"Cơn bão" huy chương
Đêm 7.10, tại Nhà hát TP.HCM diễn ra lễ trao giải và bế mạc Hội diễn Sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2009. Một đêm "bão huy chương" khi có đến 123 giải thưởng ồ ạt trút xuống 27 vở diễn sau 10 ngày hội diễn.
Cả khán phòng nhốn nháo, "chạy trời không tránh được... huy chương" (!). Ngạc nhiên. Ngỡ ngàng. Sốc. Từ diễn viên mới toanh vừa vào nghề cho đến những nghệ sĩ thâm niên, từ những vở diễn tiếng tăm lẫn những vở chỉ tham dự cho vui... tất thảy đều rủng rỉnh có vàng, có bạc.
Các nhà báo thảng thốt nói với nhau: "Hễ ai tham gia là bắt buộc phải lãnh... huy chương". Có người nói tếu: "Bão số 9 ảnh hưởng đến hội diễn, gây ra... mưa huy chương". Trong lúc đó, tiếng thúc giục của ban tổ chức khẩn thiết gióng lên: "Đề nghị những người được nêu tên nhanh chóng bước lên sân khấu vì danh sách nhận giải thưởng vẫn còn... đông lắm" (!).
|
Lúc xướng danh nghệ sĩ đoạt giải, có những diễn viên trẻ nhảy cẫng lên vui sướng khi nghe tên mình, nhưng sau đó, lúc ngồi xuống thì ngơ ngác, không hiểu tại sao mình có huy chương. Còn những nghệ sĩ tên tuổi thì bước lên bục nhận giải cố giữ vẻ điềm tĩnh cần thiết cho tròn vai, cho đúng mực, dù rằng "người ngoài cười nụ người trong khóc thầm". Huy chương thì... vàng thật đấy, nhưng có tới... 42 huy chương vàng. Từ con số 42 huy chương đó, cả nghệ sĩ tên tuổi đến diễn viên mới tập tành vào nghề đều như nhau, đều được bỏ chung vô một "giỏ", ai cũng "vàng" như nhau...
Có lẽ đêm ấy, rất nhiều nghệ sĩ đã ra về với đầy tâm trạng. Huy chương vàng đúng ra chỉ dành cho người xứng đáng nhất, người đã đổ mồ hôi và tâm sức vươn đến sự sáng tạo nhất. Một ban giám khảo thật sự chuyên nghiệp sẽ phải nhận ra, phải tôn vinh xứng đáng và đúng người cho giá trị cống hiến đó. Một giải thưởng thuyết phục không chỉ mang đến vinh dự cho người nhận giải, mà còn là ước mơ để bao người phấn đấu vươn tới, bởi nghệ thuật đích thực luôn có những chuẩn mực khắt khe của nó. Đằng này, có đến 42 huy chương vàng và 63 huy chương bạc, tràn ngập tới mức có cảm giác là ban giám khảo vốc huy chương mà vãi xuống.
Về cơ cấu, nhiều giải thưởng được "đẻ" ra không hiểu từ những tiêu chuẩn nào. Ví dụ, giải Vở diễn có những tìm tòi trong loại hình kịch thơ, giải Vở diễn có những tìm tòi trong loại hình kịch lịch sử, giải Vở diễn có những tìm tòi về nghệ thuật biểu diễn trên sân khấu nhỏ... là những cái tên mà khi nó chưa được ban giám khảo công bố thì không ai có thể hình dung đến.
Đêm 7.10, rất nhiều diễn viên trẻ, sinh viên trường nghệ thuật từng bỏ thời gian theo dõi suốt mùa hội diễn đã đến Nhà hát TP để được tận mắt chứng kiến giây phút tôn vinh những giá trị nghệ thuật mà các em đang ước mơ, đang theo đuổi. Thế nhưng sau cơn mưa huy chương đó, các em sẽ biết nhìn nhận thế nào, biết tin đâu là sự công bằng, đâu là sự cống hiến, đâu là những chuẩn mực nghệ thuật thực sự?
Theo tôi quan sát, hội diễn lần này là một cuộc chơi mà các nghệ sĩ từ Nam chí Bắc đều thể hiện tinh thần fairplay. Nhưng rất tiếc, chúng ta đã có một ban giám khảo và một ban chỉ đạo hội diễn không fairplay. Tôi thấy thương các đồng nghiệp của mình quá. Họ đã xả thân, nhưng tất cả đều bị lừa gạt. (NSƯT Thành Lộc)
Tôi thấy chuyện mưa huy chương này có gì mới đâu. Lần nào cũng vậy mà. (NS Xuân Hương) Nghệ sĩ nào đoạt giải này đều được khán giả và xã hội thừa nhận. Khi đoạt giải Thanh Tâm, nghệ sĩ sẽ được nhiều đoàn mời ký hợp đồng với thù lao rất cao, bởi họ đã trở thành ngôi sao thực thụ. Vì thế, diễn viên luôn phải luyện hát và diễn thật giỏi để mong đoạt giải thưởng cao quý này, hòng thay đổi cuộc đời, thay đổi số phận. (Diễn viên Lê Bình) |
Còn không, những giải thưởng danh giá? Đỗ Tuấn |
Quang Thi
Bình luận (0)