Nghiên cứu mỹ thuật cùng Ngô Kim Khôi

11/11/2018 09:30 GMT+7

Ngô Kim Khôi thành danh tại tại Pháp với vai trò là nhà thực hành mẫu thời trang cao cấp, đồng thời là nhà nghiên cứu mỹ thuật Việt.

Sống, làm việc, thành danh tại Pháp với vai trò là nhà thực hành mẫu thời trang may đo cao cấp cho các hãng lớn như Hermès, Christian Dior, Givenchy... cũng đồng thời là nhà nghiên cứu mỹ thuật Việt, Ngô Kim Khôi bảo sẽ dành phần đời còn lại gắn bó cùng quê hương VN.
Phần thời gian đó ông dành cho việc thực hiện những công trình nghiên cứu về lịch sử hội họa, đặc biệt là lớp họa sĩ Trường Mỹ thuật Đông Dương xưa - nơi sản sinh ra những viên gạch nền đầu tiên của hội họa Việt.
Ngô Kim Khôi (phải) và ông Phạm Đỗ Minh, con rể họa sĩ Thang Trần Phềnh Ảnh: Nguyễn Đình
Ngô Kim Khôi (phải) và ông Phạm Đỗ Minh, con rể họa sĩ Thang Trần Phềnh Ảnh: Nguyễn Đình
Lần gặp anh gần đây nhất tại Hà Nội, Ngô Kim Khôi khẳng định: “Tôi bỏ nghề thời trang từ hai năm nay rồi”. Bỏ thời trang, đồng nghĩa là những chuyến trở về VN hằng năm của Ngô Kim Khôi dày hơn, bận rộn hơn với bạn bè thuộc đủ giới sưu tầm tranh, cổ vật, giới nghiên cứu, hội họa, mỹ thuật... để cùng anh vun đắp thêm cho đam mê nghiên cứu về mỹ thuật Việt.
Cái gì bình thường nhất là quý nhất
Thành danh với nghề thời trang, rồi đột ngột bỏ nghề, anh có thể cho biết lý do?
Đối với tôi, công việc thời trang không phải do mình chọn, mà do nó chọn mình, cơ duyên đưa đẩy vào nghề mà ít người vào được, có thể do tôi khéo tay thôi. Nhưng khi vào rồi, trong đầu luôn nghĩ sẽ có lúc mình quay trở lại việc nghiên cứu hội họa, mỹ thuật. Đến khi có cảm giác đủ thì tôi dừng. Bây giờ phương tiện sống không còn gấp rút như xưa, nên phần thời gian còn lại của cuộc đời, tôi quyết định dành trọn cho nghiên cứu.
Bây giờ cuộc sống thoải mái hơn, người dân biết hưởng thụ hơn, họ nghĩ đến mỹ thuật nhiều hơn mỗi ngày, thích treo tranh ở nhà, đó là văn hóa tốt
 

Khi đạt đỉnh cao nghề nghiệp, người ta thường tiếp tục chinh phục chính mình, tiếp bước trên hào quang sự nghiệp, riêng anh bỏ hẳn, chắc anh nhớ nghề lắm?
Nhớ ghê gớm luôn chứ. Nhưng tôi luôn tâm niệm làm nghiên cứu mới là công việc chính và hợp với bản thân. Một quyết định hệ trọng cần thời điểm phù hợp, do cơ duyên đưa đẩy, định mệnh, tôi làm thời trang đến một lúc tự nhiên cảm thấy đủ, là khoảnh khắc phải dừng, được khoảng 2 năm rồi. Lúc trước làm thời trang vẫn song hành cùng nghiên cứu, bây giờ bỏ hẳn làm thời trang cho các hãng, chỉ may cho bản thân và cái gì mình thích, dùng trang trí trong nhà, giải trí cho khuây khỏa. Hiện tôi đang làm cái mền đắp, chắc là độc nhất vô nhị bởi được phối bằng các mảnh vải, đường thêu, mũi kim đặc trưng của Ngô Kim Khôi.
Có một Ngô Kim Khôi rất lịch lãm ở những sự kiện đẳng cấp thời trang; nhưng cũng có một Ngô Kim Khôi rất đời thường, dép lê, uống cà phê vỉa hè, lai rai quán cóc. Vậy làm ông Khôi nào khó hơn?
