Hôm nay 30.11, tại Trường ĐH Phenikaa (Hà Nội), Bộ GD-ĐT tổ chức tọa đàm lấy ý kiến góp ý dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học (ĐH) và sư phạm (sau đây gọi chung là mạng lưới ĐH) thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trong dự thảo Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến để hoàn thiện, phần mô tả hiện trạng mạng lưới ĐH, bộ này đã nhấn mạnh quy mô đào tạo STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học). Trong đó, đề cập nghịch lý đào tạo ĐH trong lĩnh vực này là những nơi tập trung phần lớn học sinh đạt giải quốc gia, quốc tế về toán và các môn khoa học cơ bản, tỷ lệ sinh viên STEM lại không cao.
80% sinh viên khối STEM đến từ Đông Nam bộ, đồng bằng sông Hồng
Theo Bộ GD-ĐT, trên bình diện chung, quy mô và tỷ lệ sinh viên ĐH theo học các lĩnh vực STEM (tính trên tổng số sinh viên) đang thấp hơn so với một số nước trong khu vực và châu Âu.
Tỷ lệ này của Việt Nam dao động trong khoảng từ 27 - 30%, cụ thể năm 2021 đạt xấp xỉ 28%. Trong khi đó (cũng số liệu năm 2021), tỷ lệ này của Singapore là 46%, Malaysia 50%, Hàn Quốc 35%, Phần Lan 36%, Đức 39%.
Riêng đối với các ngành khoa học tự nhiên và toán, tỷ lệ sinh viên theo học của Việt Nam chỉ đạt xấp xỉ 1,5%, bằng 1/3 so với Phần Lan, 1/4 so với Hàn Quốc và 1/5 so với Singapore và Đức.
Đáng chú ý, các trường ĐH thuộc vùng Đông Nam bộ có tỷ lệ sinh viên chọn học khoa học tự nhiên, toán và thống kê đạt 3,5%, gấp đôi so với vùng đồng bằng sông Hồng.
Nếu tính theo địa phương có sinh viên theo học, trong 10 địa phương có tỷ lệ sinh viên chọn học khoa học tự nhiên, toán và thống kê cao nhất thì có 9 tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long và một thành phố thuộc Đông Nam bộ (là TP.HCM). Trong danh sách 10 địa phương này không có tỉnh, thành phố nào nằm ở miền Bắc hoặc miền Trung, là nơi tập trung hầu hết các giải học sinh giỏi quốc gia, quốc tế về toán và các môn khoa học cơ bản.
Tuy nhiên, nếu mở rộng phạm vi thống kê thì vùng đồng bằng sông Hồng cũng là nơi có tỷ lệ sinh viên học STEM cao, 50,2% (chỉ đứng sau Đông Nam bộ, 58,2%). Nếu tính riêng sinh viên khối STEM của cả nước (căn cứ số sinh viên tuyển mới năm 2022), sinh viên 2 vùng Đông Nam bộ và đồng bằng sông Hồng chiếm 80%. Trong 30 trường ĐH có quy mô trên 6.000 sinh viên khối STEM, có 16 trường thuộc vùng đồng bằng sông Hồng và 10 trường thuộc vùng Đông Nam bộ.
Còn tỷ lệ sinh viên chọn học các lĩnh vực STEM tại các cơ sở đào tạo thuộc vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung và vùng đồng bằng sông Cửu Long chỉ đạt xấp xỉ 15%, trung du và miền núi phía bắc xấp xỉ 10% và vùng Tây nguyên chỉ xấp xỉ 2%.
Nhu cầu thị trường quyết định thu hút thí sinh chọn ngành học
Bộ GD-ĐT nhận định, tỷ lệ sinh viên chọn học khối STEM (theo từng địa phương có sinh viên đi học cũng như theo địa phương nơi có trường đào tạo STEM) có sự tương quan mạnh với mức độ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và vùng; có sự tương quan giữa tỷ lệ sinh viên học STEM với mức thu nhập bình quân đầu người của các địa phương.
Điều này cho thấy, nhu cầu của thị trường lao động có tính quyết định tới việc thu hút thí sinh chọn ngành học. Bản chất mối quan hệ này là tương tác hai chiều, từ gia tăng nhu cầu nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội sẽ dẫn tới gia tăng tỷ lệ người theo học các ngành STEM. Ngược lại, việc gia tăng lực lượng lao động được đào tạo trình độ cao trong các lĩnh vực STEM sẽ dẫn tới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và tăng trưởng thu nhập cho người dân.
Minh chứng tiêu biểu cho nhận định trên là trường hợp Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình. Năm 2022, đây là 3 tỉnh có tỷ lệ sinh viên nhập học STEM cao nhất toàn quốc (Hưng Yên 44,6%, Hải Dương 42,6% và Thái Bình 41,2%), trong khi mức thu nhập bình quân đầu người chỉ đứng ở vị trí ngoài top 10. Nhưng Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình đang có tốc độ tăng trưởng khá hàng năm, đây là yếu tố tác động đáng kể tới việc tăng sinh viên học STEM của các địa phương này.
Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp ngoại lệ trong "bức tranh" tương quan chung. Chẳng hạn, 4 địa phương có mức thu nhập bình quân đầu người cao nhất toàn quốc nhưng lại có tỷ lệ nhập học STEM ở mức trung bình (Bình Dương 30%, TP.HCM 34,6%, Hà Nội 31,3% và Đồng Nai 31,6%).
Theo lý giải của Bộ GD-ĐT, kinh tế của các địa phương này phụ thuộc rất nhiều vào lực lượng lao động từ địa phương khác tới. Bên cạnh đó, ở những địa phương có mức thu nhập cao, tỷ lệ học sinh giỏi các môn khoa học cơ bản chọn đi du học nước ngoài khá lớn cũng dẫn tới tỷ lệ theo học trong nước các ngành STEM không cao.
Bình luận (0)