Phập phồng lo lãi suất tăng

27/08/2018 05:07 GMT+7

Tuần qua, một số ngân hàng tăng lãi suất huy động khiến nhiều doanh nghiệp lo ngại lãi suất cho vay sẽ bị điều chỉnh tăng thêm, trong khi hoạt động kinh doanh đang bắt đầu vào mùa cao điểm.

Có nhiều lý do dẫn tới động thái tăng lãi suất hiện nay.
Một số ngân hàng (NH) căng thẳng thanh khoản nên phải tăng lãi suất huy động để hút vốn; có nhà băng sợ khách hàng rút tiền đồng đổi sang USD khi tỷ giá tăng khá mạnh đợt vừa rồi thì tăng lãi suất để giữ chân; cũng có nhà băng tăng lãi vay kỳ hạn dài để chuẩn bị vốn khi quy định giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn về còn 40% có hiệu lực vào đầu năm 2019...
Lý do thì nhiều nhưng bất kể là lý do gì thì tăng lãi suất đầu vào thường đi cùng với việc tăng lãi suất đầu ra thì NH mới đảm bảo kế hoạch lợi nhuận. Nên dù lãi suất huy động mới tăng trên quy mô không lớn nhưng cũng khiến các doanh nghiệp (DN) thấp thỏm không yên.
Giám đốc một DN tại TP.HCM cho biết, theo hợp đồng vay vốn của công ty ông với một NH, cứ 3 tháng sẽ điều chỉnh lãi suất một lần tùy theo tín hiệu thị trường. Từ đầu năm đến nay, lãi vay về cơ bản khá ổn định. Cuối tháng 9 này tới kỳ điều chỉnh tiếp theo nên ông đang hồi hộp lo khoản vay của công ty ông sẽ bị điều chỉnh tăng thêm vì nhà băng nơi ông vay vốn cũng vừa mới nhích lãi suất huy động lên. Không chỉ hợp đồng cũ lo, các hợp đồng vay mới còn thấp thỏm hơn. Quý 4 là thời điểm các công ty chuẩn bị hàng phục vụ dịp cuối năm nên nhu cầu vay vốn rất lớn. Nếu lãi vay tăng, sẽ gây áp lực lên giá thành. Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt hiện nay, tăng giá bán là điều tối kỵ đối với bất cứ DN nào.
Mà đâu chỉ có lãi suất, từ nay đến cuối năm, DN còn đối mặt với rất nhiều yếu tố có nguy cơ ảnh hưởng đến sức mua hàng Việt. Đầu tiên là cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng căng thẳng. Với việc bị áp thuế cao ở Mỹ, hàng Trung Quốc được dự báo sẽ tìm đường tràn vào các nước xung quanh, trong đó có VN.
Cạnh tranh với hàng Trung Quốc chưa bao giờ là bài toán dễ dàng với các DN nội địa và tới lúc này cũng vậy. Thứ hai là giá cả nhiều mặt hàng thực tế đã tăng dưới áp lực tỷ giá tăng thời gian vừa qua. Nếu lãi suất đầu vào - đầu ra đều tăng thì bài toán đối với người tiêu dùng là có tiền gửi tiết kiệm hưởng lãi cao thay vì mua hàng hóa, dịch vụ với giá mắc hơn. Hoặc nếu có mua, sẽ chọn hàng giá rẻ, cơ hội cho hàng Trung Quốc và hàng ngoại giá mềm chiếm lĩnh thị trường nội địa.
Thông thường hằng năm, quý cuối cùng là quý được kỳ vọng nhiều nhất. Thậm chí với không ít DN, quý này còn "gánh" cho cả 3 quý trước về doanh số và lợi nhuận. Thế nên lúc này, nhiều DN cho biết họ mong nhất là lãi vay ổn định để có thể tính toán, cân đối vốn liếng, chi phí đầu vào - đầu ra bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh cuối năm không quá chật vật.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.