Tôi không mang sự kiêu kỳ của một gia đình quý phái, dù được chăm chút kỹ lưỡng từ nhỏ, nhưng đó chỉ là phụ thuộc, tôi không phải trưởng giả học làm sang. Trong cuộc sống, tôi nghĩ cái gì bình thường, đơn giản nhất, đó mới là quý nhất và không phải ai cũng làm được. Ngay cả thời trang, khi thực hiện một tác phẩm muốn có đường nét đơn giản nhất, sẽ khó thực hiện nhất.
Mỹ thuật VN có chỗ đứng riêng biệt
Làm nghiên cứu, lại là lĩnh vực mỹ thuật, hội họa, cũng là gốc nhà nòi khi ông ngoại (họa sĩ Nam Sơn - NV) là đồng sáng lập Trường Mỹ thuật Đông Dương (1924), tiếp xúc với mảng đề tài hội họa Đông Dương, điều gì khiến anh ấn tượng?
Khi tìm được một thông tin, tài liệu liên quan hay hiện vật gắn với những lứa họa sĩ đầu của mỹ thuật Đông Dương, tôi rất quý trọng và vui mừng, bởi giờ họ đều đã đi xa cả. Tôi có cơ duyên gặp được Lê Phổ, ông tặng tôi một số hình ảnh, tài liệu giá trị. Làm nghiên cứu rất cần những thông tin xác thực, cụ thể như thế để tìm ra và nói đến, xây dựng và xâu chuỗi lịch sử từ những viên đá đầu tiên của mỹ thuật Việt là nhóm họa sĩ xuất thân từ Mỹ thuật Đông Dương.
• Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi là cháu ngoại của họa sĩ Nguyễn Nam Sơn (1890 - 1973), đồng sáng lập Trường Mỹ thuật Đông Dương.
• Ông sinh năm 1960 ở Bình Dương, 13 tuổi lên Sài Gòn và sang định cư tại Pháp từ năm 1985.
• Ngô Kim Khôi từng thực hiện mẫu thiết kế cho các ngôi sao lừng danh thế giới như Charlotte Gainsbourg, Nicole Kidman, Catherine Deneuve, nữ hoàng nhạc pop Madonna...
Ở lĩnh vực nghiên cứu, Ngô Kim Khôi đã thực hiện các tác phẩm: Nam Sơn - Cuộc đời và Tác phẩm (Nam Son - sa Vie, son Oeuvre, 1999), Từ Hồng Hà đến Cửu Long, cái nhìn Việt Nam (Du Fleuve Rouge au Mékong, visions du Vietnam, 2012), Những nhiếp ảnh đầu tiên tại Việt Nam (Les premiers photographes au Vietnam, 2015)...

Khám phá, nghiên cứu, tìm tư liệu, gặp gỡ nhân chứng sống ghi lại lịch sử mỹ thuật, có điều gì khiến anh trăn trở?
Hiện vấn đề tài liệu còn rất nhiều việc phải làm, tôi sợ không có thì giờ làm hết nên quyết định bỏ nghề thời trang để lo nghiên cứu. Nhờ cơ duyên nên có nhiều tài liệu phải dịch, phải sắp đặt lại thì mới có thể hoàn tất việc nghiên cứu. Thị trường tranh hiện thật giả lẫn lộn, nhưng tư liệu khi chuẩn xác, định hình nên những chứng cứ giúp thẩm định tranh thật giả. Công việc còn dài hơi, trong khi nhiều người chạy theo lợi nhuận khiến thị trường mỹ thuật bị xấu đi. Tôi nghĩ nếu ngày càng nhiều người chuyên tâm nghiên cứu mỹ thuật, giúp đỡ lẫn nhau, nâng tầm hiểu biết về kiến thức, sưu tập, việc phân định thật giả trở nên dễ dàng hơn, từ đó tư duy mỹ thuật của công chúng cũng sẽ phát triển theo.
Dày công nghiên cứu về Mỹ thuật Đông Dương, cái khí Tây và ta hòa quyện rất hài hòa, anh có thể chia sẻ lý giải của bản thân về điều đó?
