Nghĩa vụ quân sự không loại trừ người đồng tính

21/05/2015 15:26 GMT+7

(TNO) Đây là một trong những nội dung đáng chú ý trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa trình bày trước Quốc hội chiều nay 21.5

(TNO) Đây là một trong những nội dung đáng chú ý trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa trình bày trước Quốc hội chiều nay 21.5.

nghia-vu-quan-suThanh niên tham gia nghĩa vụ quân sự - Ảnh: Diệp Đức Minh
Liên quan đến đề nghị nghiên cứu quy định việc đăng ký nghĩa vụ quân sự (NVQS) và phục vụ tại ngũ đối với công dân nữ và quy định riêng đối với người đồng tính, ông Nguyễn Kim Khoa, đại diện cơ quan chủ trì thẩm tra dự Luật sửa đổi này cho biết, luật NVQS hiện hành và dự thảo Luật do Chính phủ trình chỉ quy định việc đăng ký NVQS và thực hiện NVQS là bắt buộc đối với công dân nam.
Đối với công dân nữ thì chỉ quy định người có chuyên môn phù hợp với quân đội nếu tự nguyện và quân đội có nhu cầu thì được phục vụ tại ngũ và được đăng ký vào ngạch dự bị, khi có yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, an ninh thì được động viên vào phục vụ tại ngũ.
Theo ông Nguyễn Kim Khoa, quy định như trên vừa phù hợp với quy định của Hiến pháp: “Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt”, vừa phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý và vai trò của người phụ nữ ở hậu phương. Hơn nữa, vấn đề này đã được thực hiện theo luật NVQS hiện hành, ổn định và phù hợp với thực tiễn.
Chủ nhiệm cơ quan thẩm tra lý giải thêm: đối với người đồng tính là công dân Việt Nam, nếu có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định thì vẫn phải thực hiện NVQS bình đẳng như công dân khác theo Điều 45 Hiến pháp quy định (Công dân phải thực hiện NVQS và tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân).
Bên cạnh đó pháp luật hiện hành chưa quy định về người đồng tính. “Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không quy định riêng đối tượng này trong Luật”, ông Khoa cho biết.
Liên quan đến đối tượng đăng ký nghĩa vụ quân sự, Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho biết, có ý kiến đề nghị quy định cụ thể về việc đăng ký NVQS đối với công dân ra nước ngoài học tập, lao động, công tác. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đối với công dân ra nước ngoài mà chưa đăng ký NVQS lần đầu, thì khi trở về nước, phải thực hiện đăng ký NVQS lần đầu theo quy định tại Điều 16 dự thảo Luật.
Về thời hạn phục vụ tại ngũ, báo cáo giải trình cho hay có 4 loại ý kiến khác nhau: 24 tháng; 36 tháng; từ 6 - 12 tháng, đồng thời quy định xây dựng lực lượng thường trực tinh nhuệ với thời hạn phục vụ từ 3 - 5 năm.
Theo ông Khoa, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với dự thảo Luật Chính phủ trình, trong đó quy định thống nhất thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình là 24 tháng để bảo đảm sự bình đẳng về nghĩa vụ của công dân theo quy định của Hiến pháp. Bởi, nếu quy định thời hạn phục vụ tại ngũ như luật NVQS hiện hành, hoặc quy định thấp hơn cho một số đối tượng, thì không bảo đảm thời gian huấn luyện, đáp ứng yêu cầu sẵn sàng chiến đấu, đồng thời, không bảo đảm bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của công dân theo quy định của Hiến pháp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.