Nghịch lý cao tốc phía nam

23/02/2022 04:39 GMT+7

Không chỉ là vùng kinh tế động lực quan trọng của cả nước, Vùng kinh tế trọng điểm phía nam và khu vực ĐBSCL còn là “cửa ngõ” kinh tế và cầu nối của Việt Nam ra thế giới .

Thế nhưng cả khu vực gồm 19 tỉnh, thành phố này tính tới thời điểm hiện tại chỉ có 3 tuyến cao tốc đang được khai thác với tổng chiều dài khoảng 150 km. Một con số hết sức khiêm tốn so với đóng góp của khu vực này trong tổng GDP cả nước, khiêm tốn so với tiềm năng và khiêm tốn so với hệ thống cao tốc ở khu vực Bắc bộ cũng như một số tỉnh, thành khác.

Nghịch lý này dẫn tới nghịch cảnh khác. TP.HCM - trung tâm kinh tế của đất nước, linh hồn của Vùng kinh tế trọng điểm phía nam nhưng gần bị biến thành “ốc đảo” bởi các cửa ngõ kết nối giữa TP.HCM với các tỉnh, thành xung quanh đều bị kẹt cứng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc di chuyển của người dân, đặc biệt là vận tải hàng hóa. Nghịch cảnh này lại dẫn tới nghịch lý tiếp theo, đó là cước phí vận chuyển nội bộ còn đắt hơn đi Mỹ, Pháp. Từ TP.HCM đi Vũng Tàu tốn kém hơn từ TP.HCM đi Singapore. Cũng vì cước phí quá cao, nhiều hàng hóa, đặc biệt là nông sản ở ĐBSCL bị giảm lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu. Thực ra vấn đề này đã được nói rất nhiều lần. Cao tốc khu vực Đông Nam bộ thiếu và yếu cũng đã được đưa ra nghị trường Quốc hội chất vấn ở không ít phiên họp... Thế nhưng tốc độ giải quyết không theo kịp những phát sinh mới. Hệ quả là số ki lô mét cao tốc ít ỏi, rời rạc ở khu vực phía nam hiện nay đã trở thành “thấp tốc” do lưu lượng xe quá lớn trong khi đường lại quá nhỏ. Dịp trước và sau Tết Nguyên đán vừa rồi, người dân đã rất vất vả để di chuyển từ TP.HCM về các tỉnh, thành và ngược lại. Đó là lý do có những người phải rút ngắn kỳ nghỉ lớn nhất trong năm, đi sớm để tránh kẹt xe, ùn tắc trên con đường trở về TP mưu sinh. Thế nhưng hành trình vất vả của họ vẫn lưu đầy khắp nơi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Đường cao tốc là một trong những yếu tố trọng yếu để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong giai đoạn phục hồi hiện nay. Thế nên ngay từ cuối năm 2021, hàng loạt dự án cao tốc khu vực phía nam đã được khởi động như cao tốc vành đai, cao tốc hướng tâm của TP.HCM; các tuyến cao tốc trục dọc phía đông và phía tây kết nối các tỉnh Đông Nam bộ với ĐBSCL; các tuyến trục ngang nội vùng ĐBSCL... Năm 2022 được mệnh danh là năm của đầu tư công, và ngay từ trong Tết Nguyên đán, ngành giao thông TP.HCM đã không nghỉ tết để hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, thúc đẩy các dự án trọng điểm đưa vào thực hiện. Chính quyền TP.HCM cũng vừa kiến nghị Chính phủ gỡ vướng về vốn, về thủ tục cho 13 dự án trọng điểm. Chủ trương, mục đích, ý chí... đều quyết liệt, đều thống nhất từ trung ương tới địa phương. “Chứ đi từ An Giang về TP.HCM bằng xe 4 chỗ còn mất hơn 10 tiếng đồng hồ thì lưu thông hàng hóa, vận chuyển nông sản còn tốn thời gian, chi phí, công sức đến bao nhiêu. Không giải quyết được bài toán giao thông thì các giải pháp hồi phục kinh tế rất khó hiệu quả”, như lời một người con của TP nhận định.

Nền kinh tế đang chờ đợi sự bứt tốc của những con đường, cây cầu để có thể phục hồi và tăng trưởng trở lại.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.