Nghịch lý của nền Bóng đá Trung Quốc

09/07/2012 15:34 GMT+7

(TNO) Các câu lạc bộ (CLB) bỏ ra rất nhiều tiền để chiêu mộ những ngôi sao bóng đá về thi đấu ở giải vô địch quốc gia, nhưng thành tích của đội tuyển Trung Quốc lại đi xuống trong thời gian gần đây. Đó là nghịch lý trong làng Bóng đá Trung Quốc.

(TNO) Các câu lạc bộ (CLB) bỏ ra rất nhiều tiền để chiêu mộ những ngôi sao bóng đá về thi đấu ở giải vô địch quốc gia nhưng thành tích của đội tuyển Trung Quốc lại đi xuống trong thời gian gần đây. Đó là nghịch lý trong làng Bóng đá Trung Quốc.

>> Seydou Keita rời Barcelona sang Trung Quốc
>> Drogba xác nhận chia tay Chelsea
>> Marcello Lippi sang Trung Quốc dẫn dắt CLB Quảng Châu Evergrande

Didier Drogba ký hợp đồng với Thân Hoa Thượng Hải
Drogba nhận lương 300.000 USD/tuần ở Thân Hoa Thượng Hải - Ảnh: Reuters

Seydou Keita và Didier Drogba là hai ngôi sao bóng đá mới nhất gia nhập giải Super League Trung Quốc. Keita vừa chấm dứt hợp đồng trước thời hạn với Barcelona đã được Đại Liên Aerbin mời về thi đấu.

Trong khi đó, Drogba là người sút thành công quả phạt đền mang về danh hiệu vô địch Champions League đầu tiên cho Chelsea. Chân sút người Bờ Biển Ngà có thể sẽ đến Trung Quốc trong tuần này để ra mắt ở CLB Thân Hoa Thượng Hải, nơi anh sẽ lĩnh mức lương 300.000 USD/tháng.

Drogba sẽ cùng với người đồng đội cũ tại Chelsea là Nicolas Anelka dẫn dắt hàng công của Thân Hoa Thượng Hải. Ngoài ra, đội bóng này còn có tiền vệ sáng tạo người Colombia Giovanni Moreno và được dẫn dắt bởi cựu HLV tuyển Argentina Sergio Batista.

Thân Hoa Thượng Hải không phải là đội bóng duy nhất chi những khoản tiền khổng lồ để thu hút các ngôi sao ở châu Âu. Đội bóng đang dẫn đầu giải Super League là Quảng Châu Evergrande cũng đã trải thảm đỏ để mời HLV từng đưa tuyển Ý giành chức vô địch World Cup 2006, Marcello Lippi về dẫn dắt.

HLV Marcello Lippi dẫn dắt Quảng Châu Evergrande
HLV Lippi dẫn dắt CLB Quảng Châu Evergrande - Ảnh: AFP

Sở dĩ bóng đá Trung Quốc thu hút được nhiều ngôi sao như vậy là nhờ vào nguồn tài chính hùng hậu từ các tập đoàn lớn ở nước này. Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến cho rằng việc làm này không có lợi về lâu về dài.

"Xu hướng chi tiêu mạnh tay trong các đội bóng Trung Quốc đã bắt đầu được vài năm. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng tình hình này sẽ không thích hợp về mặt lâu dài. Các đội bóng Trung Quốc khó lòng đương đầu với sức ép lớn về tài chính khi hầu hết chưa có được nguồn thu ổn định.

Chúng tôi vẫn thường nghĩ rằng việc các đội bóng chi tiêu mạnh tay sẽ giúp cho nền Bóng đá Trung Quốc nhanh chóng phát triển và đuổi kịp Nhật Bản hay Hàn Quốc. Tuy nhiên, đó là một quan niệm sai lầm", Lou Yichen, một bình luận viên bóng đá nổi tiếng ở Thượng Hải nói với phóng viên Reuters.

Trên thực tế, việc các đội bóng Trung Quốc mời được những ngôi sao nổi tiếng sang thi đấu chỉ tạo được tiếng vang một thời gian chứ không thể giúp nền bóng đá nước này có những bước tiến.

Đội tuyển quốc gia Trung Quốc
Đội tuyển Trung Quốc thi đấu không thành công tại vòng loại World Cup 2014 - Ảnh: Reuters

Hiện bóng đá Trung Quốc đang đứng thứ 68 trên bảng xếp hạng FIFA, sau cả những nền bóng đá như Haiti, El Salvador hay Sierra Leone. Đội tuyển quốc gia Trung Quốc thì thi đấu rất kém cỏi ở các giải đấu gần đây. Giấc mơ lần thứ hai có mặt ở giải vô địch thế giới của người Trung Quốc đã vỡ tan khi đội tuyển nước này bị loại sớm ở vòng loại World Cup 2014.

Chính vì vậy, có một số ý kiến cho rằng thay vì bỏ ra số tiền lớn để chiêu mộ những ngôi sao sắp hết thời thì các CLB nên đầu tư vào xây dựng những trung tâm đào tạo trẻ.

"Các ngôi sao bóng đá đến thi đấu tại Super League sẽ giúp nâng cao hình ảnh của Bóng đá Trung Quốc. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng việc đầu tư cho bóng đá trẻ mới là việc làm thiết thực", cựu tiền vệ của Thân Hoa Thượng Hải Fan Yun nhận định.

Tân Lam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.