Nghiên cứu lập Hội đồng Tư pháp quốc gia, Chủ tịch nước làm Chủ tịch hội đồng

21/02/2023 09:26 GMT+7

TAND tối cao đề xuất nghiên cứu thành lập Hội đồng Tư pháp quốc gia, theo hướng Chủ tịch nước là Chủ tịch hội đồng, Chánh án TAND tối cao là Phó chủ tịch hội đồng.

TAND tối cao đang chủ trì xây dựng dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Tổ chức tòa án năm 2014. Cơ quan này đưa ra 6 nhóm chính sách lớn, trong đó đề xuất nghiên cứu thành lập Hội đồng Tư pháp quốc gia.

Nghiên cứu lập Hội đồng Tư pháp quốc gia, Chủ tịch nước làm Chủ tịch hội đồng - Ảnh 1.

Trụ sở TAND tối cao

TAND TỐI CAO

Theo định hướng do TAND tối cao đưa ra, Hội đồng Tư pháp quốc gia sẽ do Chủ tịch nước là Chủ tịch hội đồng, Chánh án TAND tối cao là Phó chủ tịch hội đồng.

Các thành viên gồm đại diện lãnh đạo một số ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Quốc phòng, Văn phòng Chủ tịch nước, Ban Chấp hành T.Ư Hội Luật gia Việt Nam, TAND tối cao, Tòa án quân sự T.Ư và các chánh án TAND cấp cao.

Hội đồng Tư pháp quốc gia có nhiệm vụ xây dựng chiến lược phát triển TAND; xây dựng chế độ, chính sách cho thẩm phán TAND và các chức danh tư pháp khác; thực hiện việc tuyển chọn, giám sát, khen thưởng, kỷ luật thẩm phán TAND.

TAND tối cao cho hay, việc xây dựng chiến lược tổng thể cho sự phát triển của hệ thống tòa án trong từng giai đoạn và xây dựng chế độ, chính sách cho thẩm phán TAND cũng như các chức danh tư pháp là nhiệm vụ quan trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển cũng như hiệu quả hoạt động của các tòa án.

Tuy nhiên, pháp luật hiện nay chưa có quy định cụ thể về cơ chế thực hiện làm ảnh hưởng đến sự phát triển, hiệu quả hoạt động của các tòa án trong tiến trình phát triển chung của đất nước.

Vì vậy, việc thành lập Hội đồng Tư pháp quốc gia sẽ thu hút sự quan tâm của công chúng đối với các chiến lược phát triển của tòa án do một thực thể có thẩm quyền, tồn tại độc lập, khách quan; tạo sự minh bạch trong tổ chức và hoạt động của tòa án.

Điều này cũng giúp hoàn thiện quy định pháp luật về cơ chế xây dựng chiến lược tổng thể cho sự phát triển của hệ thống tòa án và chế độ, chính sách cho thẩm phán cùng các chức danh tư pháp; đáp ứng yêu cầu thực tiễn và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Đồng thời, chế định mới còn giúp bảo đảm tính độc lập và hiệu quả hoạt động của tòa án; bảo đảm chiến lược phát triển toàn diện, bền vững; tạo lập các nguồn lực cần thiết cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tòa án.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.