Tuy nhiên, có một nghịch lý: các nước sản xuất và xuất khẩu cà phê nằm ở vành đai nhiệt đới đa số là những nước thế giới thứ ba và đang phát triển, cũng không phải là những nước tiêu thụ nội địa hàng đầu về cà phê. Theo thống kê năm 2010, Brazil đứng số 1 thế giới về việc sản xuất cà phê xanh (là thứ hạt mới phơi khô và chưa được chế biến). Theo sau là Việt Nam, Indonesia, và Colombia về số lượng. 8 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã vươn lên vị trí số 1 với giá trị xuất khẩu là 2,66 tỉ USD. Cà phê có hai chủng loại chính yếu: (1) cà phê Arabica (tức là Ả Rập, nguồn gốc đầu tiên, ở ta gọi là cà phê trà), và (2) là cà phê Robusta (tức là cà phê mạnh mẽ, ta gọi là cà phê vối, để so sánh với thức uống bình dân quen thuộc xưa là nước nụ vối, hạt vối).
Cà phê Arabica được trồng ở châu Mỹ Latin, Đông Phi, Arabia và cả châu Á. Còn cà phê Robusta được trồng ở Tây và Trung Phi cũng như khắp Đông Nam Á và một phần tại Brazil.
Vùng đất trồng được cà phê gọi tên là dải hoặc vành đai cà phê (coffee belt) là nơi thích hợp nhất cho thứ cây này ở hai bên đường xích đạo.
Theo các tiêu chuẩn phân loại về môi trường và lao động, người ta có các loại: (1) cà phê thân thiện với chim chóc hoặc cà phê trồng trong bóng râm ((bird-friendly hoặc shade-grown coffee) sản xuất trong những vùng có bóng rợp tự nhiên của các cây to che chở trong thời gian phát triển; (2) cà phê hữu cơ (orgamic coffee) sản xuất theo sự chứng nhận nghiêm ngặt, và được trồng không có sử dụng những hóa chất trừ sâu độc hại hoặc phân bón nhân tạo; (3) cà phê quy ước (conventional coffee) trồng với việc sử dụng thuốc trừ sâu nhiều hơn bất cứ loại nông sản nào khác - theo sau là ngành trồng bông dệt vải; (4) cà phê mậu dịch công bình (fair-trade coffee) được trồng do những nhà sản xuất nhỏ, thường thuộc về những hợp tác xã, bảo đảm cho những hợp tác xã hoặc tổ hợp này một giá cả tối thiểu; tuy nhiên vì trong lịch sử thường là thấp, những giá hiện hành cho cà phê mậu dịch công bình thường thấp hơn giá cả của thị trường chỉ vào năm trước. Hai Tổ chức quy định các lề lối thực hành của cà phê mậu dịch công bình là tổ chức Transfair USA ở Mỹ và Fairtrade Foundation ở Vương quốc Anh.
Cà phê khi còn là một thứ thức uống tự nhiên, thổ sản thời Trung cổ tuy là đối tượng trao đổi, buôn bán nhưng rất hạn chế. Kể từ thế kỷ 17, khi truyền bá sang châu Âu và được xã hội hoan nghênh, nó trở thành sản phẩm có giá trị kinh tế. Từ đó cà phê được gắn liền với chế độ nô lệ và chế độ thực dân, khi người châu Âu bành trướng ra châu Mỹ (Tân thế giới) và khắp địa cầu.
Người ta tính ra từ năm 1511 đến 1886 hơn một triệu người da đen bị bắt cóc, mua chuộc, cưỡng bức đưa sang làm nô lệ ở Cuba trong các đồn điền mía để phục vụ cho kỹ nghệ sản xuất đường. Mía, bông và cà phê đã là những nông sản quan trọng trong việc thúc đẩy chế độ nô lệ. Khi cà phê tới Cuba, các địa chủ hoan nghênh vì cây cà phê cần ít diện tích đất và máy móc so với mía. Nhưng khung cảnh tù ngục ở đây đã khiến người da đen nổi loạn.
Cà phê được đưa vào vùng Caribbean và châu Mỹ Latin đầu thế kỷ 19 và phát triển thịnh vượng vì gặp được vùng đất rộng, màu mỡ, thích hợp, khí hậu tốt. Việc trồng cà phê gắn liền với việc buôn bán, lao động nô lệ, lao động trẻ em và những điều kiện khắc nghiệt ở các đồn điền.
Chế độ nô lệ không còn ở thế kỷ 20 và tư thế công dân của những nông dân và công nhân sống với ngành cà phê từ giữa thế kỷ 20 đã giành được sự công nhận của pháp lý. Tuy nhiên, nghịch lý về sự độc đoán của các nước tiêu thụ cà phê và các sàn giao dịch cà phê ở New York và London vẫn là một tàn tích của thời kỳ trước. Và các nước sản xuất cà phê có nhu cầu đoàn kết để bênh vực quyền lợi của mình đồng thời tranh thủ sự mậu dịch công bình trên toàn cầu.
(Còn tiếp)
Bình Nguyên
>> Bạn hiểu gì về cà phê ? - Hơn 500 tỉ ly cà phê được tiêu thụ mỗi năm
>> Bạn hiểu gì về cà phê? - Cà phê Việt Nam và triết lý khoảng lùi
>> Văn hóa cà phê Nhật Bản
>> Bạn hiểu gì về cà phê? - Ý: định danh với Espresso và Cappuccino
>> Bạn hiểu gì về cà phê? - Nguồn gốc cà phê Việt Nam
Bình luận (0)