Hình thành ít nhất 10 mạng lưới đào tạo, nghiên cứu xuất sắc và tài năng
Tại hội thảo, ông Trần Nam Tú, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học, công nghệ và môi trường (Bộ GD-ĐT), đã trình bày dự thảo tờ trình về việc phê duyệt Đề án phát triển hệ thống trung tâm đào tạo xuất sắc và tài năng về công nghệ 4.0 đến năm 2030.
Dự thảo đề án đặt mục tiêu đến năm 2030 hình thành ít nhất 10 mạng lưới đào tạo, nghiên cứu xuất sắc và tài năng thuộc các lĩnh vực ưu tiên về công nghệ 4.0. Mỗi mạng lưới đào tạo, nghiên cứu xuất sắc và tài năng do 1 cơ sở giáo dục ĐH có thế mạnh đóng vai trò dẫn dắt, có ít nhất 5 cơ sở giáo dục ĐH và một số doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tham gia. Mỗi mạng lưới đào tạo, nghiên cứu xuất sắc và tài năng tổ chức được ít nhất 1 chương trình đào tạo thích ứng, đào tạo lại, nâng cao, chuyên sâu cho nguồn nhân lực theo đặt hàng của doanh nghiệp.
Cũng theo dự thảo đề án này, hàng năm tăng ít nhất 10% số lượng hợp tác giữa doanh nghiệp với cơ sở giáo dục ĐH trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học. Mỗi mạng lưới đào tạo, nghiên cứu xuất sắc và tài năng phấn đấu thu hút được 100-300 nhà khoa học và chuyên gia giỏi là người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục ĐH ở Việt Nam.
Phó vụ trưởng Vụ Khoa học, công nghệ và môi trường cho biết, những nội dung của đề án được nghiên cứu, phát triển trên nguyên tắc kế thừa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của chiến lược, chương trình, đề án đã được phê duyệt để cụ thể hóa thành các hoạt động cụ thể. Trong đó, các cơ sở giáo dục ĐH đóng vai trò trung tâm, doanh nghiệp hợp tác, hỗ trợ và đầu tư của nhà nước trong một số lĩnh vực công nghệ ưu tiên 4.0.
Giảng viên có trình độ tiến sĩ chiếm trên 32%
Theo thông tin được chia sẻ tại hội thảo, cả nước có 244 cơ sở giáo dục ĐH. Trong đó 172 cơ sở giáo dục ĐH công lập (26 cơ sở giáo dục ĐH trực thuộc các địa phương) và 67 cơ sở ngoài công lập (5 cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài). Đáng chú ý, số lượng giảng viên cả nước có 78.190 người. Trong đó, giảng viên có trình độ tiến sĩ chiếm tỷ lệ trên 32%.
Thống kê của Bộ GD-ĐT cũng cho thấy, quy mô đào tạo tiến sĩ cả nước có xu hướng tiếp tục giảm trong các năm gần đây. Ví dụ, năm học 2022-2023 trong số 7 khối ngành đào tạo, cả nước chỉ có hơn 8.600 nghiên cứu sinh. So với năm học 2020-2021, quy mô nghiên cứu sinh của năm học 2022-2023 giảm hơn 4.000 (năm học 2020-2021 có trên 12.600 nghiên cứu sinh).
Liên quan đến người học, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc cho rằng trong đề án này nên nghiên cứu cả chính sách học bổng và tín dụng dành cho sinh viên. Trong đó, chính sách tín dụng cần đủ để người học có thể trả học phí và sinh sống. Theo Thứ trưởng Phúc, không thể đào tạo công nghệ cao mà lấy học phí thấp bởi "không thể nào đào tạo chi phí thấp mà chất lượng cao được".
Nhưng với bậc đào tạo tiến sĩ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc đề xuất chính sách khác. Thứ trưởng cho biết hiện Bộ Khoa học và công nghệ đang chủ trì sửa luật Khoa học và công nghệ. Góp ý cho dự thảo luật này, Thứ trưởng Phúc cho rằng với nghiên cứu sinh nên có chính sách hỗ trợ khi họ tham gia các đề tài nghiên cứu. "Nó thành một chi phí hợp lý được Bộ Tài chính và các bộ ngành chấp nhận, đủ sức thu hút để nghiên cứu sinh tham gia vào các đề tài. Chúng ta trả cho nghiên cứu sinh đàng hoàng, giống như ở nước ngoài khi ta đi học, các đề tài nghiên cứu hay dự án lớn luôn có cấu phần cho nghiên cứu sinh tham gia", Thứ trưởng phân tích.
Với cách làm đó, Thứ trưởng Phúc cho rằng mới có được các nghiên cứu sinh chất lượng tham gia vào nghiên cứu toàn thời gian. "Chứ không phải như giờ, nghiên cứu sinh vừa học vừa làm thì không có chất lượng, phải đóng học phí và không có lương", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Nói thêm về giải pháp, Thứ trưởng cho biết Bộ GD-ĐT cần có nghiên cứu tiếp về đội ngũ nghiên cứu sinh. "Một số trường ĐH nước ngoài, nghiên cứu sinh cũng tham gia vào công tác giảng dạy, nghiên cứu của nhà trường. Chúng ta có thể cân nhắc họ như một phần đội ngũ cơ hữu của trường. Như thế mới hình thành nên đội ngũ nghiên cứu sinh mạnh được, chứ như hiện nay việc tuyển sinh nghiên cứu sinh khó khăn và chất lượng nếu không có nghiên cứu toàn thời gian sẽ khó", Thứ trưởng Bộ GD-ĐT gợi mở thêm.
Bình luận (0)