Vô địch Olympic cũng phải tự tháo lắp bia giấy
Trường bắn Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội (gọi tắt là Nhổn, nơi diễn ra Cúp bắn súng) nghèo nàn, cũ kỹ, tường lở, bong tróc từng mảng; trang thiết bị phục vụ thi đấu vô cùng lạc hậu. Từ bệ bắn (gọi là bệ cho sang chứ chỉ là một cái bàn bằng sắt đã tróc sơn) đến bia bắn được nối bằng các sợi cáp mảnh. VĐV phải tự gắn tờ bia giấy vào khung bia rồi bấm nút để khung bia trượt theo sợi cáp, trôi ra khu vực bắn. Bắn xong, lại bấm nút để khung bia trôi về phía mình.
Ngày thi đấu đầu tiên của giải, gió hơi to nên đã xảy ra nhiều cảnh dở khóc dở cười. Lúc bắn thử, tờ bia giấy tuột ra khỏi khung bia, khiến xạ thủ Lê Doãn Cường (Bộ Công an) phải dùng tay kéo sợi cáp, gỡ bia thay bằng bia khác. Lúc thi thật, đến lượt nhà vô địch Olympic Hoàng Xuân Vinh (Quân đội) cũng lâm vào tình trạng tương tự. Anh lắc đầu ngao ngán nhìn tờ bia giấy bay phần phật. Còn xạ thủ Tô Văn Tuyển (Hà Nội) đang thi phải dừng lại khoảng vài phút vì bia giấy không có kẹp nên rơi ra khỏi khung bia.
Theo ông Trần Đức Phấn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, ngành đã nhiều lần đề xuất việc chuyển đổi trường bắn sử dụng bia giấy sang bia điện tử nhưng không được cũng vì vấn đề tài chính. Trong đề án đăng cai SEA Games 31 năm 2021 (sửa đổi lần 4), khoản kinh phí để xây dựng lại trường bắn theo quy mô hiện đại, có bệ bắn điện tử, lên đến 200 tỉ đồng - số tiền quá lớn với ngân sách ngành, nếu không xã hội hóa thì giấc mơ bia điện tử khó thành hiện thực.
Tập chay, thi đấu theo luật cũ vì thiếu đạn
|
Là giải đấu quan trọng nhưng Cúp bắn súng không đủ đạn cung cấp cho các VĐV. Trọng tài Cung Bỉnh Di nói: “Vì thiếu đạn nghiêm trọng nên giải phải dùng luật thi đấu cũ, trong khi SEA Games, Asiad, Olympic đã dùng luật mới. Vào bài chung kết, mỗi VĐV thay vì bắn 24 viên như quy định của luật mới thì chỉ được bắn 10 viên thôi”.
Tình trạng thiếu đạn trầm trọng của bắn súng VN đã kéo dài từ rất nhiều năm nay. HLV Hồ Thanh Hải (Quân đội) cho hay VN cũng có thể tự sản xuất được đạn nhưng là đạn dùng trong quân sự chứ không phải đạn thể thao. Bà Nguyễn Thị Nhung, HLV trưởng đội tuyển VN, Tổng thư ký Liên đoàn Bắn súng VN, chia sẻ: “Đến nay liên đoàn cũng chưa biết cách giải quyết thế nào mà mới chỉ có cách là gửi các VĐV trọng điểm ra nước ngoài tập huấn. Như Xuân Vinh, Quốc Cường đi Hàn Quốc, Thái Lan hay Mỹ. Do hạn chế đạn nên nhiều VĐV phải tập chay. Đạn sẽ được tiết kiệm để ưu tiên cho một số giải quốc nội trước SEA Games 29 vào tháng 8”.
“Chúng tôi đã và đang nỗ lực hết sức”
Trả lời báo chí, ông Vương Bích Thắng, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, thừa nhận: “Việc mua đạn dành cho súng thể thao là rất khó bởi phải tuân thủ các quy trình thủ tục khá phức tạp vì đạn và súng thuộc danh mục về vũ khí nói chung”.
Ông Thắng cũng cho biết Tổng cục TDTT đã trình Bộ VH-TT-DL và các bộ, ngành liên quan, đề xuất xin mua đạn thể thao trong năm 2017. Tổng cục TDTT là đầu mối tổng hợp số lượng đặt mua từ đội tuyển và các đội bắn súng ở từng địa phương, sau đó tổ chức đấu thầu tìm nhà thầu đủ năng lực cung cấp. Khi có nhà thầu, Tổng cục phải xác nhận lại lần cuối cùng số lượng đạn mà đội tuyển và các địa phương đặt mua trước đó, rồi chuyển tới lãnh đạo cao hơn để phê duyệt. “Đạn cho thể thao chỉ được đặt mua trong một năm chứ không mua trước. Vì vậy, mỗi năm sẽ có một quy trình cụ thể nên cần thời gian phê duyệt”, ông Thắng nói.
tin liên quan
Hoàng Xuân Vinh dễ dàng đoạt HCV Cúp bắn súng quốc giaRất đông phóng viên đã có mặt tại trường bắn Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội (Nhổn) để chứng kiến nhà vô địch Olympic 2016 Hoàng Xuân Vinh thi đấu nội dung 50m súng ngắn bắn chậm vào sáng ngày 5.4 tại Cúp bắn súng quốc gia 2017.
Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định: “Trong những đề xuất của Tổng cục TDTT, đề xuất nào mang tính cấp thiết như đạn dược, lãnh đạo Bộ sẽ đặc biệt chú ý và xem xét”. Cũng theo quan điểm của lãnh đạo ngành, cần phải có những cơ chế đặc biệt từ phía Chính phủ cũng như một số bộ, ngành để việc nhập khẩu các trang thiết bị liên quan đến bắn súng trở nên đỡ phức tạp hơn.
Bình luận (0)