Nghiên cứu mới: Ăn sáng - bỏ ăn sáng, điều gì tốt cho sức khỏe?

Thiên Lan
Thiên Lan
06/03/2023 00:07 GMT+7

Theo một nghiên cứu gần đây của Trường Y Icahn ở Mount Sinai (Mỹ), được công bố trên tạp chí nghiên cứu về miễn dịch Immunity journal, việc bỏ ăn sáng có thể làm tổn hại hệ thống miễn dịch của bạn.

Nghiên cứu trên chuột cho thấy các tế bào miễn dịch di chuyển từ máu đến tủy xương trong quá trình nhịn ăn và tăng trở lại khi cho ăn lại.

Nghiên cứu mới làm sáng tỏ ăn sáng hay bỏ bữa sáng thì tốt cho sức khỏe? - Ảnh 1.

Bỏ ăn bữa sáng có thể làm tổn hại hệ thống miễn dịch của bạn

SHUTTERSTOCK

Mặc dù ngày càng có nhiều người đề cao việc nhịn ăn vì những lợi ích sức khỏe của nó, nhưng nghiên cứu này đưa ra lời cảnh báo rằng nhịn ăn cũng có thể gây ra rủi ro cho sức khỏe, tác giả chính, tiến sĩ Filip Swirski, Giám đốc Viện Nghiên cứu Tim mạch tại Icahn Mount Sinai, cho hay.

Các nhà nghiên cứu đã phân tích 2 nhóm chuột. Một nhóm ăn sáng ngay sau khi thức dậy và nhóm còn lại không ăn sáng. Họ đã thu thập mẫu máu của cả hai nhóm vào 3 thời điểm: Ngay khi thức dậy, 4 giờ sau và 8 giờ sau.

Các nhà nghiên cứu muốn theo dõi sự thay đổi về số lượng của các tế bào đơn nhân - là những tế bào bạch cầu được tạo ra trong tủy xương và di chuyển khắp cơ thể - để thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng, từ tìm kiếm mầm bệnh để chống nhiễm trùng đến ngăn ngừa bệnh tim và ung thư thông qua vai trò trong viêm và sửa chữa mô.

Ảnh hưởng đến số lượng và chất lượng của bạch cầu đơn nhân 

Nghiên cứu mới làm sáng tỏ ăn sáng hay bỏ bữa sáng thì tốt cho sức khỏe? - Ảnh 2.

Đối với nhóm bỏ ăn sáng, có sự suy giảm rõ rệt về số lượng bạch cầu đơn nhân trong máu

SHUTTERSTOCK

Kết quả, trong khi ở nhóm ăn sáng, số lượng bạch cầu đơn nhân hoàn toàn không thay đổi, thì đối với nhóm bỏ ăn sáng, lại có sự suy giảm rõ rệt về số lượng bạch cầu đơn nhân trong máu, theo tờ Hindustan Times (Ấn Độ).

Ở nhóm này, ban đầu lượng bạch cầu đơn nhân chưa giảm. Nhưng sau 4 giờ, có đến 90% lượng bạch cầu đơn nhân biến mất khỏi dòng máu và số lượng tiếp tục giảm sau 8 giờ. Các bạch cầu đơn nhân này đi vào tủy xương để ngủ đông.

Đồng thời, việc sản xuất các tế bào mới trong tủy xương giảm dần. Các bạch cầu đơn nhân trong tủy xương - vốn thường có tuổi thọ ngắn, đã trở nên tồn tại lâu hơn và già đi khác với các bạch cầu đơn nhân trong máu.

Ảnh hưởng đến khả năng chống viêm, chống nhiễm trùng

Các nhà nghiên cứu tiếp tục cho nhóm này nhịn ăn trong 24 giờ và sau đó cho ăn trở lại. Các tế bào ẩn trong tủy xương vào dòng máu tăng trở lại trong vòng vài giờ, làm tăng mức độ viêm. Thay vì bảo vệ chống nhiễm trùng, những bạch cầu đơn nhân bị biến đổi này dễ bị viêm hơn, làm giảm khả năng chống nhiễm trùng của cơ thể, theo Hindustan Times.

Tiến sĩ Swirski nói rằng: Bởi vì những tế bào này rất quan trọng đối với các bệnh khác như bệnh tim hoặc ung thư, việc hiểu được ảnh hưởng của việc ăn sáng hoặc bỏ bữa sáng đối với sự thay đổi của chúng là rất quan trọng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.