Trước khi Trường Mỹ thuật Đông Dương ra đời, nền mỹ thuật ở VN rất sơ khai. Khi ông Victor Tardieu gặp ông Nam Sơn, theo tôi cái ý lập Trường Mỹ thuật Đông Dương do ông Nam Sơn đề nghị và tác động vì ông Tardieu sang VN công tác, rồi sẽ trở về gia đình ở Pháp, hẳn không nghĩ mình sẽ mở trường ở VN. Đấy là điều tôi cần nhấn mạnh và cần nhắc đến, vì lịch sử mỹ thuật hiện chỉ nói năm thành lập, trường do Pháp dựng nên, đó chỉ là phân nửa. Nền mỹ thuật Việt khi thành lập, các thế hệ đầu tiên, vẽ những bức tranh đầu tiên, đi triển lãm đầu tiên, người ta nhận ngay đó là mỹ thuật VN, không nhầm lẫn, có chỗ đứng riêng biệt. Các thầy Pháp hướng dẫn học sinh VN vẽ theo cách Tây, nhưng dùng tâm tình Việt. Điều đó tạo nên một dòng nghệ thuật hoàn toàn khác, mà cho đến giờ nó vẫn còn nguyên giá trị, đó là điều rất vui mừng và thú vị.
Người ta mua chuộc tôi rất nhiều
Theo đuổi lĩnh vực nghiên cứu giúp anh tiếp cận những tên tuổi lớn trong ngành tham gia thẩm định tranh. Vậy để nói thật về một bức tranh giả, anh sẽ nói thế nào?
Phải khéo léo vô cùng, vì đụng chạm vào sự tế nhị, tùy mức độ thân quen mà mình lựa chọn nói thẳng thắn hay chỉ im lặng. Quan trọng là phải hiểu người sở hữu tranh tìm đến mình vì điều gì. Nếu muốn nghe sự thật, mình sẽ nói, có người không muốn nghe sự thật thì thôi. Còn nếu trả tiền để tôi nói thì tôi chỉ có cách duy nhất là nói sự thật. Khi gặp một bức tranh giả, tôi cảm giác như bị đứng trên bờ vực, rất nguy hiểm cho cả tôi và người chơi tranh. Trong đó nguy hiểm cho tôi nhiều hơn vì người ta sẽ cám dỗ tôi ngả theo cái giả.
Anh có hay gặp tình huống bị mua chuộc?
Rất nhiều, họ mua chuộc tôi làm theo ý họ và trả cho tôi số tiền lớn, đủ khiến nhiều người phải suy nghĩ, nhưng tôi luôn từ chối vì nếu làm sai sự thật, hoàn toàn không có lợi gì cho bản thân, cho mỹ thuật Việt. Tôi có tên, có nền tảng gia đình, cám dỗ có cao đến mấy cũng không bao giờ mang lại ích lợi gì cho tôi cả.
Các cụ hay bảo “Nghề chơi lắm công phu”. Hỏi thật anh, giữa học, làm, nghiên cứu và chơi, với anh cái nào khó nhất?
Tự học là điều tôi thích nhất, nghiên cứu là khó nhất. Đi chơi xây dựng cho tôi có tuổi thanh xuân phong phú. Tôi đi rất nhiều, đi khắp thế giới, đó là phần thư giãn, trải nghiệm mà tôi có được trong cuộc sống. Còn nghiên cứu cần sự tỉ mỉ, trong các tư liệu đọc được có những điểm có khi người khác đọc không nhận ra, không đọc được ý giữa hai dòng chữ, do vậy tìm trong nghiên cứu những chi tiết đắt giá, chẳng hạn họa sĩ vẽ, viết, nhìn qua đó mình cảm ra được tâm tình họa sĩ trong đó. Cụ thể hơn là tác phẩm nghiên cứu về họa sĩ Thang Trần Phềnh, hay những bài viết về Lê Huy Miến, Nam Sơn, Giải thưởng Đông Dương, Trường Mỹ thuật... mà tôi đã xuất bản, đó là các tài liệu thú vị mà tôi muốn chia sẻ cho mọi người. Tôi cố gắng nghiên cứu, tìm hiểu để nói ra những gì trung thực nhất trong số tài liệu mình có được. Làm nghiên cứu là phải đứng giữa, dù xấu - tốt vẫn phải làm và nói cho đúng.
Thời trẻ, người ta hay đi ra; về già, người ta đi về; cũng khá giống như anh bây giờ, anh cảm nhận gì về đời sống văn hóa, nghệ thuật của VN hiện tại? Điều gì ở VN hấp dẫn anh tìm về?
