Ngày 11.7, Sở GTVT tỉnh Ninh Thuận cho biết, Bộ GTVT vừa có văn bản chấp thuận cho Công ty CP Thương mại - Dịch vụ khách sạn Bạch Đằng (Công ty Bạch Đằng, nhà đầu tư đề xuất dự án) lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án khôi phục tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm - Đà Lạt theo phương thức PPP (đối tác công - tư).
Cây cầu duy nhất trên tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt, đoạn qua tỉnh Ninh Thuận |
Thiện nhân |
Bộ GTVT yêu cầu Công ty Bạch Đằng có trách nhiệm trình thẩm định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án theo đúng quy định của luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, luật Đường sắt và quy định của pháp luật khác có liên quan, đảm bảo phù hợp với quy hoạch, tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn và các yêu cầu kỹ thuật, chất lượng công trình; chi phí lập hồ sơ đề xuất của nhà đầu tư đề xuất dự án được xác định trên cơ sở dự toán được thẩm định, phê duyệt theo quy định và được tính trong tổng mức đầu tư dự án.
Nhà đầu tư đề xuất dự án có trách nhiệm bố trí đủ kinh phí thực hiện công tác lập, trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án theo đúng trình tự, quy định của pháp luật; thời hạn, địa điểm nộp hồ sơ đề xuất dự án của nhà đầu tư đề xuất trước ngày 31.12.2022.
Các chuyên gia nước ngoài khảo sát tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm - Đà Lạt |
Khoa Danh |
Trước đó, ngày 27.9.2018, tại buổi làm việc với UBND tỉnh Ninh Thuận, Công ty Bạch Đằng đề xuất dự án khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt với tổng kinh phí ước tính hơn 8.200 tỉ đồng, đầu tư theo hình thức PPP.
Điểm đầu của dự án từ ga Tháp Chàm (Ninh Thuận) và điểm cuối là ga Đà Lạt (Lâm Đồng) sẽ được khôi phục dựa trên cơ sở tuyến đường sắt cũ, tổng chiều dài 84 km, với các tiêu chuẩn kỹ thuật tương tự như tuyến đường được xây dựng và khai thác trước đây.
Tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm - Đà Lạt được người Pháp triển khai xây dựng từ năm 1908 đến năm 1932 mới hoàn thành. Trên toàn tuyến có 12 nhà ga, 5 hầm chui, tổng chiều dài 1.090 m; đặc biệt có 2 đoạn răng cưa dài gần 14 km vượt đèo. Từ năm 1968 tuyến đường sắt này ngừng khai thác và đến năm 1975 được khởi động lại nhưng chỉ chạy được 7 chuyến thì dừng hoạt động. Năm 1986, hầu như toàn bộ đường ray, tà-vẹt trên tuyến đường này được tháo gỡ.
Ngày 24.8.2015, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó có chủ trương khôi phục tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm - Đà Lạt.
Bình luận (0)