Kén việc
Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh - Xã hội (LĐ-TB-XH) tỉnh Thừa Thiên - Huế, từ cuối năm 2008 đến nay, đã có hơn 1.800 lao động mất việc làm. Những người này trở về địa phương làm gia tăng đáng kể số người thất nghiệp.
Tại phiên giao dịch việc làm lần thứ 16 của Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh, có 22 doanh nghiệp trực tiếp đến sàn phỏng vấn, tuyển chọn lao động với 1.673 việc làm trong, ngoài tỉnh và xuất khẩu lao động với các ngành nghề: kinh tế, kế toán, công nghệ thông tin, điện, xây dựng, kiến trúc, cơ khí, nông nghiệp, thợ may, thêu, bán hàng... Nhu cầu lao động đến tìm việc tại sàn đông nhưng lại rất ít người được tuyển dụng.
Kết quả, chỉ có 341 lượt lao động được sơ tuyển (lao động phổ thông 22; sơ cấp nghề 41; trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, trung cấp nghề 147; cao đẳng và đại học 131). Nhiều doanh nghiệp suốt từ sáng đến chiều không có một lao động nào đến xin việc, hoặc có thì cũng chỉ một vài người đến xem chiếu lệ rồi lại ra về, cho dù công ty đó có trụ sở ngay tại Huế.
Trước thực trạng này, ông Nguyễn Duy Thông, Giám đốc trung tâm cho biết: "Các doanh nghiệp đến tham gia tuyển dụng lao động ở Sàn giao dịch việc làm ngày càng nhiều. Tuy nhiên, số lượng lao động được sơ tuyển lại còn quá ít. Nguyên nhân của tình trạng này không chỉ xuất phát từ yêu cầu của doanh nghiệp, mà phải kể đến nguyên nhân là người tìm việc cũng quá kén chọn công việc".
Tìm đâu người có kinh nghiệm?
Nằm trong hệ thống đào tạo đại học khá lớn của cả nước, ước tính mỗi năm, ĐH Huế có hơn 7.000 sinh viên ra trường, chưa tính các trường CĐ, trung cấp nghề và lao động phổ thông. Rất nhiều người trong số sinh viên này phải bôn ba sang các tỉnh khác để tìm việc.
Trong khi có nhiều lao động chấp nhận làm trái ngành mình đã học, thì vẫn còn rất nhiều người cố đi tìm cho mình một công việc đúng ngành đã được đào tạo. Với những người này, khi chưa tìm được công việc đúng ngành, họ sẵn sàng chấp nhận thất nghiệp chứ không chịu làm việc tạm thời. Việc trả lương chưa tương xứng giữa công việc và trình độ cũng khiến các lao động thờ ơ trước các thông tin tuyển dụng.
Trương Thị Hoa, tốt nghiệp chuyên ngành Kế toán trường ĐH Kinh tế Huế tâm sự: "Đến sàn giao dịch việc làm, mình muốn kiếm được một công việc ổn định phù hợp với trình độ. Thấy một số công ty có tuyển dụng vị trí kế toán, nhưng lại dành cho bậc trung cấp với mức lương 700.000 - 800.000 đồng/tháng. Tốt nghiệp ĐH, nhưng lại nhận bậc lương trung cấp, trong lúc vật giá đắt đỏ, thấy không thể đủ chi tiêu cho mình nên không muốn nộp hồ sơ, chờ xin việc ở nơi khác vậy".
Bên cạnh việc đòi hỏi các lao động phải có trình độ, tay nghề, các doanh nghiệp tuyển dụng còn đưa ra tiêu chí "số năm kinh nghiệm". Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều lao động không tìm được việc làm. Thử hỏi, một sinh viên mới ra trường thì làm sao có được mấy năm kinh nghiệm? Các nhà tuyển dụng vẫn biết rằng, đối với những sinh viên mới tốt nghiệp thì đòi hỏi điều này rất khó.
Song, không mấy doanh nghiệp dám "mạo hiểm" với những kế hoạch của công ty mình để tuyển một sinh viên mới ra trường. Một đại diện tham gia tuyển dụng của Công ty TNHH tư vấn, thiết kế và xây dựng KK cho hay: "Rất nhiều người tham gia tuyển dụng vào công ty đáp ứng được yêu cầu đầu tiên mà công ty đưa ra là tốt nghiệp trình độ gì. Song, khi chúng tôi đưa ra một số câu hỏi về kinh nghiệm của các ứng viên trong lĩnh vực mà họ tham gia, thì không mấy ai đáp ứng được".
Chính vì sự lệch pha này mà có không ít lao động vẫn chịu cảnh chờ việc, còn các công ty thì vẫn thiếu lao động.
Minh Phương
Bình luận (0)