|
Trong danh sách các chiến sĩ có mặt ở sự kiện tại đảo Gạc Ma năm 1988, tỉnh Quảng Trị có 3 người. Ngoài 2 liệt sĩ hy sinh trong trận đánh đó, còn một người là anh Trần Thiên Phụng mất tích do bị Trung Quốc bắt, 3 năm sau mới thả. Hiện anh Phụng đang sống tại Đông Hà, suốt ngày bươn chải kiếm gạo nuôi con, rất vất vả.
Một điều khá bất ngờ với chúng tôi trong suốt mấy ngày qua là chỉ có 2 liệt sĩ ở Quảng Trị được gia đình xây mộ, tức “mộ gió”, ngay trong nghĩa trang của gia đình. “Có tìm thấy xương cốt chi mô mà đưa vào nghĩa trang liệt sĩ!”, cụ Hoàng Thị Giỏ, thân mẫu liệt sĩ Tống Sỹ Bái đã nói như vậy khi chúng tôi hỏi vì sao không đưa anh Bái vô nghĩa trang liệt sĩ Đông Hà. Cụ Giỏ nay đã 83 tuổi, đang sống với người con cả, cũng là một cựu binh, vẫn còn nhớ như in cái ngày anh Bái xung phong vào bộ đội: “Hắn là con út, hai anh trai đã đi bộ đội, chưa tới lượt hắn nhưng dạo ấy (1987), nghe nói người ta tuyển hải quân, hắn xung phong, lại còn nói với tui, thôi mạ để con đi sớm về sớm. Nhưng rồi hắn có về mô!”. Anh Bái mãi mãi không về, dừng lại ở tuổi 21 sau trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma năm 1988.
Ngay sau khi nghe thông báo anh Bái hy sinh, cụ Giỏ ngày nào cũng đợi tin con, với hy vọng sẽ mang được thi hài về. Ba tháng sau, thấy không còn có thể trông mong gì nữa, gia đình làm một cái lễ cầu siêu rồi xây cho anh Bái một ngôi mộ ngay trong nghĩa trang của dòng tộc. Chúng tôi hỏi cụ Giỏ sẽ sử dụng 20 triệu đồng mà các nhà hảo tâm đã nhờ chúng tôi chuyển cho cụ hôm nay vào việc gì. Cụ rưng rưng: “Tui chừ già rồi, có tiêu pha chi nữa, nên sẽ sử dụng số tiền ni xây cho hắn cái lăng kẻo tội nghiệp”. Chúng tôi chẳng biết nói gì trước quyết định của một người mẹ suốt đời mong ngóng tin con như thế!
Còn ông Hoàng Sỹ, 69 tuổi, thân phụ liệt sĩ Hoàng Ánh Đông lại nói: “Tui sẽ dùng số tiền ni chữa bệnh cho bà ấy”. Mới sáng qua, bà Nguyễn Thị Hằng, vợ ông Sỹ, là thân mẫu của liệt sĩ Hoàng Ánh Đông phải nhập viện vì cao huyết áp. “Cả nhà tui chừ như cái bệnh viện mấy anh nờ. Thằng con trai mới chết cách đây một tháng, bà ấy lại đau liên miên, tui thì cũng chẳng khỏe mạnh chi nhưng chẳng biết lấy đâu ra vài triệu bạc để chữa bệnh nữa”. Ông Sỹ kể về gia cảnh của mình hiện tại như thế. Được đứa con khỏe mạnh nhất nhà - anh Hoàng Ánh Đông - thì đã hy sinh. Còn người em trai của liệt sĩ tên là Hoàng Ánh Thùy (SN 1981), tốt nghiệp khoa âm nhạc của Đại học Sư phạm Huế, ra trường đã 8 năm nhưng đến nay vẫn chưa có việc làm. Mới đây, một em trai khác của liệt sĩ Đông bị đột tử, qua đời. Hoàn cảnh gia đình cực kỳ khó khăn. Cũng như cụ Hoàng Thị Giỏ, ông Sỹ cũng đắp cho con một ngôi mộ gió.
“Tri ân liệt sĩ Gạc Ma” là chương trình do T.Ư Đoàn, T.Ư Hội LHTN Việt Nam, Báo Thanh Niên tổ chức với sự đồng tài trợ của Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) và đại diện Ban tài trợ Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam. Chương trình nhằm giáo dục tinh thần yêu nước, ý thức về chủ quyền biển đảo, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia cho thế hệ trẻ. Theo dự kiến từ ngày 15.5 đến 27.7, Báo Thanh Niên cùng các nhà tài trợ sẽ trao số tiền 1,28 tỉ đồng cho gia đình 64 liệt sĩ (20 triệu đồng/gia đình) góp phần trợ dưỡng cha mẹ các liệt sĩ đã tuổi cao sức yếu. |
Trần Đăng - Tấn Tú -Nguyễn Phúc
>> Nghĩa tình Gạc Ma ở Đà Nẵng
>> Đến với gia đình liệt sĩ đảo Gạc Ma, Trường Sa
>> Cúc vàng trên biển xanh
>> Tri ân liệt sĩ Gạc Ma
>> Trường Sa của tôi
>> Anh đã sống thay đồng đội
>> Kỷ vật của anh hùng Trường Sa
>> Bi hùng Hoàng Sa
>> Vụ tệ buôn mộ gió ở Đà Lạt: Đăng ký lại các phần mộ chưa an táng
Bình luận (0)