dịp Tết thì ở đây khói hương, tàn vàng mã bay tứ tung quanh khu dân cư.

“Ở nhiều năm, tôi cũng quen với những ngôi mộ nằm lô nhô trong nghĩa trang, chỉ ngại khi có bà con đến chơi. Họ cứ thắc mắc vì sao lại mua nhà gần khu người đã chết. Giờ cuộc sống có điều kiện, gia đình tôi muốn bán đi mua đất chỗ khác để ở cũng khó, vì nhà nằm gần nghĩa trang”, bà Loan chia sẻ.

Đứng phía bên cổng đối diện, bà Nguyễn Thị Ngân (57 tuổi), ở tổ 26 tâm sự: “Năm 2009, khi mới mua nhà tôi thấy cây cối tốt um tùm, nghĩa trang vẫn chưa lộ rõ. Chỉ đến khi gia đình đặt cọc tiền, đi tìm hiểu kỹ thì mới tá hỏa ra ngôi nhà mình nằm ngay cạnh nghĩa trang. Đã trót làm thủ tục rồi nên tôi phải chấp nhận”.

Nhà bà Ngân cũng nằm sát nghĩa trang, để tránh phải nhìn thấy hàng trăm ngôi mộ nằm san sát mỗi ngày, gia đình bà đã phải xây một bức tường cao gần 3 mét, để ngăn cách khu nhà ở của gia đình với khu nghĩa trang.

Bị nghĩa trang “bủa vây”, người dân không chỉ rơi vào cảnh bất an, mà nhiều gia đình còn phải chịu cảnh ô nhiễm từ rác.

Một người dân trong khu là ông Nguyễn Hữu Lợi than thở: “Sống ở gần nghĩa trang đã khổ nhiều năm, nay lại thêm những hộ dân thiếu ý thức đem rác thải, thậm chí cả xác động vật chết xả ra nghĩa trang. Gia đình tôi đã làm tấm biển cấm đổ rác ở nghĩa trang, nhưng cứ chập tối là người ta lại mang những rác ra vứt”.

Ông Phạm Quang Ánh, 85 tuổi, một trong những người cao niên ở khu Quán Sỏi cho biết, đây là một khu nghĩa trang cổ, có từ thời nhà Mạc.

Những năm 1960, nơi đây là một xóm nghèo, chỉ có khoảng chục hộ dân sinh sống. Đường đi vẫn còn là đất, đất gần các khu nghĩa trang được người dân trồng rau và trồng lúa. Khu nghĩa trang lúc đó có khoảng 200 ngôi mộ. Trải qua chiến tranh, những ngôi mộ chuyển về đây ngày một nhiều hơn.

Theo ông Ánh, từ khoảng năm 2000 trở lại đây, người dân không chôn người chết ở nghĩa trang. Tuy nhiên, hàng năm, vào dịp tháng chạp người dân trong khu vẫn chuyển hài cốt của người thân trong gia đình họ từ những nghĩa địa khác về khu nghĩa trang này để cát táng.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Ngọc Phú, Phó chủ tịch UBND P.Dư Hàng Kênh cho biết, những mộ này tập trung nhiều ở tổ dân phố 25, 26, thuộc khu dân cư Quán Sỏi, với khoảng 500 ngôi mộ, còn lại nằm rải rác ở một số tổ dân phố khác.

Năm 2000, do tốc độ đô thị hóa ở các thành phố lớn phát triển nên nhiều người dân thập phương đã đổ ra khu vực thành phố mua đất làm nhà. Do vậy, diện tích đất trống gần các khu nghĩa trang này dần được người dân mua, bán và xây dựng lên những ngôi nhà cao tầng nằm gần nghĩa trang như hiện nay.

“Hiện tại, chúng tôi mới chỉ nhận được dự án định hướng của UBND thành phố, trong những năm tới, khu vực nghĩa trang này sẽ được trồng hệ thống cây xanh, để tạo cảnh quan môi trường. Còn về di dời những ngôi mộ này, phường vẫn chưa có phương án nào cả”, ông Phú nói.

Nguyễn Đức

>> Truy tìm gốc tích ngôi mộ cổ bị đào xới
>> Cưới trong nghĩa trang
>> Tri ân liệt sĩ Gạc Ma: Những ngôi mộ gió ở Quảng Trị
>> Phát hiện một thi thể cháy đen trong nghĩa trang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.