Người Việt có câu: “Lá rụng về cội”. Đó là tâm tình người Việt. Khi tôi nói điều đó, nhiều người bạn Pháp không hiểu. Càng ngày tôi càng có ý thích trở về, sống trong không khí VN, gần gũi người Việt, thưởng thức ẩm thực Việt... Còn về mỹ thuật, bây giờ cuộc sống thoải mái hơn, người dân biết hưởng thụ hơn, họ nghĩ đến mỹ thuật nhiều hơn mỗi ngày, thích treo tranh ở nhà, đó là văn hóa tốt. Tôi mong những người trẻ lưu ý đến nghệ thuật nhiều hơn để tạo cho mình cuộc sống phong phú và hoàn mỹ. 
Buổi ra mắt tác phẩm về họa sĩ Thang Trần Phềnh nhận được sự quan tâm của giới mỹ thuật và truyền thông
Buổi ra mắt tác phẩm về họa sĩ Thang Trần Phềnh nhận được sự quan tâm của giới mỹ thuật và truyền thông
Sau 10 năm nghiên cứu, sưu tầm tài liệu, gặp gỡ nhân chứng, nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi đã hoàn thiện tác phẩm gồm 190 trang về cuộc đời, sự nghiệp sáng tác của họa sĩ tài danh trong nền hội họa Việt là Thang Trần Phềnh. Tác phẩm gây tiếng vang trong giới mỹ thuật ngay lần đầu ra mắt tại Hà Nội. Sau đó là các sự kiện giao lưu, ra mắt sách với công chúng TP.HCM vào ngày 26.8 tại The Factory, và 15.9 tại Mai’s Gallery.
Một nhà nghiên cứu có tâm
       Ảnh: N.Đ
Chúng tôi làm nghiên cứu về lĩnh vực sân khấu, trong tất cả các công trình không cái nào không nhắc đến bậc thầy về mỹ thuật sân khấu của ca kịch VN là Thang Trần Phềnh. Trong tay có một số tư liệu về họa sĩ tài danh này nhưng mong muốn của chúng tôi thực hiện một cuốn sách về Thang Trần Phềnh vẫn chưa thành hiện thực. Anh Ngô Kim Khôi sống ở nước ngoài, nhìn về văn hóa dân tộc, thực hiện cuốn sách khảo cứu giá trị, đấy là điều mà trong giới, trong ngành chúng tôi mong ước. Anh Khôi có chia sẻ với tôi tác phẩm này mới chỉ là phần đầu, sẽ còn nhiều phần tiếp theo về Thang Trần Phềnh, đặc biệt là sách nghiên cứu về mỹ thuật sân khấu. Với người nghiên cứu có tâm như Ngô Kim Khôi, chúng tôi luôn sẵn sàng cộng tác, chia sẻ cùng anh những tư liệu để phục vụ việc nghiên cứu của anh thêm hoàn thiện”.
Nhà nghiên cứu mỹ thuật sân khấu Đoàn Thị Tình
Mỹ thuật cần thêm nhiều tác phẩm nghiên cứu giá trị
       Ảnh: N.Đ
Tập sách Thang Trần Phềnh đến với Nhà xuất bản Mỹ thuật chúng tôi là một niềm vui lớn vì tác giả Ngô Kim Khôi là nhà nghiên cứu, là người Pháp gốc Việt nhưng có nguồn tư liệu rất dày và giá trị, phương pháp tiếp cận không giống các cuốn sách thường thấy. Từ đó cho chúng ta có cái nhìn dễ hiểu về một nhân vật lừng danh trong hội họa Việt. Nguồn tài liệu được tập hợp có độ tin cậy cao vì là nguồn từ gia đình, bạn bè, có dấu ấn lịch sử rõ ràng. Trong hội họa sơ khai của VN, họa sĩ Thang Trần Phềnh là người mà chúng ta đặt nhiều câu hỏi chưa có lời giải đáp thỏa đáng. Cuốn sách này là một câu trả lời về sự thèm khát về nguồn tư liệu của Thang Trần Phềnh mà trước đây hầu hết chỉ biết về ông qua hai tác phẩm ở Bảo tàng Mỹ thuật là Phạm Ngũ Lão và Cô gái Lào.
Họa sĩ Đặng Thị Bích Ngân, Giám đốc Nhà xuất bản Mỹ thuật
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.