Là trò chơi ngay trên không gian công cộng của truyền thông. Là đơn giản đến mức, hai người không quen biết, chưa từng gặp mặt, chưa từng hẹn hò, cứ thế xáp vô là hôn. Để nghe “rung động” con tim. Để cảm nhận mùi hương, vị son môi... Và còn trừu tượng hơn nữa, là “hôn để cảm nhận tình yêu” như lời một người chơi bày tỏ.
Cứ phải nói thẳng, nói ngay và luôn, rằng những cú va chạm thân thể kiểu ấy, dù có cố phủ lên lắm thứ mỹ từ biểu cảm tâm lý cao siêu, thì bản chất cũng chỉ là một thứ nhục cảm thể xác mà thôi. Đừng nhân danh tình yêu hay thứ tình cảm bí ẩn thiêng liêng nào khác của đời sống con người để biện minh cho một trò chơi mà ở đó con người được khích lệ tìm đến nhau thông qua những va chạm thể xác thuần túy. Nhục cảm thể xác không có gì xấu cả, thậm chí nếu nó đi cùng với tình yêu thì sẽ trở nên rất đẹp, rất thiêng liêng. Nhưng nhục cảm thể xác chẳng nên trở thành “người hoa tiêu thần thánh” dẫn đường cho tình yêu. Nhân loại cần bao đời để học nên bài học ấy?
Chưa kể, cuộc chơi nghe có vẻ thiêng liêng gắn với nhu cầu tìm kiếm sự rung động, sự ấm áp từ một người bạn khác phái thì bỗng nhiên trở thành dễ dãi đến mức ngay trong màn chơi tiếp theo sẽ hôn say đắm người khác. Sao mà sự rung động, ấm áp lại có thể có được qua những màn hôn hít lang chạ như thế?
Ý kiến cá nhân, dù có thể là của số đông người Việt, nhưng biết đâu cũng có người coi đó là một lối sống. Nhân danh đạo đức để chỉ trích lối sống đó đôi khi cũng là cực đoan và thiếu nhân văn. Con người, trên con đường tìm kiếm hạnh phúc riêng tư cho mình, có thể chọn đi những con đường rất lạ so với chuẩn mực chung của xã hội. Điều đó luôn được tôn trọng.
Nhưng cái đáng bàn, và không bao giờ được phép bỏ qua trong chuyện này, là tại sao những thứ trò chơi như thế lại dễ dàng hiện diện phổ biến như một thứ bệnh dịch trong đời sống của người Việt chúng ta bây giờ, được khích lệ như một kiểu chơi thời thượng?
Nhưng trước khi trách những nhà sản xuất chương trình du nhập văn hóa vô tội vạ, ném vào xã hội VN những thứ game show trái ngược với thuần phong mỹ tục, thì cũng cần nhắc lại rằng, kể cả những trò chơi có thể rất hồn nhiên của học trò hôm nay kiểu “chuyền thẻ bằng mặt” mà dư luận đang có ý kiến nhiều chiều, sẽ là nền tảng, thước đo văn hóa cho lứa tuổi thanh niên kiểu game show “Hẹn và hôn”.
Hẳn nhiên không đơn giản để kiểm soát như cách kiểm soát với một chương trình truyền hình phát trên các kênh chính thống, nhưng cơ quan quản lý văn hóa cũng cần đặt ra những biện pháp phù hợp để cảnh báo trước những trào lưu văn hóa rẻ tiền, hủy hoại những giá trị truyền thống nền nã.
Chúng ta cần những thiết chế văn hóa đủ nghiêm khắc, để cảnh tỉnh nhau rằng, phải nghiêm túc ngay cả khi chơi!
Bình luận (0)