Trong đó, nhà ở công nhân là 2,7 triệu m2 tương đương 54.000 căn hộ. Nhà ở xã hội (NOXH) cho người thu nhập thấp đô thị là 4,6 triệu m2 với 92.500 căn hộ.
Cả nước hiện đang tiếp tục triển khai 339 dự án NOXH, nhưng tốc độ triển khai rất chậm. Riêng tại TP.HCM, giai đoạn từ năm 2016 - 2020, có 23 dự án NOXH đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, cung ứng cho thị trường khoảng 17.900 căn hộ trong khi theo ước tính, nhu cầu về NOXH trong giai đoạn này là khoảng 80.000 căn… Nghịch lý là trong khi NOXH bị thiếu thì nhiều quỹ đất công của TP.HCM cũng bị bỏ hoang nhiều năm vì vướng thủ tục. Ví dụ khu đất hơn 20,2 ha ở Q.9 trước đây được TP giao cho Khu công nghệ cao TP.HCM quản lý và dùng vào việc xây nhà ở cho những người đang làm việc tại đây. Nhưng sau đó nhu cầu thay đổi, nơi đây không còn dùng quỹ đất này để xây nhà mà chuyển về cho TP. Đã có nhiều đề xuất lấy quỹ đất này làm NOXH nhưng đến nay các thủ tục để chuyển đổi, cơ chế thực hiện vẫn chạy “lòng vòng”.
Cần khuyến khích phát triển nhà ở xã hội cho thuê để thay thế các dãy nhà trọ tự phát, thiếu vệ sinh |
LÊ Thanh |
Bên cạnh đó, TP.HCM vẫn còn hơn 9.000 căn hộ tái định cư và hơn 2.000 nền đất chưa sử dụng. Trong đó, nhiều nhất nằm tại khu tái định cư Thủ Thiêm (TP.Thủ Đức) và khu tái định cư Vĩnh Lộc B (H.Bình Chánh). Thậm chí TP đã phân bổ cho các quận, huyện để đưa vào sử dụng nhưng vẫn còn nhiều khu bỏ hoang. Chẳng hạn vào năm 2020, UBND TP.HCM cũng đã phân bổ 3.656 căn hộ và nền đất cho các quận, huyện để phục vụ tái định cư. Nhưng sau đó một năm, tính đến tháng 3.2021, các quận, huyện chỉ phân bố được 345 căn hộ và nền đất, đạt tỷ lệ 9,4%. Sở dĩ số căn hộ, nền đất tái định cư chưa được người dân “chào đón” bởi căn hộ xuống cấp, xa nơi giải tỏa, người dân mong muốn nhận tiền mặt để tự ổn định chỗ ở…
Cũng có nhiều ý kiến cho rằng TP nên chuyển số nhà tái định cư bỏ hoang nói trên thành NOXH để đáp ứng nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển phân tích trên thực tế nhiều người dân không mặn mà với NOXH ở các dự án trước đây. Bởi lẽ mong muốn của nhiều người là sau khi mua một căn nhà, nếu khi cần họ bán đi thì giá trị nhà phải được đảm bảo và sinh lời. Nhưng đối với nhiều người, NOXH đồng nghĩa là nhà chất lượng thấp, thiếu tiện ích, chức năng. Cụ thể, đối với nhiều gia đình trẻ hiện nay thì mua căn hộ phải có thang máy, có nhà trẻ, cây xanh xung quanh. Song song đó, khi nói được hỗ trợ mua NOXH thì họ kỳ vọng ví dụ thị trường định giá căn hộ là 1,5 - 2 tỉ đồng thì họ sẽ được mua chỉ khoảng 1 tỉ đồng/căn. Trong khi đó, nhà ở tái định cư cũng là một dạng NOXH thì hiện nay ở TP.HCM vẫn bỏ trống khá nhiều vì ở vị trí quá xa xôi, lại không đảm bảo tiện ích, mau hư hỏng… Vì vậy trước mắt, chuyên gia Đinh Thế Hiển cho rằng nên khuyến khích các doanh nghiệp tham gia phát triển chung cư NOXH theo hướng cho thuê nhưng vẫn đảm bảo đầy đủ tiện ích cho cuộc sống người dân. Căn hộ cho thuê sẽ đáp ứng được nhu cầu nhà ở cho công nhân ở các khu công nghiệp để thay thế các dãy nhà trọ tự phát, thiếu vệ sinh. Hơn nữa, sự dịch chuyển của lao động ở các đô thị lớn vốn xuất thân từ nhiều tỉnh thành cũng sẽ phù hợp với việc thuê ở trong giai đoạn ngắn hơn là mua. Những căn hộ có thang máy, nhà trẻ… thì giá thuê hằng tháng sẽ cao hơn nhà trọ bình thường nên nhà nước khuyến khích bằng cách vẫn có chính sách hỗ trợ về thuế, lãi vay cho cả chủ đầu tư lẫn người thuê để giảm giá thuê nhà hằng tháng.
“Các dự án NOXH mà bóp diện tích, không có tiện ích gì thì dù nói giá thấp là 800 triệu - 1 tỉ đồng người mua cũng không thích. Rồi vì chất lượng thấp nên sau một thời gian họ sợ mau xuống cấp hơn nhà ở thương mại. Vì vậy có khi họ suy nghĩ thà để dành, vay mượn thêm để mua nhà ở thương mại lên khoảng 1,5 - 2 tỉ đồng nhưng sau đó bán lại sẽ có lời. Còn lúc ở thì gia đình, con cái sẽ thoải mái. Nếu thật sự có NOXH mà giá bán có sự hỗ trợ với chất lượng không thua kém nhà ở thương mại thì người lao động mới quan tâm. Chính vì vậy bên cạnh phát triển NOXH để bán thì cũng đẩy mạnh phân khúc này để cho thuê”, chuyên gia Đinh Thế Hiển chia sẻ thêm.
Bình luận (0)