Tuy không chủ ý, quyết định này của Thụy Sĩ vẫn có tác động chính trị như của một cú đòn hiểm nhằm vào chính phủ Đức và cá nhân Thủ tướng Angela Merkel.
Lập luận của phía Thụy Sĩ là tự do ngôn luận. Ở nước Đức trong những ngày qua cũng có chuyện ông Erdogan bị phê trách và châm biếm trong clip âm nhạc và trên truyền hình. Phía Thổ Nhĩ Kỳ làm rất găng về ngoại giao. Không như Thụy Sĩ, chính phủ Đức và bà Merkel đã đáp ứng yêu cầu của phía Thổ, gỡ bỏ đoạn clip và để tòa án truy tố những nghệ sĩ liên quan.
Hai cách xử lý khác nhau về vụ việc có cùng bản chất. Hai cách hiểu khác nhau về tự do ngôn luận và tự do báo chí. Nghịch cảnh rõ nét đến mức không thể rõ nét hơn được nữa.
Nghịch cảnh thật đấy nhưng không phải vô cớ. Trong chuyện cùng bản chất nhưng phía Đức và Thụy Sĩ hành xử khác nhau bởi có lợi ích rất khác nhau trong quan hệ với Thổ.
Bà Merkel ở nước Đức phải tranh thủ ông Erdogan vì nếu không có được sự hậu thuẫn và hợp tác của Ankara thì giải pháp cho vấn đề tị nạn mà EU vừa thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ mà bà Merkel là tác giả chính sẽ bị phá sản. Khi ấy sẽ rất nguy hiểm đối với quyền lực của bà Merkel ở nước Đức. Thụy Sĩ không có nhu cầu và không sẵn sàng trả giá đắt cho Thổ Nhĩ Kỳ như chính phủ Đức và bà Merkel.
|
Bình luận (0)